4 niềm hy vọng của GS Nguyễn Minh Thuyết

(Dân trí) - Thẳng thắn, sắc sảo và đầy tâm huyết, GS Nguyễn Minh Thuyết vốn được xem là một trong những nhà phản biện tài ba nhất của ngành giáo dục trong nhiều năm nay. Các vấn đề ông nêu lên đều gai góc, xác đáng nhưng vẫn chan chứa tình người.

Giữ cương vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, những ngày cuối năm này cũng là những ngày rất bận rộn với GS Thuyết. Dù vậy, ông vẫn dành cho Dân trí một cuộc trò chuyện ấm cúng về những “được” và “mất” của ngành giáo dục trong một năm vừa qua.

Không được lấy con số trượt nhiều làm thành tích!

Một trong những điều khiến Bộ trưởng Bộ GD-ĐT hài lòng nhất trong năm 2007 là nhân dân đã không trách ngành tổ chức thi nghiêm túc. Đó cũng có thể được xem là một thành công lớn nhất của cuọc vận động “Hai không”. Quan điểm của GS về vấn đề này thế nào?

Năm 2007 được đánh dấu bằng nhiều sự kiện nổi bật trong ngành, cuộc vận động “Hai không” mà Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân phát động là một trong những sự kiện nổi bật nhất. Cuộc vận động sau một năm phát động đã đi vào thực tế, bước đầu phát huy được hiệu quả, tranh thủ được sự đồng tình của nhân dân. Cuộc vận động này cũng bộc lộ nhiều vấn đề cần phải kịp thời giải quyết.

Chúng ta đã có một kỳ thi tốt nghiệp THPT nghiêm túc hơn, có thực chất hơn những kỳ thi trước đây. Tuy nhiên, cũng thấy một số hiện tượng có thể nói là hơi quá đà trong việc thực hiện cuộc vận động này. Chẳng hạn như nhiều học sinh, ngay cả học sinh ở những vùng nổi tiếng về hiếu học lại bỏ học.

Tôi nghĩ, điều quan trọng nhất trong cuộc vận động “Hai không” là phải đi liền với việc làm tốt công việc hằng ngày chứ không phải lấy con số học sinh trượt nhiều hơn làm thành tích!

Bộ phải tính toán kỹ kẻo lại phải “gánh” những điều không đáng “gánh”

Năm 2007 là một năm bận rộn của hệ thống giáo dục ĐH, CĐ và dạy nghề với liên tục các Hội thảo về đào tạo theo nhu cầu xã hội và Đề án đổi mới thi và tuyển sinh dù đã đến dự thảo lần thứ 10 nhưng vẫn gây ra nhiều tranh cãi... Chứng kiến sự bận rộn này, GS đã có những “cảm xúc” gì?

Sau cuộc vận động “Hai không” thì theo tôi, cuộc vận động “Nói không với đào tạo không đạt chuẩn, không đáp ứng nhu cầu xã hội” ở các trường ĐH, CĐ và dạy nghề đã là một điểm nổi bật thứ hai của ngành giáo dục trong năm 2007. Theo quan điểm của tôi, chúng ta cần quan tâm tới các trường này nhiều hơn nữa vì đây là nguồn lực quan trọng cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhưng, đến nay, cuộc vận động này mới chỉ dừng ở mức độ là làm cho nhiều cán bộ quản lý và giảng viên nhận thức ra được vấn đề. Tôi mong rằng sau khi nhận thức đúng vấn đề, các trường và mỗi giảng viên sẽ có những chương trình hành động thiết thực để cuộc vận động có kết quả tốt.

Còn về Đề án của Bộ về thay đổi cách thi cử, tuyển sinh vào ĐH, CĐ dạy nghề. Bộ có chủ trương tổ chức một kỳ thi quốc gia từ năm 2009, đồng thời chú trọng thi trắc nghiệm. Gây ra tranh cãi ở Đề án này vì sao? Vì mục đích của hai kỳ thi khác nhau nên cũng khó lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT làm căn cứ tốt cho xét tuyển vào ĐH, CĐ.

