(Dân trí) - Dạy học cho trẻ em đã khó, dạy học cho trẻ em là nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin còn khó khăn trăm bề. Đó không chỉ đơn thuần là "dạy chữ" mà còn là dạy cách sống, cách làm người.
Các em chính là những "công dân mới" có bàn tay không thể cầm nắm, những đôi chân không thể tự đứng dậy, ánh mắt nhìn không gian lơ đãng, miệng ú ớ mà không thể cất tiếng nói, điều đó khiến các em gần như không thể tự mình làm những việc đơn giản nhưng vẫn hướng tới sự hòa nhập của cộng đồng.
Làng Hữu nghị Việt Nam - Trực thuộc TW Hội Cựu chiến binh Việt Nam (gọi tắt là Làng, xã Vân Canh, Hà Nội) hiện tại đang là nơi chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục dạy nghề cho hơn 120 trẻ em bị phơi nhiễm chất độc màu da cam/dioxin. Đây cũng là nơi điều dưỡng, phục hồi chức năng cho các bác cựu chiến binh, người có công với cách mạng hàng năm.
Chiến tranh dù đã rời xa hơn 40 năm, nhưng những ám ảnh kinh hoàng vẫn còn hiện hữu trong cuộc sống. Và các em là những nhân chứng còn hứng chịu nỗi đau dai dẳng của một thời khói lửa.
17 năm gắn bó với Làng, là "giáo viên" của biết bao nhiêu thế hệ em nhỏ bị khuyết tật, chậm trí tuệ và cả tăng động, cô Phạm Thị Phương Thảo không khỏi xúc động khi chia sẻ câu chuyện của cô - trò tại Làng.
Cô nói: "Việc giao tiếp giữa "mẹ" và các em đều được sử dụng bằng ngôn ngữ rất đặc biệt. Với những trẻ khiếm thính sẽ giao tiếp bằng cử chỉ điệu bộ, hành động và hành vi.
Với những em bị tăng động, chậm phát triển trí tuệ, phải thực sự kiên nhẫn, tâm huyết và có lòng thương yêu thực sự mới có thể hiểu hết được từng thói quen, từng tâm tư tình cảm các con để giao tiếp".
Ở nghề vi tính, các em sẽ được học soạn thảo các văn bản, excel, và nâng cao hơn chính là thiết kế đồ họa in trực tiếp trên cốc, áo… Những em có năng khiếu thêu sẽ tự thêu những bức tranh về những phong cảnh nổi tiếng tiêu biểu của Việt Nam.
Còn ở lớp may, các em sẽ nắm bắt được những đường may cơ bản cho đến cách để may sản phẩm được hoàn thiện và đẹp. Nếu có đôi bàn tay khéo léo thì các em cũng sẽ được tham gia vào lớp làm hoa, ngoài ra sẽ được làm thiệp.
Mỗi năm có vài trăm cựu chiến binh đến điều dưỡng ở Làng và mỗi người được nhận một bộ. Khi nhận áo, tất cả đều vui mừng và ghi nhận công lao của những em nhỏ. Biết rằng, khi các em nhỏ nhận áo mới, cũng là lúc các em vui hơn trong tình đoàn kết, thương yêu đùm bọc lẫn nhau.
"Lớp khó khăn và vất vả nhất là kỹ năng 1, bởi đây là những em tăng động, giảm tập trung cần hạn chế hành vi để các cô sẽ dạy về những kỹ năng tự phục vụ bản thân: gội đầu, giặt quần áo, đánh răng, rửa mặt, gội đầu…
Còn ở lớp kỹ năng 2, các em sẽ được học kỹ năng nấu ăn, kỹ năng an toàn, kỹ năng xã hội... Dù chỉ là những món ăn đơn giản nhưng sẽ giúp các em tự chăm sóc bản thân và hòa nhập được với cộng đồng", cô Loan cho biết.
Những em không có khả năng học nghề thì sẽ được xếp vào lớp giáo dục đặc biệt để học văn hóa, học cách chào - hỏi và giao tiếp với mọi người xung quanh. Nhưng để có một "tiết học" đúng nghĩa thì là cả sự vất vả, giọt nước mắt của cô - trò.
