5 cột mốc thay đổi sau 5 năm thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới
(Dân trí) - 5 năm thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018, ngành giáo dục đã đạt được các cột mốc đáng chú ý trên hành trình đổi mới căn bản, toàn diện.
Giao quyền chủ động chọn sách giáo khoa cho nhà trường
Ngày 28/12/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành Thông tư 27 quy định về quyền lựa chọn sách giáo khoa trong các cơ sở giáo dục phổ thông.
Theo thông tư, các trường sẽ được quyền lựa chọn một bộ sách giáo khoa cho mỗi môn học từ danh mục đã được phê duyệt, đảm bảo tính công khai, minh bạch và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội địa phương.
Mỗi cơ sở giáo dục sẽ có một Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa do người đứng đầu cơ sở giáo dục thành lập, có sự tham gia đầy đủ của tổ chuyên môn, giáo viên và đại diện cha mẹ học sinh.
Trước đó, theo quy định cũ tại Thông tư 25 năm 2020, quyền lựa chọn sách giáo khoa thuộc về UBND cấp tỉnh.
Quy trình lựa chọn sách giáo khoa sẽ diễn ra qua các bước như tổ chức ý kiến giáo viên, soạn thảo kế hoạch và thực hiện bỏ phiếu, đảm bảo ít nhất 50% giáo viên cùng chọn sách. Danh mục sách giáo khoa được phê duyệt sẽ được công bố trước ngày 30/4 hàng năm và các cơ sở giáo dục có trách nhiệm đề xuất điều chỉnh bổ sung nếu cần.
Việc giao quyền tự chọn sách giáo khoa cho các cơ sở giáo dục giúp mỗi nhà trường có thể chọn sách giáo khoa phù hợp với nhu cầu, điều kiện và đặc thù học sinh cũng như chủ động đưa vào những nội dung giảng dạy phù hợp với văn hóa và bối cảnh địa phương.
Đồng thời, các trường sẽ phải có trách nhiệm cao hơn trong việc chọn lựa tài liệu giảng dạy, tạo động lực cải tiến chương trình giảng dạy.
Quyền tự chủ sách giáo khoa cũng góp phần hạn chế tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị xuất bản và thúc đẩy việc cải thiện chất lượng sách.
Thay đổi cách kiểm tra, đánh giá học sinh
Cùng với việc thay đổi nội dung kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh lớp 10 và tuyển sinh lớp 6 kể từ năm 2025, ngành giáo dục đã thay đổi toàn diện hệ thống thi cử, kiểm tra, đánh giá học sinh theo chương trình mới.
Yêu cầu của chương trình mới là chuyển chủ yếu đánh giá kiến thức, kĩ năng sang đánh giá năng lực của người học, tức chuyển trọng tâm đánh giá chủ yếu từ ghi nhớ, hiểu kiến thức sang đánh giá năng lực vận dụng, giải quyết những vấn đề của thực tiễn, đặc biệt chú trọng đánh giá các năng lực tư duy bậc cao.
Để đánh giá tập trung vào năng lực học sinh, các giáo viên, nhà trường sẽ phải sử dụng nhiều phương thức, công cụ, hình thức khác nhau thay vì chỉ sử dụng những công cụ, hình thức truyền thống.
Nhiều hình thức đánh giá thường xuyên mới được đưa vào nhà trường như hỏi - đáp, làm bảng thuyết trình, làm video clip, làm sản phẩm học tập, thí nghiệm… Học sinh cũng không còn phải trả bài bằng cách học thuộc lòng mà sử dụng sản phẩm học tập để thể hiện khả năng tiếp thu và vận dụng kiến thức của bản thân.
Việc kiểm tra, đánh giá mới cũng hạn chế tối đa tình trạng học sinh trả lời câu hỏi chỉ dựa vào ghi nhớ và sao chép. Điều này cũng giúp giáo viên đánh giá kết quả rèn luyện và học tập của học sinh trong một quá trình dài thay vì chỉ tập trung vào điểm số. Cũng từ đây, giáo viên có dữ liệu thực tế để hiểu năng lực, thế mạnh của mỗi học sinh, điều chỉnh quá trình dạy học theo hướng cá nhân hóa.
Thay đổi cách kiểm tra, đánh giá cũng đặt ra yêu cầu bức thiết phải đổi mới phương pháp dạy học của mỗi giáo viên. Các giáo viên buộc phải thay đổi, phải tự nâng cao trình độ, sáng tạo trong giảng dạy để có thể cải thiện được kết quả học tập của học sinh.
