5 lưu ý khi ôn, thi môn Ngữ văn

Khi ôn, thi môn ngữ văn trong kỳ thi THPT quốc gia 2019, các em thí sinh lưu ý 5 điểm sau đây:

Phải hiểu văn học là từ hình tượng sang trìu tượng

Phần lớn các em rất lơ mơ trong vấn đề học văn, nên thường viết tùy tiện mà không biết có hợp lý hay không. Cho nên nộp bài xong, về nhà đối chiếu đáp án mà vẫn hoang mang. Hãy nhớ khi học các môn khoa học thực nghiệm là các em đi từ những khái niệm, định lý rất trừu tượng và kết quả cuối cùng lại cụ thể. Ngược lại, môn văn từ cái cụ thể và đi đến kết quả trừu tượng. Kết quả đó là: ý nghĩa, tiểu chủ đề, chủ đề, tư tưởng,... Ví dụ: bát cháo hành (Chí Phèo), nồi cháo cám (Vợ nhặt) là hình tượng (cụ thể). Qua đó, tác giả muốn truyền thông điệp giá trị của tình yêu thương (trừu tượng - tư tưởng, chủ đề). Hãy đời thường để các em dễ hiểu nhé. Ví dụ: bạn nam tặng bạn nữ một bó hoa hồng ( hoa hồng: hình tượng, cụ thể). Phía sau đo là thông điệp tình bạn, tình yêu ( trừu tượng: thông điệp ngụ ý, chủ đề). Hiểu như thế, các em sẽ tiếp cận được tư tưởng tác phẩm, tránh diễn xuôi, lan man, lạc đề.

Kết quả tốt chỉ dành cho thí sinh học có phương pháp

Học sinh nào cũng có ước mơ khát vọng, thậm chí có cả sự  siêng năng, nghị lực và cao hơn nữa là kiến thức, nhưng vẫn không có kết quả như ý là vì không có phương pháp học tập. Phương pháp chính là kim chỉ nam, nó giống như ngọn hải đăng dẫn lối cho tàu, thuyền không lạc bến bờ vậy. Các em chưa phải thiên tài, nên nhất định phải coi trọng phương pháp, tránh học vẹt. Bởi lẽ, học là học cách để học chứ không phải học cách để thuộc. Thử xem, các em chỉ cần vài trăm ngàn là có đủ bộ sách giáo khoa và hàng loạt sách tham khảo, đầy kiến thức nhưng không dễ gì có kết quả tốt. Cho nên từng ngày các em phải đến trường với học phí cao hơn nhiều vài trăm ngàn mua sách. Hãy nhớ, chỉ khi nào em được truyền trao phương pháp, thì lúc đó mới vận dụng hợp lý kiến thức vài bài thi. Thế nên người Đức mới nói "Có kiến thức mà không có phương pháp thì thiên tài cũng lạc lối".

5 lưu ý khi ôn, thi môn Ngữ văn - 1

Sinh viên tình nguyện động viên thí sinh trước kỳ thi THPT quốc gia. (Ảnh: Hoàng Triều)

 

Tránh nhầm lẫn giữa văn hay với văn mẫu

Xưa nay học sinh và cả phụ huynh thường nhầm lẫn giữa văn hay với văn mẫu. Văn hay là bài văn viết hấp dẫn, hợp lý tạo cho người đọc niềm hứng thú và có xu hướng làm theo. Văn mẫu là cái khung dàn ý các vấn đề trọng tâm (ở đây tôi nói về văn nghị luận, không nói về sáng tác). Đó là mẫu. Không có mẫu sẽ chẳng biết bắt đầu từ đâu. Nó giống như cái mẫu: đơn xin việc, đơn kết hôn, đơn xin gia nhập một tổ chức xã hội,... Với bài văn nghị luận từ văn học hay xã hội, cũng phải có các bước rõ ràng từ mở bài, khái quát tác phẩm, các khái niệm, nêu luận điểm, luận cứ, triển khai và đi đến ý nghĩa, chủ đề, nhận định chung, kết bài. Điều này là vô cùng cần thiết. Cho nên, các em phải nắm vững các dàn ý đã được học trong lớp.

Biết phân phối thời gian làm bài

Cấu trúc đề thi 2019 cơ bản không khác với năm trước, nhưng nhẹ nhàng hơn ví trọng tâm ở chương trình 12. Về thời gian, các em cần phân phối hợp lý:

a/ Đọc, hiểu: phần này 3 điểm cho 4 câu hỏi từ yêu thấp đến nâng cao, nhưng nhìn chung không khó. Cho nên các em dành tối đa 15 phút.

b/ Phần làm văn (7 điểm) có 2 câu.

Đoạn văn nghị luận xã hội 200 từ. Có thể viết đến 250 từ. Lưu ý: yêu cầu viết đoạn là khai thác một giác độ của vấn đề chứ không hoàn chỉnh như một bài. Cho nên tránh viết lê thê và dài mấy ngàn từ.

c/ Câu 2. Bài văn nghị luận văn học. Phần này, các em dành 85 phút (dư 5 phút dành cho việc xem lại bài). Nói thêm về phần này theo đề minh họa sẽ tập trung ở chương trình 12. Tuy nhiên có xu hướng đề yêu cầu khai thác 2 vấn đề trong cùng một tác phẩm hoặc ở 2 tác phẩm, nhưng cùng chương trình 12.

Trình bày dễ nhìn, chữ rõ nét

Các em hãy nhớ hình thức trình bày vài tự luận rất quan trọng. Em tẩy xóa, trình bày xấu, chữ viết quá tệ thì rất dễ bị giám khảo "âm thầm" trừ điểm. Cho nên cố gắng trình bày dễ nhìn. Chữ viết nếu không đẹp, phải rõ nét, đủ dấu dễ đọc.

Theo Nguyễn Đức Hùng - Giáo viên Trường THPT Vĩnh Viễn

Báo Người Lao Động