Tiêu chuẩn của mỗi lớp giáo dục trẻ em đặc biệt là từ 3-5 em, nhưng mỗi cô ở đây sẽ phải hướng dẫn và chỉ dạy cho khoảng 15 em, vì thiếu nhân lực. Nghề giáo đã lắm gian nan thì nay lại khó khăn trăm bề.
Cô Thảo cho biết: "Chương trình học hàng ngày của các em chỉ tương đương với trình độ mầm non. Dù ở độ tuổi 17-18 nhưng mức độ nhận thức chỉ ngang với trẻ 2-3 tuổi.
Những phép tính đơn giản nhưng các em phải trải qua 4-5 tháng mới có thể làm được bằng cách đếm trên đầu ngón tay. Ngoài ra, các em sẽ được học bảng chữ cái, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng nhận thức hành vi của mình".
Trong tiết học hát, cô hát, trò hát theo, có khi cùng nhau hát mê say… ê a... bập bẹ như những đứa trẻ lên ba vậy. "Những tiết học như vậy để xóa tan đi bầu không khí căng thẳng của cả cô và trò khi cùng nhau vật lộn với tập đọc và làm toán. Bởi, tập đọc và làm toán đối với học sinh bình thường đã khó, với các em… có khi còn… xa vời quá", cô Thảo ngậm ngùi nói.
Sau mỗi học kỳ các cô đều có nhận xét về khả năng học của các em và hàng năm cô đánh giá để chuyển lớp cho các em. Cô Nguyễn Thị Loan, hiện đang phụ trách lớp kỹ năng 2 vỡ òa cảm xúc khi các em đã nhận thức và biết viết được tên mình sau gần một năm nỗ lực.
Cô chia sẻ: "Sau 5 tháng cô trò vật lộn, mình ngỡ ngàng khi em gọi mình là mẹ. Chính những sự gắn bó, cùng chia sẻ thủ thỉ trong tiết học đã khiến tình cảm cô trò được vun đắp.
Trong tâm của mỗi "cô", việc các em học được bao nhiêu câu tiếng Việt, bao nhiêu phép toán cũng chẳng quý giá bằng việc các em nhận thức mình là ai, biết phải làm gì và phải học tập như thế nào".
Nhìn thấy sự cố gắng, nỗ lực của các con khi đã có thể tự viết tên mình, tên bố mẹ hay thậm chí tên cô, các "mẹ" cũng sẽ phần nào thấy được thành quả được gặt hái, tia hy vọng về một ngày mai tươi sáng ngày càng được rõ nét hơn bao giờ hết.
Vào những ngày thời tiết thay đổi, trẻ lên cơn đã ảnh hưởng không nhỏ đến giờ học và tiếp thu kiến thức của cả cô - trò. "Khi trẻ lên cơn, giáo viên phải dừng giờ dạy, cùng con vượt qua để trở về trạng thái bình thường", cô Thảo nói.
Cô Loan bày tỏ: "Những lúc nhìn cơ thể các em bị co cứng, lên cơn mà lòng mình lại quặn đau. Nhiều khi đưa các em lên phòng y tế mà cả cô trò nước mắt cùng rơi. Chỉ mong sao cơ thể em sớm bình thường để có thể quay trở lại lớp học. Một buổi học có vài em như vậy thì sẽ chẳng có một tiết học nào hoàn chỉnh được diễn ra".
Ngoài giờ học trên lớp, buổi tối khi về sinh hoạt tại các nhà chung, việc củng cố kiến thức lẫn dạy lại cho các em là điều không thể nào thiếu.
"Tối nào cô giao bài tập, Hải Đăng cũng biết nhờ "mẹ" dạy con học. Năm nay Hải Đăng đã 19 tuổi nhưng cũng đang dừng lại ở việc ghép chữ và cộng trừ dưới 10 đơn vị.
Cảm động trước sự hiếu học của Đăng, nhiều hôm hai mẹ con dạy học đến khuya cũng là chuyện bình thường. Nhìn thấy con được khỏe mạnh và chăm học lòng mình cũng cảm thấy vơi đi phần nào sự lo lắng", cô Toàn bộc bạch.
Dẫu biết sự thiệt thòi mà các em phải chịu lớn lao biết nhường nào. Dù không muốn nói ra nỗi phiền muộn của mình, nhưng rất nhiều em khao khát được làm người bình thường.
