AI trong dạy và học tiếng Anh: "Chiếc đũa thần" nhưng cần dùng đúng cách

Trường Thịnh

(Dân trí) - Tạo môi trường học tập năng động, cá nhân hóa chương trình đào tạo, nhưng việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong dạy và học tiếng Anh cũng đặt ra vấn đề về đạo đức bảo vệ dữ liệu cá nhân, nguy cơ phụ thuộc vào công nghệ, mất kết nối xã hội.

Thông tin được Tiến sĩ Adam Edmett, Giám đốc bộ phận Đổi mới Công nghệ Giáo dục của Hội đồng Anh chia sẻ tại Hội thảo quốc tế VietTESOL 2024 diễn ra ngày 28/7 tại Đại học Kinh tế TPHCM. Đây là sự kiện thường niên lớn nhất trong lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy tiếng Anh tại Việt Nam. Chương trình năm nay có chủ đề "Giáo dục tiếng Anh trong thời đại trí tuệ nhân tạo", quy tụ hàng trăm nhà giáo dục, chia sẻ những đổi thay mà trí tuệ nhân tạo (AI) mang lại, thảo luận về cách AI định hình tương lai.

AI trong dạy và học tiếng Anh: Chiếc đũa thần nhưng cần dùng đúng cách - 1

Tiến sĩ Adam Edmett, Giám đốc bộ phận Đổi mới Công nghệ Giáo dục của Hội đồng Anh chia sẻ tại Hội thảo quốc tế VietTESOL diễn ra ngày 28/7.

Là nội dung trọng tâm của Hội thảo quốc tế VietTESOL 2024, phần trình bày "AI trong dạy và học tiếng Anh: Bước chuẩn bị cho tương lai" của Tiến sĩ Adam Edmett đã thu hút sự quan tâm của nhiều giáo viên, chuyên gia hàng đầu, nhất là khi ông đề cập tới vấn đề "nóng": liệu một người có thể giỏi ngoại ngữ chỉ cần học qua AI, giáo viên sẽ thất nghiệp vì AI, quyền riêng tư dữ liệu, bảo mật…

Dẫn khảo sát 1.348 giáo viên dạy tiếng Anh ở 118 quốc gia và vùng lãnh thổ, 19 cuộc phỏng vấn sâu với các bên, do Hội đồng Anh thực hiện, ông Adam Edmett khẳng định "Ứng dụng AI trong dạy và học tiếng Anh nói riêng cũng như các ngôn ngữ khác nói chung là xu thế không thể đảo ngược và sẽ phát triển mạnh hơn nữa". Trong năm 2014 gần như không có công trình nghiên cứu về lĩnh vực này, nhưng đến 2023, con số đã vọt lên đến 35. Châu Á đang dẫn đầu về số lượng các nghiên cứu liên quan đến ảnh hưởng và các ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực giáo dục.

AI giúp ích gì cho việc học ngoại ngữ?

AI có thể tăng cường thực hành ngôn ngữ bên ngoài lớp học, giảm bớt sự lo lắng của người học khi nói; lắng nghe và chỉnh sửa phát âm; dạy từ vựng, ngữ pháp qua đố vui; biết động viên khi bạn đạt điểm tốt; đa dạng tình huống thực tế; học bất cứ lúc nào; xóa nhòa ranh giới địa lý… Đó là một số ưu điểm của việc sử dụng AI trong quá trình học tiếng Anh. Cá nhân hóa chương trình học cũng là điểm mạnh khác khi sử dụng AI, giúp nương theo sức học của mỗi người để có cách dạy khác nhau.

Vậy AI có phải "chiếc đũa thần" giúp giỏi ngoại ngữ? Theo Tiến sĩ Adam Edmett, AI hỗ trợ tìm đáp án, giải bài tập, rèn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết trên cơ sở tương tác một - một hiệu quả cho người học. Sau giờ học trên lớp, rèn thêm tiếng Anh qua ứng dụng giúp tốc độ lưu loát ngoại ngữ nhanh hơn.

