7 thí sinh “đặc biệt” của ĐH Huế

(Dân trí) - Các thí sinh “đặc biệt” này đều sinh ra trong gia đình nghèo, bị mù bẩm sinh từ nhỏ. Trước ngày thi ĐH cận kề, tất cả đều miệt mài ôn luyện và rất tự tin vào sức học của mình.

Cả 7 thí sinh khiếm thị đến từ Hội người mù tỉnh Thừa Thiên - Huế đều có nguyện vọng thi vào ĐH Huế, gồm: Mai Thị Tư thi vào khoa Nhạc cụ dân tộc (Học viện Âm Nhạc Huế); Mai Thị Thúy, Nguyễn Văn Quốc, Nguyễn Công Thiện, Trương Anh Tuấn thi vào khoa Ngữ Văn (trường đại học Khoa học Huế); Nguyễn Thị Ái Trâm thi vào ngành Xã hội học và Mai Văn Đông thi vào khoa Đông Phương học.
 
Thiện, Quốc, Tuấn là học sinh của Trường THPT Hai Bà Trưng. Tư, Thuý, Đông và Ái Trâm lại là học sinh của Trung tâm Giáo dục Thường xuyên, thành phố Huế.
 
7 thí sinh “đặc biệt” của ĐH Huế - 1

Thí sinh Mai Thị Tư với ước mơ trở thành sinh viên Học viện Âm nhạc Huế

Các em đều sinh ra trong gia đình nghèo, bị mù bẩm sinh từ nhỏ. Nguyễn Công Thiện tâm sự, em sinh ra ở ở huyện Ayunpa, tỉnh Gia Lai, gia đình gồm 5 anh chị em nhưng chỉ duy nhất em bị mù. Gia Lai chưa có trường, lớp dành cho người khiếm thị học nên Thiện theo người chú ruột ra đây từ năm em 11 tuổi. Xa gia đình, người thân Thiện sớm tự lập từ nhỏ. Nhờ những cố gắng vươn lên trong học tập nhiều năm liền Thiện luôn là học sinh khá của lớp, không hề thua kém các bạn bình thường.

7 thí sinh “đặc biệt” của ĐH Huế - 2

Cô Nguyễn Thị Hành đang giúp Tuấn và Thiện ôn bài

Còn trường hợp của Trương Anh Tuấn ở huyện miền núi Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đáng thương không kém. Khi sinh ra Tuấn vẫn bình thường như như bao đứa nhỏ khác. Lên 2 tuổi, Tuấn bị đau mắt hột. Cuộc sống cơ cực, thiếu thốn đủ bề của gia đình, lại không được chạy chữa kịp thời đã cướp đi ánh sáng của em.

Với những học sinh khiếm thị đi tìm “cái chữ” là một quá trình gian nan với nỗ lực gấp đôi bạn bè cùng lứa. Kiến thức của các em không đến bằng sách vở, không một tài liệu nào của chương trình cấp III được viết bằng chữ nổi braille. Chủ yếu là nghe thầy cô giảng bài trên lớp, sau đó viết lại bằng chữ braille hoặc những lúc ghi không kịp thì lại nhờ bạn bè giúp đỡ.
 
7 thí sinh “đặc biệt” của ĐH Huế - 3

Miệt mài ôn bài trước giờ thi

Trương Anh Tuấn tâm sư, để học tốt thì ở lớp em tập trung nghe giảng bài, viết lại bằng chữ nổi Braile, nếu không viết kịp lại nhờ đến bạn bè đọc lại. Về nhà, Tuấn lại cùng các bạn học với nhau, người này bổ sung cho người kia. Còn Thiện lại bộc bạch: “Vì không có đôi mắt như mọi người nên tụi em rất khó khăn khi học các môn tự nhiên, học Lý thì không thực hành được, học Toán thì viết các con số rất khó khăn, hơn nữa sách giáo khoa dành cho tụi em không có”. Đó cũng là lý do mà tất cả các thí sinh khiếm thi chỉ có thể đăng ký vào khối C.

Tại Hội người mù tỉnh Thừa Thiên - Huế có một thư viện dành cho các em, nhưng với một phòng nhỏ chưa tới 15m2, lại chật chội nóng bức nên chủ yếu các em tập trung học tại phòng ngủ, chiều mát lại rủ nhau ra ban công ôn bài chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới. “Giá như thư viện được rộng hơn, sách vở dành cho người khiếm thị được nhiều hơn thì tụi em có điều kiện học hơn nhiều” - thí sinh khiếm thị Nguyễn Văn Quốc mong mỏi.
 
7 thí sinh “đặc biệt” của ĐH Huế - 4

Đối với các thí sinh khiếm thi, việc học rất khó khăn nhưng không vì thế mà các em chùn bước
 
Mặc dù lần đầu gặp gỡ các em, sự gần gũi, thân thiện và tính cách trong sáng của các em đã để lại ấn tượng sâu đậm trong chúng tôi. Tiễn chúng tôi ra về các em cười rất tươi nhắn nhủ: “Tụi em sẽ cố gắng làm bài thi thật tốt, mai mốt mời anh, chị về mừng cho bọn em, chúng em đã sẵn sàng tiến lên phía trước”.
 
PGS.TS Nguyễn Hoàng, Trưởng Ban đào tạo, Thường trực Hội đồng tuyển sinh Đại học Huế cho biết: Các thí sinh khiếm thí sẽ tiếp nhận đề thi qua băng cassette, sau đó làm bài thi bằng chữ braille và đọc lại bài làm vào băng. Hội đồng chấm thi chấm điểm trực tiếp qua băng cassette nhưng sẽ tham khảo thêm bài viết của các em dịch ra từ chữ Braille rồi mới cho điểm chính thức.
 
Đây là năm thứ 4 Đại học Huế tổ chức tuyển sinh đại học dành cho học sinh khiếm thị. Trong 4 năm qua đã có 3 thí sinh khiếm thị đỗ vào đại học, gồm các em: Nguyễn Văn Duy đỗ vào ngành Công tác xã hội (ĐH Khoa học Huế), Trương Thị Hoài Hạnh đỗ vào khoa Tâm lý giáo dục (ĐH Sư phạm Huế).
 

Đặc biệt, năm 2008 có em Trần Thị Mỹ Lài đã thi đỗ thủ khoa khoa Ngữ văn (ĐH Khoa học Huế).

 
Dã Quỳ