Không dùng ngữ liệu sách giáo khoa cho đề thi ngữ văn
Trong công văn 3935 hướng dẫn các tỉnh, thành thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2024-2025, Bộ GD&ĐT yêu cầu không sử dụng những văn bản, đoạn trích đã được học trong sách giáo khoa để làm ngữ liệu kiểm tra đánh giá năng lực đọc hiểu và viết trong các đề kiểm tra môn ngữ văn định kỳ.
Điều này nhằm khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn.
Cũng theo tinh thần này, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập năm 2025-2026 và kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 sẽ không còn tác phẩm văn học trong sách giáo khoa như trước đây. Việc học tủ, học vẹt, đoán đề thi và tình trạng "văn mẫu" kéo dài nhiều thập niên sẽ được hạn chế tối đa.
Quy định không sử dụng ngữ liệu sách giáo khoa trong đề thi môn ngữ văn mang lại nhiều ý nghĩa quan trọng trong quá trình giáo dục và đánh giá học sinh.
Khi không dựa vào ngữ liệu có sẵn trong sách giáo khoa, học sinh sẽ phải phát huy khả năng tư duy, phân tích và sáng tạo của bản thân. Đồng thời, học sinh sẽ phải tìm hiểu các tác phẩm văn học ngoài nhà trường, từ đó mở rộng hiểu biết và khả năng tiếp cận với nhiều nguồn tài liệu khác nhau, giúp trau dồi năng lực cảm thụ văn chương, hình thành thói quen đọc sách và nghiên cứu ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Đề thi không sử dụng ngữ liệu sách giáo khoa sẽ giúp giáo viên đánh giá năng lực tổng hợp của học sinh, bao gồm khả năng hiểu biết, phân tích, so sánh và lập luận, thay vì chỉ dựa vào việc ghi nhớ kiến thức.
Ngoài ra, khi không bị giới hạn bởi các ngữ liệu trong sách giáo khoa, học sinh có cơ hội để bộc lộ phong cách viết cá nhân, thể hiện suy nghĩ, cảm xúc của mình thông qua các hình thức viết sáng tạo khác nhau.
Đây cũng là tiền đề quan trọng thúc đẩy sự thay đổi của cách dạy và học văn trong nhà trường.
Tăng biên chế giáo viên, xếp lương giáo viên cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp
Việc triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đòi hỏi sự tăng cường cả về số lượng lẫn chất lượng giáo viên. Để phục vụ mục tiêu này, trong Quyết định 72 của Bộ Chính trị, số biên chế giáo viên được giao bổ sung giai đoạn 2022-2026 lên đến 65.980 biên chế.
Dự thảo Luật Nhà giáo cũng đề xuất lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.
Việc tăng cường biên chế và xếp lương giáo viên cao nhất không chỉ khuyến khích các sinh viên chọn nghề giáo mà còn giúp giữ chân những giáo viên có kinh nghiệm và năng lực tại trường học. Qua đó, nguồn lực giáo dục trở nên phong phú hơn, uy tín nghề giáo cũng được tăng cường.
Khi giáo viên được đảm bảo biên chế ổn định và được hưởng lương cao hơn, họ sẽ được tập trung cho công việc chuyên môn, nâng cao chất lượng giảng dạy của bản thân và góp phần thúc đẩy chất lượng giáo dục.
Hướng nghiệp sớm và tăng cường tri thức bản địa
Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp và môn giáo dục địa phương là một điểm nhấn trong chương trình giáo dục phổ thông mới.
Mặc dù việc triển khai các nội dung giáo dục này chưa đồng đều giữa các trường, giữa các địa phương nhưng đã tạo ra luồng gió mới tại nhiều trường học, hướng đến các giá trị giáo dục tiệm cận với quốc tế.
Việc hướng nghiệp sớm giúp học sinh nhận thức rõ hơn về sở trường, năng lực và sở thích của bản thân. Qua đó, các em có thể xác định được lĩnh vực học tập phù hợp với mình trước khi bước vào bậc THPT, từ đó lập kế hoạch dài hạn cho tương lai nghề nghiệp một cách hiệu quả.
Trong khi đó, môn giáo dục địa phương cung cấp cho học sinh vốn tri thức bản địa phong phú. Trong thời đại thế giới phẳng, vai trò và ý nghĩa của tri thức bản địa ngày càng được chú trọng.
Khi học sinh có thể nắm bắt và hiểu biết các truyền thống lâu đời, kinh nghiệm sinh hoạt và lao động, kiến thức về môi trường tự nhiên ở nơi đang sống, các em sẽ không chỉ có trong tay công cụ tri thức tốt để phát triển nghề nghiệp trong tương lai mà còn trau dồi tình yêu với quê hương, đất nước, sẵn sàng đóng góp cho sự phát triển bền vững của cộng đồng.