Tuy nhiên, bất chấp những thay đổi nhanh chóng về công nghệ hiện có, các bài giảng truyền thống vẫn tồn tại. Bạn không thể lệ thuộc công cụ dịch thuật, nhất là khi nơi đó không có mạng, bảo mật quyền riêng tư dữ liệu kém, dựa dẫm hoàn toàn vào công nghệ khiến con người mất năng lực tư duy, làm việc nhóm - kỹ năng sống quan trọng thời đại toàn cầu hóa, Tiến sĩ Adam Edmett đúc kết, không có mẫu số chung cho việc cứ áp dụng AI là giỏi ngoại ngữ, hay trong bao lâu là thông thạo, bởi mỗi người có năng lực học khác nhau.

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào giúp giáo viên giải quyết thách thức khi tích hợp AI vào lớp học, từ đó nâng cao sự tương tác của người học, cá nhân hóa hướng dẫn, tối ưu quy trình giáo dục. Những nội dung, nghiên cứu mới nhất từ Hội đồng Anh, được Tiến sĩ Adam Edmett trình bày tại hội thảo sáng 28/7, mang đến góc nhìn mới mẻ và sâu sắc, gợi mở các vấn đề và hướng đi thiết thực.

AI hỗ trợ giáo viên truyền cảm hứng cho học sinh

Nhiều học sinh xứ Wales không sẵn sàng học ngoại ngữ. Hội đồng Anh đã thực hiện 1 video để hiểu các em mong muốn gì, gặp khó khăn nào, đâu là giải pháp. Trong video, có bạn muốn học tiếng Tây Ban Nha, số khác chọn Bồ Đào Nha, Trung Quốc, Nhật Bản… Đoạn video hoàn thành, cho ra kết quả bất ngờ, nhờ xử lý bằng công cụ dịch thuật AI.

Theo đó, AI dùng gương mặt, cử chỉ, điệu bộ, giọng nói của chính các bạn và chuyển sang ngôn ngữ mà các bạn ước ao thông thạo. Trước màn hình là những chàng trai, cô gái nói tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Trung Quốc, Nhật Bản… sành sỏi như người bản địa, đã phấn khích, kích thích nỗ lực học ngoại ngữ.

"AI có thể hỗ trợ thầy cô giáo tạo thêm sức mạnh, truyền cảm hứng, thôi thúc ý chí học tập của các em", Tiến sĩ Adam Edmett đúc kết và cho biết, giáo viên các nước đang sử dụng các công cụ sử dụng sức mạnh của trí tuệ nhân tạo trong nhiều hoạt động giảng dạy tiếng Anh.

AI trong dạy và học tiếng Anh: Chiếc đũa thần nhưng cần dùng đúng cách - 2

Trí tuệ nhân tạo có thể cộng hưởng, truyền cảm hứng đến các giáo viên và học sinh trong việc dạy và học tiếng Anh.

Đây là nỗ lực trong hành trình nghiên cứu giải pháp, ứng dụng công nghệ để đưa tiếng Anh trở nên thân thiện, tiện dụng với mọi người của Hội đồng Anh nói chung và của Tiến sĩ Adam Edmett nói riêng. Tại Việt Nam, Hội đồng Anh hỗ trợ giáo viên (kể cả vùng sâu, vùng xa) qua các lớp bồi dưỡng, tập huấn thực tế, hướng dẫn sử dụng công nghệ đúng cách, nâng cao năng lực trong dạy và học, tiệm cận chuẩn thế giới.

Tiến sĩ Adam Edmett kỳ vọng các bên liên quan sẽ đồng hành cùng Hội đồng Anh hơn nữa, để thầy cô và các em học sinh vùng khó khăn ở Việt Nam có đủ kinh phí cần thiết, tiếp cận phương pháp giảng dạy tiên tiến, bởi thành thạo ngoại ngữ giúp các em tăng cường sự tự tin, trở thành công dân toàn cầu, thăng tiến trong công việc, học tập và đóng góp ngược lại cho cộng đồng.

Với thế mạnh và kinh nghiệm hơn 90 năm chuẩn hóa giảng dạy, học tập và đánh giá tiếng Anh trên toàn cầu, Hội đồng Anh tại Việt Nam có đóng góp quan trọng về mặt học thuật cho Hội thảo Quốc tế VietTESOL 2024, phác họa rõ nét vai trò của AI trong việc dạy và học tiếng Anh trên phạm vi toàn cầu và đã nhận được đánh giá cao từ giới chuyên môn. Hàng trăm giáo viên, chuyên gia cho biết đã hiểu thêm về tác động đa chiều của AI, đồng thời nắm bắt cơ hội đổi mới trong phương pháp giảng dạy, thiết kế chương trình học.