9 điều cần biết khi xin visa học tập tại Mỹ

(Dân trí) - Theo bà Trần Phương Hoa - Viện Giáo dục Quốc tế (IIE), xin visa học tập vào Mỹ sẽ không phải là một việc làm quá khó khăn nếu bạn nắm được 9 điểm quan trọng sau:

1. Ràng buộc của nước nhà: Theo luật của Mỹ, tất cả các đơn xin visa không nhập cư đều bị coi là có ý định nhập cư cho đến khi họ có thể thuyết phục được các quan chức ở lãnh sự quán rằng họ sẽ không ở lại đó. Vì vậy bạn phải  chỉ ra lý do mà bạn sẽ quay trở lại đất nước của bạn tốt hơn là ở lại nước Mỹ.

“Ràng buộc” ở đây là những thứ liên quan đến bạn như gia đình, công việc, các triển vọng tài chính, quyền thừa kế gia tài, các khoản đầu tư lợi nhuận…

Nếu bạn là sinh viên chưa tốt nghiệp đại học, người phỏng vấn sẽ hỏi bạn về những dự định cụ thể hoặc những triển vọng nghề nghiệp trong tương lai, gia đình, những mối quan hệ, mục tiêu học tập của bạn ở đất nước của chính bạn. Mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau và do đó sẽ không có đáp án hoàn hảo chứng minh được sự đảm bảo của visa.  

2. Tiếng Anh: Cuộc phỏng vấn sẽ bằng tiếng Anh chứ không phải bằng tiếng mẹ đẻ của bạn, vì vậy một gợi ý cho bạn đó là luyện tập tiếng Anh giao tiếp thật tốt cho cuộc phỏng vấn. Nếu bạn đến Mỹ chỉ là để học tiếng Anh thì bạn phải giải thích tiếng Anh có ích lợi như thế nào ở đất nước của bạn. 

3. Nói về bản thân mình: Đừng nói về gia đình hoặc bố mẹ bạn trong cuộc phỏng vấn. Người phỏng vấn muốn nghe về bạn chứ không phải gia đình bạn. Nếu bạn chuẩn bị không tốt khi nói về chính bản thân mình thì sẽ gây một ấn tượng không tốt đối với người phỏng vấn.

Nếu bạn là học sinh xin học chương trình cấp 3 thì cần bố mẹ đi theo trong cuôc phỏng vấn để chứng minh phần tài chính và trong trường hợp này, bố mẹ bạn phải ngồi chờ ở phòng chờ. 

4. Tìm hiểu về chương trình mà bạn theo học và nó phù hợp như thế nào cho nghề nghiệp của bạn sau này:

Nếu bạn không chỉ ra được lý do mà bạn theo học khoá học đó thì bạn sẽ thất bại trong việc thuyết phục các viên lãnh sự rằng ý định của bạn là sang nước Mỹ học chứ không phải nhập cư. Bạn nên cho thấy được việc học ở Mỹ sẽ phục vụ tốt như thế nào cho nghề nghiệp của bạn khi trở về đất nước. 

5. Rõ ràng, mạch lạc: Vì người phỏng vấn có hàng đống hồ sơ nên họ có rất ít thời gian. Họ phải quyết định nhanh chóng dựa trên những ấn tượng ban đầu trong cuộc phỏng vấn. Và như thế, những ấn tượng ban đầu mà bạn tạo ra sẽ rất quyết định cho sự thành công của bạn. Hãy trả lời những câu hỏi của người phỏng vấn rõ ràng và ngắn gọn. 

6. Các tài liệu bổ sung: Hãy nhớ rằng cuộc phỏng vấn chỉ dài khoảng 2 đến 3 phút, và những điều bạn giải thích trong văn bản nếu dài sẽ không thể được đọc nhanh và được đánh giá đúng. Để biết thêm thông tin về cách viết hãy xem trang web www.hochiminh.usconsulate.gov

7. Việc làm: Bạn sang Mỹ mục đích chính là để học tập chứ không phải để đi làm trước hoặc sau khi ra trường. Trong khi nhiều sinh viên làm các công việc ở trong trường khi họ đang học thì việc đi làm đó là chứng tỏ mục đích để hoàn thành khoá học của họ tại Mỹ. Bạn phải chỉ rõ kế hoạch của bạn sau khi kết thúc khoá học là sẽ trở về nhà.

Thường thì những công việc tình nguyện hoặc tham gia vào các hoạt động ngoại khoá của trường là những công việc được chấp nhận. 

8. Yếu tố phụ thuộc ở nhà: Nếu vợ (chồng) hoặc con cái bạn ở lại đất nước bạn khi bạn đi du học thì hãy chuẩn bị giải thích việc có thể tự chăm sóc bản thân họ như thế nào khi vắng bạn. Điều này là cực kỳ quan trọng nếu như bạn là nguồn thu nhập chính của gia đình. 

9. Hãy giữ thái độ tích cực: Đừng đưa người phỏng vấn vào tình huống tranh luận với bạn. Nếu bạn bị từ chối được cấp visa sinh viên, hãy hỏi người phỏng vấn danh sách những tài liệu mà họ có thể gợi ý cho bạn để tham khảo các cách giải quyết sự từ chối đó và hãy cố gắng tìm ra lý do mà bạn đã bị từ chối. 

Trí Kiên (ghi)