5 thách thức của tự chủ đại học đều liên quan đến… tiền
(Dân trí) - Tiến trình thực hiện tự chủ đại học ở Việt Nam thời gian qua đã gặp 5 thách thức rất lớn, hầu hết liên quan đến tài chính.
Trên đây là ý kiến của PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 do Bộ GD&ĐT tổ chức chiều 18/8.
Theo PGS Quân, tiến trình thực hiện tự chủ đại học ở Việt Nam thời gian qua đã gặp 5 thách thức rất lớn, hầu hết liên quan đến tài chính đại học gồm: Nguồn thu chủ yếu dựa vào học phí; chính sách cho sinh viên vay còn rất hạn chế, kể cả đối tượng, quy trình thủ tục, định mức và thời hạn vay; một số quy định về pháp luật còn chưa đồng bộ chưa thúc đẩy tự chủ đại học; mất cân đối trong lĩnh vực ngành nghề đào tạo khi có ít sinh viên chọn ngành khoa học, kỹ thuật công nghệ bao gồm cả bậc sau đại học.
Cuối cùng, thách thức lớn nhất là thách thức về niềm tin của xã hội đối với giáo dục nói chung và giáo dục đại học riêng. Có lẽ, chưa bao giờ người thầy lại có nhiều tâm tư như bây giờ.
Để giải quyết những thách thức trên, Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM nêu 3 kiến nghị:
Thứ nhất, tăng đầu tư của Nhà nước cho giáo dục đại học. Theo chuyên gia này, bên cạnh nguồn đầu tư chiều sâu cho cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, cần quan tâm đầu tư trực tiếp cho con người thông qua các đề tài, dự án.
Thực tế, các phòng thí nghiệm chỉ hoạt động hiệu quả khi nó được vận hành bởi những nhà khoa học giỏi.
Nhà nước cần có lộ trình điều tiết ngân sách đối với các trường đại học tự chủ theo hướng chỉ dừng cấp ngân sách chi thường xuyên sau khi trường đại học đã tự chủ xong một chu kỳ đào tạo (4-5 năm).
Trường hợp chưa tăng học phí, Nhà nước nên cấp bù phần ngân sách chưa được tăng.
Cũng theo PGS.TS Vũ Hải Quân, cần sớm hoàn thiện các thể chế chính sách pháp luật để thúc đẩy hợp tác PPP, nghiên cứu chuyển giao khoa học và công nghệ, thúc đẩy văn hóa hiến tặng.
Thứ hai, mở rộng đối tượng được hưởng chính sách tín dụng sinh viên; điều chỉnh mức cho vay nhằm đảm bảo cho sinh viên có thể chi tiêu cho đời sống bằng nhóm trung bình của xã hội và đủ tiền nộp học phí; giảm lãi suất cho vay; điều chỉnh theo hướng tăng thời gian cho vay.
Ngoài ra, chúng ta cần nghiên cứu xây dựng và sớm ban hành chính sách tín dụng cho vay thương mại dành cho sinh viên.
Thứ ba, tăng đặt hàng đào tạo, nghiên cứu. Cụ thể, giáo dục vẫn cần sự điều tiết, vai trò dẫn dắt của Nhà nước trong việc gắn đào tạo và nghiên cứu với các nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước.
Việc này giúp tạo ra sự hài hòa trong nhu cầu của người học, chuẩn bị cho nguồn nhân lực trong tương lai gần và tránh "khủng hoảng thừa" và "khủng hoảng thiếu".
Các ngành đề xuất được đặt hàng đào tạo gồm: Các ngành thuộc nhóm ngành Khoa học tự nhiên, nhóm ngành Khoa học xã hội, nhóm ngành Văn hóa - nghệ thuật và một số lĩnh vực khác như Nông - Lâm nghiệp, Địa chất, Hải dương học…
Cũng tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam đề nghị Nhà nước quan tâm đến đầu tư cho ngành khoa học cơ bản trước thực tế hiện nay có ít học sinh đăng kí vào những ngành học này.
Theo đó, Nhà nước phải giảm học phí tăng mức học bổng cho học sinh theo học. Nguy cơ của khoa học cơ bản sẽ giảm đi nhiều nếu không có chính sách thu hút phù hợp.
Được biết, từ 4/4/2022, mức cho vay tối đa với mỗi học sinh sinh viên (HSSV) là 10 triệu đồng, cao hơn ba triệu so với đề xuất hồi đầu tháng 10/2021.
Thời hạn cho vay tối đa 36 tháng, lãi suất 1,2% mỗi năm. Lãi nợ quá hạn bằng với lãi cho vay hộ nghèo tại thời điểm vay.
Đối tượng được vay là học sinh sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo hoặc có mức sống trung bình, gặp khó khăn vì Covid-19; không có máy tính hoặc thiết bị không đủ điều kiện đáp ứng học trực tuyến; chưa được hưởng chính sách hỗ trợ thiết bị học trực tuyến.
Đại diện gia đình của học sinh, sinh viên sẽ là người đứng tên vay và giao dịch với Ngân hàng Chính sách xã hội.
Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong điều kiện mức học phí hiện nay (theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP), mức cho vay hiện hành mới chỉ đáp ứng 49% học phí của nhóm ngành có học phí cao nhất và 38,5% nhu cầu chi phí học tập cho HSSV (học phí và chi phí sinh hoạt).
Mức chi phí học tập của một HSSV là khoảng 6,5 triệu đồng/tháng đến 9,5 triệu đồng/tháng (tính với mức học phí cao nhất).
Còn theo Ngân hàng chính sách xã hội, tại thời điểm ban hành Quyết định 157/2007/QĐ-TTg, mức cho vay tối đa 1 HSSV là 800.000 đồng/tháng, đáp ứng khoảng 66% tổng chi phí học tập của HSSV.
Tại thời điểm năm 2019, mức cho vay 2,5 triệu đồng /HSSV/tháng đáp ứng khoảng 60% chi phí học tập.