70.000 lượt lao động được đánh giá kỹ năng nghề quốc gia
(Dân trí) - Đến nay, có 49 trung tâm đánh giá kỹ năng nghề quốc gia toàn quốc, 193 bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, ngân hàng đề thi ở 96 nghề và thực hiện đánh giá cho 70.000 lượt người lao động.
Hệ thống đánh giá kỹ năng nghề quốc gia thực hiện việc đo lường, công nhận trình độ kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động, đảm đương vai trò cầu nối giữa đào tạo và sử dụng, thu hẹp dần khoảng cách giữa thế giới đào tạo và thế giới việc làm.
Con người là nguồn lực quốc gia cho nên việc phát triển con người (nguồn nhân lực) là nhiệm vụ then chốt, quyết định thành công của sự nghiệp kiến tạo đất nước. Đánh giá kỹ năng nghề cho người lao động trở thành chính sách xã hội quan trọng, thực hiện sứ mệnh đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực quốc gia.
Thiết chế đánh giá kỹ năng nghề lần đầu tiên được ghi nhận trong pháp luật dạy nghề (Luật Dạy nghề năm 2006), đánh dấu thời điểm ra đời của chính sách này ở nước ta.
Qua gần 10 năm thực hiện, ở mức độ khái quát có thể khẳng định Luật Dạy nghề tạo ra hành lang pháp lý tương đối ổn định điều chỉnh các hoạt động của hệ thống đánh giá, góp phần phát triển đào tạo nghề nhằm cung cấp lực lượng lao động có chất lượng phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Năm 2013, chế định đánh giá kỹ năng nghề quốc gia tách ra khỏi Luật Dạy nghề để quy định trong Luật Việc làm, sự kiện này một lần nữa đánh dấu, khẳng định vị trí độc lập, vai trò quan trọng của chính sách đánh giá kỹ năng nghề đối với chất lượng giáo dục và phát triển nguồn nhân lực. Hơn nữa khẳng định vai trò, sự cần thiết của hệ thống đánh giá kỹ năng nghề quốc gia không chỉ đối với quá trình đào tạo mà còn cả với quá trình sử dụng (việc làm).
Đến nay hệ thống đánh giá đánh giá kỹ năng nghề quốc gia đã có mạng lưới gồm 49 trung tâm đánh giá kỹ năng nghề quốc gia phân bố đồng đều trong toàn quốc, đã thiết lập 193 bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, ngân hàng đề thi ở 96 nghề và thực hiện đánh giá cho 70 nghìn lượt người lao động ở các lĩnh vực của nền kinh tế góp phần cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cho các ngành, nghề đòi hỏi yêu cầu cao về tay nghề, an toàn sức khỏe cho người dân và cộng đồng xã hội.
Tính nhân văn trong chính sách đánh giá kỹ năng nghề ở Việt Nam
Có thể nói, chính sách đánh giá kỹ năng nghề đối với người dân, cộng đồng xã hội là thiết chế mang tính nhân văn sâu sắc. Nhân văn là thuộc tính cơ bản của hệ thống chính sách về an sinh xã hội, đánh giá kỹ năng nghề là chính sách an sinh xã hội do đó nó bao hàm, chứa đựng thuộc tính nhân văn, vì con người, phục vụ con người và mang lại cho con người sự an toàn, sinh kế.
Đồng thời, chính sách đánh giá kỹ năng nghề góp phần đem lại những lợi ích kinh tế cho quốc gia, là giải pháp hữu hiệu để giải quyết các vấn đề xã hội nảy sinh đe dọa con người, cộng đồng xã hội. Tính nhân văn của chính sách đánh giá kỹ năng nghề quốc gia thể hiện trên các khía cạnh:
Chính sách đánh giá kỹ năng nghề quốc gia nhằm đảm bảo quyền con người, đó là quyền được lao động trong điều kiện môi trường làm việc an toàn. Đảm bảo duy trì an toàn cho cộng đồng xã hội, đảm bảo đạt các mục tiêu tăng trưởng kinh tế đất nước thông qua việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng.
Chính sách đánh giá kỹ năng nghề là một tiểu tầng trong mạng lưới an sinh xã hội, góp phần hỗ trợ người dân (người lao động) thực hiện quyền lao động (làm việc), có thu nhập và làm việc trong trạng thái môi trường lao động an toàn, tích cực.
Chính sách đánh giá kỹ năng nghề giúp người dân thuận tiện, dễ dàng chuyển dịch nghề nghiệp thông qua hệ thống công nhận chứng chỉ kỹ năng nghề 05 bậc trình độ, mang tính quốc gia.
