92,1% trẻ mầm non toàn quốc được ăn bán trú
(Dân trí) - Năm học 2019-2020, toàn quốc có 851.017 trẻ nhà trẻ, đạt 97,4% và 4.082.354 trẻ mẫu giáo, đạt 92,1% được ăn bán trú. Tỷ lệ trẻ được ăn bán trú tăng vượt bậc so với năm học 2014-2015.
Số liệu được đưa ra tại hội thảo “Nâng cao chất lượng bữa ăn bán trú và công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường, cộng đồng trong nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em mầm non” do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức sáng ngày 30/10.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh nhấn mạnh: “Giáo dục mầm non (GDMN) là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc, đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện của trẻ em Việt Nam.
Hoạt động chăm sóc, nuôi, giáo dục dạy trẻ là một trong những hoạt động vô cùng quan trọng ở lứa tuổi mầm non, giúp trẻ em phát triển toàn diện về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành yếu tố đầu tiên của nhân cách".
Trong những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, GDMN cả nước đã có những bước tiến đáng kể. Nhiều chủ trương, chính sách, của nhà nước ra đời đã làm thay đổi diện mạo GDMN: Quy mô mạng lưới trường lớp mầm non không ngừng phát triển, tỷ lệ trẻ đến trường tăng lên theo từng năm học, công tác chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em trong các cơ sở GDMN đã có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ ngày một nâng cao.
Cùng với đó, công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng có những chuyển biến tích cực. Nếu không có sự phối hợp gia đình, cộng đồng thì các cơ sở GDMN sẽ không hoàn thành được mục tiêu giáo dục đã đề ra.
Với đặc thù của cấp học mầm non, chế độ dinh dưỡng của trẻ được quy định cụ thể trong Chương trình GDMN, công tác nuôi dưỡng trẻ em đã được các cấp quản lý và phụ huynh đặc biệt quan tâm. Hệ thống văn bản chỉ đạo về nội dung này được xuyên suốt từ Trung ương tới địa phương và được triển khai thực hiện nghiêm túc tại các cơ sở GDMN.
Báo cáo kết quả công tác bán trú, phối hợp gia đình, nhà trường, cộng đồng trong nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ nhằm nâng cao chất lượng thực hiện chương trình GDMN, bà Nguyễn Thị Hiếu - Phó Vụ trưởng Vụ GDMN - Bộ GD&ĐT cho hay: Nhiều đơn vị đã tích cực đổi mới hình thức tổ chức bữa ăn, tận dụng diện tích đất của nhà trường xây dựng mô hình vườn rau sạch, huy động phụ huynh tăng gia sản xuất thực phẩm cung ứng cho nhà trường để bảo đảm chất lượng thực phẩm.
Đối với những địa phương còn khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất, chưa có bếp ăn, ngành Giáo dục đã chỉ đạo các cơ sở GDMN huy động kinh phí từ nguồn xã hội hóa để xây mới, cải tạo bếp ăn, tổ chức cho trẻ ăn bán trú tại trường với nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Các hình thức tổ chức bán trú linh hoạt đã góp phần quan trọng trong việc tăng tỷ lệ trẻ được ăn bán trú hằng năm, duy trì tỷ lệ chuyên cần, trẻ được học 2 buổi/ngày và góp phần giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng
"Với những nỗ lực nâng cao chất lượng bữa ăn bán trú, năm học 2019-2020, theo tổng hợp báo cáo từ các sở GD&ĐT, toàn quốc có 851.017 trẻ nhà trẻ, đạt 97,4% và 4.082.354 trẻ mẫu giáo, đạt 92,1% được ăn bán trú. Tỷ lệ trẻ được ăn bán trú tăng vượt bậc so với năm học 2014-2015 (5,3% đối với trẻ nhà trẻ và 8,6% đối với trẻ mẫu giáo)", Phó Vụ trưởng Vụ GDMN cho hay.
Các cơ sở GDMN đã thực hiện tốt việc tổ chức bữa ăn cho trẻ tại trường đảm bảo đủ dinh dưỡng theo nhu cầu khuyến nghị, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Chất lượng bữa ăn ngày một nâng cao.
