Ý kiến:
5 rào cản cần vượt qua của giáo dục đại học Việt Nam
(Dân trí) - Ông Trần Minh Đức, Trường Đại học Thủ Dầu Một cho biết, trên nhiều bình diện, giáo dục đại học Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được những đòi hỏi của công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ở giai đoạn mới hiện nay.
Ông Trần Minh Đức, Trường Đại học Thủ Dầu Một đã phân tích về những rào cản giáo dục đại học Việt Nam hiện nay.
Theo ông Đức, ở cấp vĩ mô, Luật giáo dục Đại học hiện nay của Việt Nam còn có sự lẫn lộn giữa quản lý nhà nước về giáo dục và quản lý của cơ sở trường đại học. Các quy định pháp luật còn mang tính tập trung bao cấp khiến cho các trường chưa có nhiều quyền tự quyết, chủ yếu thực hiện nhiệm vụ từ trên giao xuống.
Trong khi đó, hoạt động của cơ sở giáo dục đại học còn phụ thuộc cơ quan quản lý nhà nước, cơ cấu tổ chức chưa được tự chủ, hoạt động của Hội đồng trường còn mờ nhạt và chưa phát huy. Mô hình quản lý giáo dục hiện nay ở Việt Nam theo đánh giá của nhiều chuyên gia là còn chịu ảnh hưởng nặng nề từ mô hình của Liên Xô cũ và các nước Đông Âu.
Thị trường đào tạo ngày càng có sự cạnh tranh gay gắt không chỉ giữa các trường đại học với nhau mà còn có sự cạnh tranh với chính những đơn vị sử dụng lao động có tự đào tạo nội bộ.
Một thách thức nữa đối với các trường đại học là khả năng “chảy máu chất xám”, hiện tượng này đang diễn ra và sẽ có xu hướng tăng mạnh trong giáo dục hiện đại. Đó là lúc sự phân hóa thị trường lao động diễn ra trên toàn cầu, sự cạnh tranh về nguồn lao động chất lượng cao diễn ra trên phạm vi xuyên quốc gia và thị trường lao động trong nước có xu hướng giảm mạnh nguồn lao động có chất lượng cao do dịch chuyển ra các nước phát triển hơn.
Chưa có cuộc cách mạng nào đối với giáo dục đại học Việt Nam?
Ông Trần Minh Đức cho rằng, đến nay, nước ta đã tiến hành 4 cuộc cải cách giáo dục (1950, 1956, 1979, 2002), nhưng về cơ bản đều tập trung vào giáo dục phổ thông. Trong khi đó, đào tạo đại học thực sự là lĩnh vực cần cải cách mạnh mẽ nhất, là nơi chịu trách nhiệm cuối cùng của hệ thống giáo dục để đưa sản phẩm ra xã hội thì lại chưa có sự thay đổi mang tính cách mạng nào.
Điều này ảnh hưởng tiêu cực tới vị thế của hệ thống giáo dục Việt Nam và khả năng cạnh tranh trong thị trường nguồn nhân lực chất lượng cao trong khu vực và trên thế giới, hạn chế việc thu hút đầu tư nước ngoài vào trong nước, gây khó khăn cho quá trình phát triển kinh tế quốc gia.
Ông Trần Minh Đức đã đưa ra 5 nguyên nhân cơ bản khiến giáo dục Việt Nam có nguy cơ không theo kịp trình độ phát triển của hệ thống giáo dục các quốc gia phát triển trên thế giới.
Thứ nhất, quản trị giáo dục còn nhiều yếu kém. Sau một thời gian đổi mới, tư tưởng bao cấp, duy ý chí, quản trị theo cảm tính vẫn còn tàn dư, Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện nay vẫn còn chưa làm đúng chức năng quản lý nhà nước giáo dục đại học mà lấn sang chức năng thừa hành giáo dục.