Đối với người lao động, chính sách đánh giá kỹ năng nghề ra đời với mục tiêu cao cả, trên hết là đáp ứng nguyện vọng cho mọi người dân được khẳng định giá trị bản thân, trình độ tay nghề "mọi lúc, mọi nơi" mà không có sự phân biệt giới tính, độ tuổi, tôn giáo, giàu nghèo.
Chính sách đánh giá kỹ năng nghề quốc gia tạo động lực để mỗi cá nhân luôn ý thức học tập (tự học), rèn luyện, trau dồi hoàn thiện, nâng cao tay nghề (năng lực nghề nghiệp) thông qua sự liên kết chính sách giữa hệ thống đánh giá, công nhận và hệ thống sử dụng (tuyển dụng, sử dụng và đãi ngộ).
Đối với lĩnh vực giáo dục, giáo dục nghề nghiệp thì đây là chính sách nhằm hiện thực hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước hình thành xã hội học tập, học tập suốt đời hướng tới sự công bằng trong giáo dục, để mọi người dân không phân biệt tầng lớp, giàu nghèo, giới tính được tiếp cận mọi dịch vụ giáo dục.
Đối với giáo dục nói chung, phát triển nguồn nhân lực nói riêng một mặt nhằm công nhận, tôn vinh giá trị con người, giá trị kỹ năng nghề của người lao động, mặt khác khẳng định nhà nước luôn tin tưởng tuyệt đối năng lực sáng tạo, phẩm chất tốt đẹp, thái độ, tình yêu lao động của mọi người dân trong xã hội.
Chính sách đánh giá kỹ năng nghề nhằm định hướng cộng đồng doanh nghiệp hoạt động theo khuôn khổ luật định, tạo nên tiếng nói chung giữa chủ - thợ để hạn chế việc sử dụng, đãi ngộ không thỏa đáng, bất bình đẳng trong khu vực sản xuất có thể dẫn tới xung đột, đình công.
Chính sách đánh giá kỹ năng nghề góp phần tạo nên cộng đồng xã hội an toàn, tạo ra môi trường sống lành mạnh cho mọi người dân trong xã hội để mỗi người dân được thỏa sức sáng tạo, trau dồi kiến thức, trình độ tay nghề.
Giải pháp hữu hiệu giúp ứng phó đại dịch Covid-19, khôi phục nền kinh tế
Theo nội dung của Khung hướng dẫn các biện pháp khẩn cấp ứng phó Covid-19 của Liên Hợp Quốc thì để ứng phó và phục hồi kinh tế, các Chính phủ phải tập trung vào bảo vệ việc làm, doanh nghiệp vừa và nhỏ và người lao động trong khu vực chính thức và phi chính thức.
Như vậy, sự ưu Việt, tính nhân văn của chính sách đánh giá kỹ năng nghề cho thấy đây là giải pháp hữu hiệu, giúp ứng phó, khôi phục nền kinh tế đất nước trong, sau đại dịch. Nó thể hiện rõ nét ở đích đến của chính sách là đảm bảo an toàn, duy trì việc làm, thu nhập cho người lao động trong xã hội.
Hơn nữa, hệ thống đánh giá kỹ năng nghề cùng với hệ thống đào tạo nghề hiện hành thực hiện sứ mệnh chung đó là đảm bảo, phát triển chất lượng nguồn nhân lực quốc gia, cung cấp lực lượng lao động có tay nghề cao cho nền kinh tế.
Đánh giá kỹ năng nghề quốc gia là hệ thống đánh giá theo chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, hướng tới mục tiêu đánh giá cho mọi đối tượng người lao động trong xã hội. Đây là hệ thống đánh giá đặc thù, chỉ thực hiện đánh giá đối với các công việc bắt buộc sử dụng người lao động có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.
Chính sách đánh giá kỹ năng nghề trở thành chính sách xã hội có vai trò, ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đang trở thành thiết chế hữu hiệu của nhà nước trong việc đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực quốc gia, tạo ra môi trường làm việc an toàn, tích cực và hướng tới công bằng cho mọi người dân trong xã hội. Bài viết đã trình bày bức tranh tổng quan về chính sách đánh giá kỹ năng nghề qua góc nhìn nhân văn cũng như tác động, ảnh hưởng tích cực của chính sách đối với công cuộc phục hồi nền kinh tế đất nước sau đại dịch.