Nhiều đơn vị đã tích cực đổi mới hình thức tổ chức bữa ăn, ngoài hình thức tổ chức ăn tại truyền thống, các nhà trường đã kết hợp tổ chức hình thức bữa cơm gia đình, tiệc buffet cuối tháng, hội chợ ẩm thực… Nhờ được chăm sóc, nuôi dưỡng tốt tại trường, lớp mầm non, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng (nhẹ cân và thấp còi) đã giảm đáng kể so với đầu năm học và so với cùng kỳ năm học trước.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đáng khích lệ, công tác thực hiện bữa ăn bán trú cho trẻ mầm non vẫn còn những khó khăn, hạn chế nhất định.
Cụ thể, tỷ lệ trẻ mẫu giáo được ăn bán trú ở một số địa phương còn thấp so với toàn quốc (Trà Vinh 34,3%; An Giang 34,3 %; Sóc Trăng 43,7%, Hà Giang 59%…), ảnh hưởng đến chất lượng thực hiện Chương trình GDMN và sự tăng trưởng và sức khỏe của trẻ.
Mặc khác, có sự chệnh lệch về chất lượng bữa ăn của trẻ tại cơ sở GDMN giữa các vùng (vùng khó khăn - vùng thuận lợi). Ở một số cơ sở GDMN, bữa ăn chưa đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị quy định tại Chương trình GDMN. Vì vậy, tỷ lệ suy dinh dưỡng nhẹ cân (NC), thấp còi (TC) ở một số tỉnh còn cao so với toàn quốc (Yên Bái TC 5,7%; Lai Châu NC 7,3%, TC 9%; Quảng Nam NC 8,2%, TC 8,5%; Kon Tum NC 6,1%, TC 8,2%).
Tỷ lệ trẻ mẫu giáo thừa cân béo phì ở vùng có điều kiện KT-XH phát triển còn cao so với tỷ lệ chung toàn quốc (Bà Rịa Vũng Tàu 22,5%; Bình Dương 13,9%; TP HCM 10,8%; Quảng Nam 8,9%; Sóc Trăng 9%; Cần Thơ 8,5%...).
Điều kiện cơ sở vật chất phục vụ công tác tổ chức bán trú còn nhiều hạn chế. Đa số các điểm trường lẻ ở vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa chưa có nhà bếp. Theo số liệu thống kê (EMIS), toàn quốc mới chỉ có 26.392 bếp ăn/55.335 cơ sở (gồm: 15.461 trường, 23.960 điểm trường và 15.914 nhóm lớp độc lập).
Nhiều trường mầm non, nhà bếp chưa đảm bảo theo đúng quy định về bếp một chiều, nguồn cung cấp thực phẩm cho bếp ăn chưa kiểm soát tốt, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo lãnh đạo Vụ GDMN, nguyên nhân của thực trạng trên là do: Thiếu nguồn lực đầu tư xây dựng bếp ăn; không bố trí được nhân viên nấu ăn do không có kinh phí chi trả lương: vùng khó khăn không huy động được kinh phí chi trả lương, vùng thuận lợi khó tuyển dụng do mức thu nhập thấp. Việc huy động phụ huynh đóng góp tiền ăn để trẻ có bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng còn gặp nhiều khó khăn do điều kiện kinh tế của người dân còn hạn chế.
Năng lực chuyên môn, nghiệp vụ về công tác nuôi dưỡng, chăm sóc của đội ngũ ở một số nơi còn hạn chế: chưa có kiến thức về dinh dưỡng, sức khỏe; chưa chú trọng việc lồng ghép giáo dục dinh dưỡng, sức khỏe cho trẻ trong các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ hàng ngày. Công tác phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong thực hiện chế độ ăn khoa học, hợp lý, đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ ở một số cơ sở GDMN chưa thật sự hiệu quả.
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho hay, thời gian tới, ngành Giáo dục sẽ tiếp tục rà soát hệ thống văn bản hướng dẫn về công tác nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe và tổ chức bán trú tại cơ sở GDMN, đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình thực tiễn; Đề xuất xây dựng Chuyên đề về chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em trong cơ sở GDMN góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em Việt Nam; Nghiên cứu, xây dựng hướng dẫn công tác bán trú tại cơ sở GDMN phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng vùng, miền; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe và tổ chức bán trú tại cơ sở GDMN.
Bộ GD&ĐT cũng sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan có các giải pháp nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên về chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ sức khỏe cho trẻ em mầm non.