Nhưng không thể được, các em không chọn được gia đình mình sinh ra. Nỗi day dứt sẽ đeo bám nhiều em đến hết cuộc đời. Bù lại, các em có một "gia đình" nhỏ ở Làng, nơi tìm lại những nụ cười, nơi làm ấm lại tâm hồn trẻ thơ.
Chương trình giáo dục đặc biệt tại Làng có nhiều chủ đề phong phú, đa dạng, gần gũi và sát thực với cuộc sống như học về động vật, thực vật, giao thông, kỹ năng giao tiếp, phân biệt màu sắc, hình khối.
Phụ trách lớp giáo dục đặc biệt nặng nhất, cô Thảo không thể nào quên hình ảnh của em học sinh tăng động đó, nhiều lúc cũng thấy "lực bất tòng tâm" nhưng rồi điều kỳ tích đã xảy ra.
Cô kể: "Chưa có một tiết học nào em ngồi đúng chỗ và theo sự chỉ bảo của cô, việc di chuyển, trèo leo hay chạy ở trên lớp là thường xuyên diễn ra. Thậm chí điều hòa, rèm cửa trong lớp học cũng bị giật hỏng, có những buổi học các cô cùng bảo vệ phải "đuổi" xung quanh Làng.
Khoảng 6 tháng sau, em biết ngồi một chỗ hành vi cũng được hạn chế và nhận thức. Khi lên lớp cũng đã biết chào cô, sáng đến lớp đã ôm cô, khoanh tay rất lễ phép. Hiện tại, em đã được chuyển về lớp giáo dục đặc biệt 3 để học những kiến thức mới".
Ngay cả việc đơn giản cầm bàn chải vệ sinh răng miệng cũng mất đến nửa năm thì các em mới có thể thuần thục. Chỉ cần đưa bàn chải là em lại ném đi, chẳng thế mà riêng việc đánh răng nhiều khi cũng mất 30-40 phút.
Cũng như bao người mẹ khác, từ sáng sớm mẹ Toàn dậy đánh thức các em, chỉ bảo và giúp các em vệ sinh cá nhân, dẫn các em đi ăn sáng rồi lên lớp học. Trong lúc các em lên lớp, mẹ ở nhà dọn dẹp nhà cửa và nhiều công việc không tên khác như đổ bô, giặt màn, vệ sinh giường chiếu…
Cũng đã có đôi ba trường hợp các con được trở về hòa nhập cộng đồng rồi có khi còn lập gia đình nữa. Nhưng ít lắm, mỗi đứa một bệnh, có những đứa suốt đời không thể khỏi được, chỉ nghĩ thế thôi là không cầm được nước mắt...".
"Nếu để quay lại quá khứ, mình chắc chắn sẽ chọn nghề này, vẫn chọn Làng là nơi để mình được chăm sóc và dạy bảo các con. Mình cũng rất tự hào vì có thật nhiều con, mong ước lớn nhất là nhìn các con khỏe mạnh và hòa nhập được với cộng đồng", cô Toàn nhấn mạnh.
Trong điều kiện cạnh tranh gay gắt về chất lượng và mẫu mã sản phẩm hiện nay, giáo viên ở Làng bày tỏ mong muốn khi các em được dạy nghề, học việc, cần có thêm nhiều cơ hội giới thiệu và tiêu thụ các sản phẩm. Làm thế nào tìm được đầu ra cho sản phẩm, nâng cao thu nhập chính đáng cho các em là việc làm có ý nghĩa và thiết thực, cho dù là không dễ.
Các cấp, các ngành, xã hội cần quan tâm, cơ chế tạo điều kiện hỗ trợ, khuyến khích người khuyết tật sản xuất và có tiêu thụ sản phẩm trong nước và nước ngoài, giúp đối tượng tàn tật tự tin hòa nhập, từng bước đóng góp cho cộng đồng.
Tình yêu thương là chất men khiến cuộc sống này trở nên dịu dàng hơn giữa những khắc khoải về gánh nặng. Các em có thể thiếu thốn về vật chất, khiếm khuyết về hình thể nhưng trái tim lúc nào cũng ngân nga khúc nhạc của tình yêu và đầy ắp sự quan tâm chăm sóc của các cô, các mẹ ở Làng Hữu nghị Việt Nam.