Nếu quá tuyệt đối hoá việc dựa vào kết quả tốt nghiệp THPT để tuyển sinh thì các trường ĐH, CĐ sẽ mất tự chủ ngay từ việc chọn đầu vào. Việc lấy kết quả thi THPT xét vào ĐH cần phải xem xét thận trọng hơn để việc tuyển vào ĐH, CĐ công bằng, khách quan và tôn trọng quyền tự chủ của các trường.

Bộ phải tính toán kỹ kẻo lại gánh lấy những điều không đáng phải gánh, nghĩa là biến Bộ thành Ban giám hiệu của cả nước!

Học phí đã “chín muồi”!

Thưa GS, năm 2007 còn là một năm khá... “khổ sở” của ngành giáo dục khi Đề án mới về Học phí đã nâng lên đặt xuống không dưới 3 lần những không thể chính thức ra mắt. Phải chăng, ngành giáo dục đá quá là “nhút nhát” khi rõ ràng học phí đã đến lúc không thể không tăng?

Đến thời điểm này, tôi nghĩ, đã có đầy đủ thời gian và các ý kiến phản hồi đủ để Bộ cân nhắc trình Chính phủ. Quan điểm của tôi về vấn đề này là khu vực phổ thông không nên tăng học phí, mảng này ngân sách nhà nước gánh là chủ yếu, nhất là cấp THCS nên tiến tới miễn học phí, THPT có tăng thì tăng nhẹ.

Đồng thời, cần khuyến khích tổ chức mở trường tư thục, trường có vốn đầu tư nước ngoài để hình thành những trường có điều kiện vật chất, chuyên môn cao, thoả mãn yêu cầu của bộ phận gia đình có điều kiện. Nếu không làm được điều này, người dân sẽ cho con đi nước ngoài, chất lượng chưa chắc đã tốt hơn mà lại còn gây “chảy máu” đô-la ra nước ngoài.

Khối ĐH, CĐ, dạy nghề, nên tăng học phí để đảm bảo chất lượng. Điều kiện học không tốt, điều kiện thầy cô không tốt thì khó nói tới chất lượng. Nên thực hiện tăng học phí đồng thời với việc giảm dần cấp phát của Nhà nước để dồn ngân sách dư ra phục vụ giáo dục phổ thông và các vùng khó khăn.

Nạn bạo hành trong giáo dục vẫn sẽ có nguy cơ tái diễn

Cũng như năm 2006, năm 2007 ngành giáo dục vẫn tiếp tục mang “vết nhơ” về đạo đức thầy cô giáo khi liên tục trong hai tháng cuối năm 2007, đã có khoảng 20 vụ bạo hành của thầy cô đối với học sinh diễn ra râm ran trong nhiều vùng miền trên cả nước. Tại sao vấn đề này không thể giải quyết được dứt điểm, thưa GS?

Các vụ việc thầy cô xúc phạm danh dự, nhân phẩm, sức khoẻ học sinh, gây bức xúc trong dư luận. Tôi nghĩ các cấp quản lý cần phải rà soát những người làm công tác giáo dục, kể cả trường tư lẫn công. Người làm công tác giáo dục cần được đào tạo, chí ít cũng phải qua các lớp bồi dưỡng ngắn hạn.

Bên cạnh đó cần xem những người làm nghề dạy học, nuôi dạy trẻ có phẩm chất thích hợp với công việc không? Trước hết, nghề dạy học là nghề của những người yêu trẻ chứ không chỉ đơn thuần là một nghề kiếm sống. Các trường sư phạm cũng cần phải đổi mới tuyển sinh.

Trước đây, khi tôi học hết lớp 10 cũ, tiêu chuẩn vào sư phạm khó lắm: phải đủ 18 tuổi trở lên, phải qua sát hạch ở trường xem có khuyết tật gì không, thái độ đối với nghề, với trẻ như thế nào… Bây giờ chỉ dựa vào điểm thi (và sắp tới chỉ dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào ĐH) thì tôi không biết các trường sẽ chọn người như thế nào?

Cũng có cả nguyên nhân về mặt xã hội trong các vụ bạo hành. Thói bạo hành trong xã hội ta còn phổ biến. Đặc biệt, người ở vị thế cao hơn, dù là công chức phường hay thầy, cô giáo, thường cho mình quyền hành xử rất tự do, theo ý mình muốn với người ở vị thế thấp. Năm ngoái, có tới 13,5/18 triệu hộ gia đình trong cả nước được công nhận là gia đình văn hoá nhưng nếp sống văn hoá nhìn chung còn thấp lắm; Tất cả những chuyện đó đều ảnh hưởng đến giáo dục.

