5 cử nhân lớn lên từ… căn nhà nát

(Dân trí) - Vất vả nuôi con ăn học, giờ đây, tài sản lớn nhất của ông Nhung, bà A là 7 người con khôn lớn, trong đó 4 người đã tốt nghiệp Đại học, 1 đang theo học ĐH Kinh tế Đà Nẵng và 2 con út cũng được “lập trình” học lên cao nhất có thể.

Căn nhà nát, 2 vợ chồng nuôi 7 người con

 

Theo chân ông Nguyễn Văn Bông, Hội trưởng Hội Khuyến học phường An Hải Tây, TP Đà Nẵng chúng tôi ghé thăm gia đình ông Trần Văn Nhung (56 tuổi) vợ bà Mai Thị A (49 tuổi) ở tổ 34. Căn nhà tạm bợ đã xiêu vẹo, nghiêng ngả tứ phía. Tài sản giá trị nhất là những cuốn sách, vở cũ nát được dựng gọn gàng trên giá gỗ. Trước đó, lúc đi đường, ông Bông đã “quảng cáo”: “Gia đình ông Nhung, bà A là gia đình tiêu biểu của phường về việc hi sinh nuôi con ăn học nên người, rất đáng được tuyên dương”.
 
5 cử nhân lớn lên từ… căn nhà nát - 1

Ông Nhung, bà A và cô con gái thứ 5 đang theo học ĐH Kinh tế Đà Nẵng

 

Là dân biển, nghề chính của ông Nhung là ngày ngày rong ruổi trên những chuyến tàu đánh bắt hải sản, còn vợ ông ở nhà vừa chăm 7 đứa con vừa đi chợ bán hàng rong, bán đủ thứ trên đời miễn sao có thêm thu nhập nuôi con ăn học.

 

Ông Nhung hồn hậu: “Cả đời tôi bán sức cho biển, cho thuyền, thấm thía vô cùng sự cực khổ nên quyết không để các con theo chân cha. Khổ lắm. Cực lắm”.

 

Cô con gái cả, Trần Mai Thị Bé Liễu là người hơn ai hết thấm thía được lời dạy của bố, hiểu được những vất vả, mong mỏi của người mẹ nên đã làm tấm gương sáng chăm chỉ học hành cho các em dưới noi theo.

 

Liên tục trong nhiều năm liền là học sinh tiên tiến, học sinh giỏi các cấp, Bé Liễu thi đậu vào trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng. Bốn năm ăn học với số tiền không phải là nhỏ nhưng ông Nhung, bà A luôn cố gắng chạy vạy kiếm tiền nuôi con với ý nghĩ “đầu xuôi đuôi lọt”.

 

Tốt nghiệp ra trường, giờ bé Liễu đã có công ăn việc làm ổn định, lại gom góp tiền với bố mẹ nuôi các em tiếp bước giảng đường đại học.

 

Những người con kế tiếp của ông Nhung là Trần Thị Xuân, tốt nghiệp ĐH Kinh tế Đà Nẵng và đi làm được 4 năm; Trần Minh Hoàng, tốt nghiệp khoa Kế toán trường ĐH Duy Tân; Trần Văn Chiến, tốt nghiệp ĐH Kinh tế Đà Nẵng. Tất cả đều đã có công ăn việc làm ổn định.

 

Để có đủ tiền nuôi con ăn học suốt quãng đường dài 4 năm đại học, ngoài việc cật lực lao động, vợ chồng ông Nhung phải bán ngôi nhà 2 tầng và vay ngân hàng mới đủ.

 

Hiện tại, vợ chồng ông “chỉ còn” 2 người con đang độ tuổi ăn học phổ thông và 1 cô con gái đang theo học ĐH Kinh tế Đà Nẵng.

 

Bán nốt nhà cũng quyết cho con học
 
Tuổi đã cao, sức cũng đã yếu nên những gì ông bà Nhung có thể làm bây giờ là động viên, chỉ dạy con cháu tiếp tục ăn học nên người. “Mấy đứa con đầu đi làm có lương nên hàng tháng nó lại gửi lại cho tui ít để nuôi các em ăn học. Có nhịn ăn, nhịn mặc tôi cũng không để các con của tôi thất học, nếu chúng học giỏi, có khả năng học cao lên nữa tôi sẽ tiếp tục cầm nợ” - ông Nhung khẳng định quyết tâm.
 
5 cử nhân lớn lên từ… căn nhà nát - 2

Thanh Mai đang là sinh viên xuất sắc của khoa Kế toán 

 

Thương bố mẹ vất vả, cô con gái thứ năm Trần Thị Thanh Mai (sinh năm 1989, sinh viên năm thứ 2 khoa Kế toán ĐH Kinh tế Đà Nẵng) luôn tranh thủ thời gian ngoài giờ học đỡ đần công việc nhà cho mẹ. Hai năm liền Mai luôn là sinh viên giỏi, xuất sắc của lớp. “Ngoài giờ học, em lại tranh thủ đi gia sư cho các mối để kiếm thêm đỡ bố mẹ phần mua sách vở học tập” - Mai nói với ánh mắt sáng ngời tự tin. 

 

Cô bí thư lớp này còn tham gia rất tích cực các hoạt động của trường và đang nằm trong danh sách xét kết nạp Đảng viên của trường ĐH Kinh tế. Tối đến, Mai lại là cô giáo nhỏ, người chị tận tình chỉ bảo từng bài toán hóc búa cho cậu em trai Trần Trọng Quý, hiện đang là học sinh cấp 3.

 

“Tài sản lớn nhất của tôi là những đứa con khôn lớn nên người” - ông Nhung nói khi chia tay chúng tôi và cho biết thêm, cô con gái Thanh Mai nếu có ước muốn học cao lên nữa gia đình ông luôn sẵn sàng làm tất cả, kể cả phải bán nốt nhà để con ăn học.

 

Phan Bá Mạnh