Thứ hai, chưa có các cơ quan, tổ chức trung gian làm việc độc lập với các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục. Trong nhiều năm qua, giáo dục và đào tạo Việt Nam gặp khó khăn nhiều nhất trong việc đánh giá và kiểm tra do chúng ta thiếu hẳn một tổ chức trung gian để có các ý kiến phản biện, kịp thời chấn chỉnh cũng như góp ý thực sự mang tính khoa học, có tác dụng tư vấn, khuyến nghị cho các dự thảo cải cách giáo dục. Chúng ta hiện nay vẫn trung thành với cách đánh giá truyền thống, nêu thành tích, ít tìm ra nguyên nhân tồn tại của chính mình.
Do vậy, hàng năm mỗi trường đều có rất nhiều loại tổng kết, báo cáo nhưng vẫn không tìm ra đâu là nguyên nhân gốc rễ của yếu kém, lạc hậu. Chất lượng đầu ra của sinh viên cũng như chất lượng đào tạo của hệ thống chưa đáp ứng được yêu cầu của phát triển kinh tế xã hội và chưa đáp ứng được sự kỳ vọng của người sử dụng các dịch vụ mà các trường đại học cung cấp.
Thứ ba, cơ chế tự chủ và trách nhiệm giải trình về mặt tài chính còn nhiều bất cập. Nghị định 43/2006/NĐ-CP và Thông tư liên tịch 07/2009/TTLT-BGDĐT-BNV và mới đây là Nghị định số 16/2015/NĐ-CP bước đầu trao nhiều quyền tự chủ nói chung và tự chủ tài chính nói riêng cho các trường đại học, nhưng vẫn chưa đủ mạnh và linh động để giúp các trường có khả năng chủ động tự điều chỉnh chính sách của mình nhằm đáp ứng với yêu cầu phát triển và sự biến động nhanh chóng của thực tiễn quản lý.
Về phía các trường, vẫn còn nhiều thói quen trông chờ bao cấp từ phía nhà nước. Về phía các nhà quản lý nhà nước thì còn e ngại, chưa dứt khoát trao quyền tự chủ nói chung và tự chủ tài chính nói riêng cho các trường đại học…
Thứ tư, chương trình và giáo trình giảng dạy chưa được tiêu chuẩn hóa và công nhận trên phạm vi quốc tế. Chưa tạo được sự liên thông giữa các chuẩn mực giáo dục đại học trong nước và quốc tế, ít thừa nhận và tiếp nhận các kết quả đào tạo của nhau, nên người học rất khó khăn khi chuyển trường, ngành học. Việc liên thông kiến thức giữa các cơ sở giáo dục đại học trong nước và ngoài nước lại càng khó khăn hơn do có sự khác biệt về mục tiêu, nội dung và phương pháp đào tạo giữa các cơ sở giáo dục đại học.
Thứ năm, hạn chế về khả năng nghiên cứu và công bố các kết quả nghiên cứu. Cùng với xu thế hội nhập quốc tế, số lượng và chất lượng các công trình công bố trên các ấn phẩm khoa học quốc tế trở thành thước đo quan trọng, chỉ số khách quan không chỉ phản ánh sự phát triển khoa học - công nghệ cũng như hiệu suất khoa học mà còn phản ánh trình độ và chất lượng thực tế nền giáo dục của mỗi quốc gia.
Nhận thức được việc này trong khi hầu hết các nền giáo dục tiên tiến trong khu vực và trên thế giới đều có khả năng tạo ra một đội ngũ các nhà khoa học đông đảo có trình độ nghiên cứu và công bố các kết quả nghiên cứu trong nước và quốc tế với số lượng lớn thì tại Việt Nam, việc công bố các kết quả nghiên cứu trong nước và quốc tế vẫn còn rất hạn chế, thậm chí có xu hướng ngày càng tụt hậu xa hơn so với nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Ông Trần Minh Đức đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước: “Cần có cơ chế, cung cách quản trị đại học mới, cần có nguồn nhân lực giáo dục chất lượng cao, cần có môi trường đào tạo hiện đại, cần có đội ngũ cán bộ quản trị trường học tốt, cần có các mô hình giáo dục tiên tiến.
Mỹ Hảo (ghi)