Có vẻ như năm 2007, có quá ít điều khiến GS hoàn toàn hài lòng được về ngành giáo dục?

Ở bất kể ngành nào cũng luôn tồn tại hai mảng màu sáng tối. Tôi nghĩ bức tranh giáo dục Việt Nam không đến nỗi quá xám xịt, có điều so với yêu cầu phát triển cao, ngành giáo dục hiện nay cần phải cố gắng vươn lên mạnh. Giáo dục nước nào cũng có vấn đề thôi, dù là các nước phát triển như Pháp hay Mỹ… Nhưng có thế thì mới có động lực để giáo dục phát triển.

Trong những năm đổi mới vừa qua, ngành giáo dục đã có những đóng góp rất lớn để đào tạo nhân lực phục vụ sự nghiệp đổi mới đất nước. Tuy nhiên, ngành cũng bộc lộ nhiều hạn chế cần khắc phục sớm để nâng cao chất lượng giáo dục hơn nữa.

Điều tôi thấy hài lòng nhất là trong năm 2007, nước ta đã tổ chức tốt kỳ thi Olympic Toán quốc tế và Đoàn học sinh Việt Nam đạt thành tích cao trong kỳ thi tổ chức “trên sân nhà” này. Dù dư luận cũng còn bàn luận nhiều về trường chuyên lớp chọn và luyện thi học sinh giỏi nhưng phải nói rằng việc học sinh Việt Nam suốt hàng chục năm nay đạt thành tích cao trong các kỳ thi Olympic quốc tế là một điểm sáng của giáo dục nước nhà.

Báo chí hãy ủng hộ hơn nữa cho giáo dục!

Trước thềm xuân mới này, GS có thể chia sẽ cùng độc giả của Dân trí những điều “mong” và “ước” của GS đối với ngành giáo dục?

Tôi mong báo chí ủng hộ giáo dục hơn, chú ý giới thiệu nhiều gương người tốt hơn. Hiện điều kiện vật chất của người dân khá hơn, quan tâm tới giáo dục nhiều hơn, sức ép lên ngành giáo dục nhiều khiến chúng ta có cảm tưởng ngành còn có quá nhiều yếu kém.

Tôi hy vọng trước hết vào năm 2008 là các cuộc vận động thu được kết quả tích cực hơn, đặc biệt là tạo ra chuyển biến mới trong việc thực hiện nội dung, phương pháp giảng dạy mới. Tôi vẫn muốn cuộc vận động “Hai không” gắn với cuộc vận động “Hai tốt” mà ngành giáo dục đã làm.

Năm 2008 cũng là năm ngành giáo dục phổ thông kết thúc sáu năm thay sách, toàn bộ bậc học phổ thông sẽ học theo sách mới. Tôi hy vọng, nội dung và phương pháp dạy học mới sẽ được quán triệt ở tất cả các cấp, các cơ sở giáo dục, đặt tiền đề tạo ra chuyển biến mới của giáo dục Việt Nam trong tương lai. Theo một nghiên cứu của Liên hiệp các Hội khoa học - kỹ thuật Việt Nam, bộ sách giáo khoa mới được đánh giá là tốt nhất từ trước tới nay.

Thứ ba, tôi cũng mong muốn Bộ và Chính phủ nghiên cứu để có giải pháp hợp lý cho hai vấn đề: xây dựng khung học phí mới và cải tiến các kỳ thi.

Thứ tư, tôi muốn giáo dục miền núi, vùng sâu, xa được chăm sóc tốt hơn, có điều kiện phát triển hơn. Ít nhất làm sao cho trường ra trường, lớp ra lớp, tạo đà cho vùng này phát triển. Chúng ta ngồi ở Hà Nội sẽ không thấy được vấn đề, nếu đến các vùng sâu, xa mới thấy các em học sinh phải khổ sở thế nào khi đi học, thiếu thốn mọi bề…

Xin trân trọng cảm ơn GS và chúc GS một năm mới với tràn ngập sức khoẻ, niềm vui và thành đạt!

Mai Minh
 (Thực hiện)