5 cách cư xử khi con phạm lỗi

Tuệ Nhi

(Dân trí) - Một trong những ảnh hưởng tích cực nhất từ cha mẹ là thừa nhận những thành tựu và thói quen lành mạnh của con. Đó là khi bố mẹ khuyến khích những hành vi tốt, sự tự tin cũng như lòng tự trọng của trẻ.

Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn phải chấp nhận rằng không ai sinh ra đã hoàn hảo. Vì vậy, phụ huynh cần chấp nhận sự thật con sẽ có lúc phạm sai lầm. Chính cách cha mẹ xử lý và phản ứng trước tình huống cũng sẽ ảnh hưởng đến việc trẻ đưa ra quyết định tốt hơn và phát triển các thói quen lành mạnh trong tương lai.

Lynne Azarchi - Giám đốc điều hành của Trung tâm Thanh thiếu niên Kidsbridge (New Jersey, Mỹ), tổ chức phi lợi nhuận phòng chống bắt nạt; bà cũng là tác giả sách "The Empathy Advantage: Coaching Kids to be Kind, Respectful and Successful" (Tạm dịch: Lợi ích của sự cảm thông: Dạy con trở thành người tốt, biết tôn trọng người khác và thành công).

Dưới đây là 5 điều vị chuyên gia này khuyên các bậc cha mẹ lưu ý khi trẻ phạm sai lầm để nuôi dạy con tự tin, thông minh, thấu cảm.

1. Tập trung vào hành vi của con

Khen ngợi những hành vi cụ thể sẽ tốt hơn khen ngợi một cách chung chung. Đó là sự khác biệt giữa việc nói "con thật là một đứa trẻ ngoan!" và "con đã làm một việc tuyệt vời khi đặt đồ chơi gọn gàng".

5 cách cư xử khi con phạm lỗi - 1
Khen ngợi những hành vi cụ thể sẽ tốt hơn khen ngợi một cách chung chung (Ảnh: Shutterstock).

Với cách nhìn nhận này, trẻ em không phải lúc nào cũng bị dán nhãn là "trẻ ngoan" hay "trẻ hư" qua một hành động. Trẻ cần bị khiển trách khi có các hành vi không đúng và có thể thay đổi để đáp ứng kỳ vọng của cha mẹ. Bởi thế, hãy chỉ trích hành vi cụ thể hơn là nói một cách chung chung.

Chẳng hạn, phụ huynh nói "Bố/mẹ không thích việc con đánh em trai, đó không phải là điều tốt", thay vì nói "con là một người anh tồi tệ". Khi tập trung vào hành vi, trẻ sẽ có những lựa chọn tốt hơn để xem xét trong tương lai.

2. Đừng sỉ nhục khiến con xấu hổ

Theo giáo sư tâm lý học Adam Grant, việc tạo một chút cảm giác tội lỗi cho trẻ sẽ tốt hơn là khiến chúng cảm thấy xấu hổ. Ông lập luận rằng xấu hổ không có hiệu quả với những việc gây hậu quả tồi tệ. Còn cảm giác tội lỗi, khi được sử dụng một cách cẩn thận, có thể là động lực mạnh mẽ để trẻ điều chỉnh, sửa chữa hành vi.

5 cách cư xử khi con phạm lỗi - 2
Tạo một chút cảm giác tội lỗi cho trẻ sẽ tốt hơn là khiến chúng cảm thấy xấu hổ (Ảnh: Shutterstock).

Ví dụ, nếu con làm sai điều gì đó, bạn nói rằng con không phải là người tốt sẽ mang lại cảm giác xấu hổ cho trẻ. Việc lý giải cho con về lỗi sai, tạo cảm giác tội lỗi là động lực để con có hành vi tích cực hơn trong tương lai.

Grant cho rằng: "Khi trẻ em cảm thấy tội lỗi, chúng có xu hướng ăn năn và hối hận, đồng cảm với người mà chúng đã làm hại và cố gắng sửa chữa sai lầm".

3. Xây dựng giá trị bản thân

Grant khuyến nghị rằng, trước khi trẻ chập chững biết đi để vào mẫu giáo, cha mẹ nên học cách nhờ con giúp đỡ. Để con tham gia vào các công việc hàng ngày giúp trẻ hình thành lòng thấu cảm, khiến chúng cảm thấy mọi thứ đang làm có ý nghĩa to lớn.

5 cách cư xử khi con phạm lỗi - 3
Hãy để con học cách giúp đỡ người khác ngay từ khi còn nhỏ (Ảnh: Shutterstock).

Các bậc phụ huynh có thể nâng cao tính cách tích cực của con bằng cách đặt những câu hỏi như "con sẽ là người biết chia sẻ chứ?"; "con có chăm sóc người khác không?"; "con có thể chơi với em trai khoảng 10 phút giúp mẹ không?"...

Lynne Azarchi ước rằng cô có thể làm điều này với các con khi chúng còn nhỏ. Khi cô nhận ra lợi ích của việc tập nhờ con giúp đỡ thì bọn trẻ đã lên 9. Có những đợt căng thẳng xuất hiện trong nhà vì trẻ không quen với việc giúp đỡ người khác. Bởi thế, phụ huynh nên thực hiện việc này từ sớm khi con còn nhỏ.

4. Cho trẻ thảo luận về cảm xúc

Đây là phương pháp nuôi dạy con tuyệt vời từ tiến sĩ Markus Paulus - Giáo sư tâm lý học phát triển tại ĐH Ludwig Maximilian (Munich, Đức). Ông khuyên phụ huynh nên có những cuộc trò chuyện cởi mở và cùng con thực hiện các hoạt động khám phá cảm xúc. Nếu con trai la hét với em gái thì hãy hỏi con cảm thấy thế nào vào khoảnh khắc đó và nghĩ xem em gái có cảm xúc ra sao khi bị la mắng.

5 cách cư xử khi con phạm lỗi - 4
Phụ huynh nên có những cuộc trò chuyện cởi mở và cùng con thực hiện các hoạt động khám phá cảm xúc (Ảnh: Shutterstock).

Mục đích là hướng trẻ bước vào thế giới của cảm xúc. Trong một nghiên cứu, các chuyên gia đã quan sát việc cha mẹ đọc sách ảnh cho trẻ mới biết đi và phát hiện rằng, những đứa trẻ được yêu cầu thảo luận về cảm xúc trong sách có xu hướng chia sẻ nhanh và thường xuyên hơn.

5. Tránh "hối lộ" con

Đôi khi, cha mẹ từ bỏ việc sửa chữa hành vi xấu của trẻ và dùng cách hối lộ con. Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu khuyên phụ huynh cần tránh điều này.

Hối lộ là một chiến lược chỉ có tác dụng ngắn hạn. Hành vi tốt không phải là thứ nên mua bằng đồ chơi và thức ăn. Cha mẹ cần tác động đến cảm xúc, tính cách tự nhiên của trẻ về việc muốn làm điều tốt.

Theo www.cnbc.com