4 lí do giáo dục STEM được nhắc nhiều nhưng chưa triển khai rộng ở Việt Nam

(Dân trí) - Bên cạnh phân tích nguyên nhân, các nhà khoa học Việt Nam trong và ngoài nước tại Diễn đàn Tri thức trẻ Việt Nam toàn cầu cũng phân tích thực tiến phát triển STEM trên thế giới, đề xuất biện pháp phát triển STEM tại Việt Nam, không chỉ cho giáo dục phổ thông mà còn đi sâu về STEM cho các giới, STEM cho người khuyết tật.

Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ nhất chủ đề “Thúc đẩy STEM để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao trong phát triển cách mạng công nghiệp 4.0” được tổ chức tại TP. Đà Nẵng với nhiều tham luận sâu sắc của các nhà khoa học trong và ngoài nước tâm huyết với giáo dục STEM tại Việt Nam.


TS. Nguyễn Đỗ Hương Giang, giảng viên ĐH Nông lâm - ĐH Thái Nguyên lí giải những vấn để tồn tại của giáo dục STEM ở Việt Nam tại Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ nhất.

TS. Nguyễn Đỗ Hương Giang, giảng viên ĐH Nông lâm - ĐH Thái Nguyên lí giải những vấn để tồn tại của giáo dục STEM ở Việt Nam tại Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ nhất.

TS. Nguyễn Đỗ Hương Giang, giảng viên ĐH Nông lâm - ĐH Thái Nguyên trình bày “Hiện trạng giáo dục STEM ở Việt Nam: Triển vọng, thách thức và thành tựu”. Mở đầu tham luận, TS. Giang trích lời một nhà khoa học tâm huyết với giáo dục hiện đại là TS. Đặng Văn Sơn: “Tại Việt Nam giáo dục STEAM là chìa khoá tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao”.

Trong phần trình bày của mình tại Diễn đàn, TS. Hương Giang chỉ ra có 5 điểm khác biệt chủ yếu của giáo dục STEM so với giáo dục truyền thống: Giáo trình được xây dựng có hệ thống từ các vấn đề thực tiễn; Dạy và học dựa trên dự án thực tế; Chú trọng tư duy và các khái niệm lớn trong CMCN 4.0 và kỹ năng thế kỷ 21; Đánh giá học sinh thông qua các ký năng; Phương pháp giảng dạy hướng người học làm trung tâm, học dựa vào truy vấn và thực hành giúp hình thành kỹ năng tự giải quyết vấn đề.

Năm 2012, giáo dục STEM bắt đầu xuất hiện từ các cơ sở giáo dục tư nhân ở Việt Nam. Tới nay, giáo dục STEM đã được nhắc tới nhiều nhưng chưa được triển khai diện rộng do nhiều vấn đề, trong đó có 4 lí do:

- Học sinh/sinh viên vẫn còn tâm lý học để lấy điểm, lấy bằng; thường xuyên không tìm kiếm và tự nghiên cứu tài liệu liên quan đến môn học.

- Thiếu cơ sở khoa học và khung lí luận của giáo dục STEM nói chung, dạy học môn công nghệ theo định hướng giáo dục STEM nói riêng (cơ sở vật chất, hành trang cho giảng viên và sinh viên).

- Phương pháp luận xây dựng chủ đề giáo dục STEM cũng như tiêu chí về một chủ đề giáo dục STEM, cấu trúc của nhiệm vụ STEM chưa được thống nhất.

- Giáo viên/giảng viên chưa được đầu tư cho hoạt động giảng dạy đúng mức, có nhiều người thờ ơ với hoạt động giảng dạy này bởi đây là phương pháp đòi hỏi thời gian, công sức và chất xám cho mỗi tiết học lớn hơn giảng dạy trong trường học.

Các trí thức trẻ Việt Nam trong và ngoài nước lắng nghe và đóng góp ý kiến để thúc đẩy STEM để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao trong phát triển cách mạng công nghiệp 4.0
Các trí thức trẻ Việt Nam trong và ngoài nước lắng nghe và đóng góp ý kiến để thúc đẩy STEM để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao trong phát triển cách mạng công nghiệp 4.0

Cũng tại diễn đàn, T.S Nguyễn Trọng Hồng Phúc, ĐH Cần Thơ tham luận về chủ đề “Các mô hình giáo dục STEM trên thế giới và tính khả thi khi đưa vào Việt Nam”.

Trên thế giới, STEM đã phát triển từ rất lâu. Các trường hàng đầu ở Mỹ, hay những quốc gia lân cận như Singapore, Hàn Quốc... đều đã và đang ứng dụng giáo dục STEM và STEAM. Từ việc phát triển giáo dục STEAM, người ta cũng đưa ra những khung đánh giá năng lực tương ứng. Câu hỏi đặt ra là vì sao giáo dục STEM trên thế giới lại thành công?

Theo T.S Hồng Phúc, có 2 lí do chính, một là sự đồng bộ của giáo dục STEM của họ, bao gồm: chính sách, cơ sở hạ tầng giáo dục, phương pháp kiểm tra đánh giá. Thứ hai là sự thành công đến từ sự tham gia của các thành phần xã hội gồm: nhà trường, gia đình, xã hội.

Vậy chúng ta làm sao phát triển được nguồn nhân lực của chúng ta để có thể thúc đẩy giáo dục STEM ở Việt Nam? Đó là phải có được đội ngũ quản lý am hiểu về giáo dục STEM, sau đó là đội ngũ giảng viên, sinh viên sư phạm và giáo viên các cấp. Cùng với đó, chúng ta cũng cần có cơ sở vật chất - cơ sở dữ liệu; có các khoá huấn luyện về giáo dục STEM; chính sách giáo dục phù hợp.

TS. Hồng Phúc đề xuất với các nhà quản lý giáo dục cần phải thiết lập chính sách khuyến khích giáo dục STEM, tạo bộ khung chuẩn cho STEM Việt Nam; đối với đội ngũ giảng viên cần học tập, áp dụng STEM, tăng cường hợp tác thức đẩy nâng cao năng lực giảng dạy; đối với sinh viên sư phạm cần hiểu về giảng dạy STEM, thực hành về STEM; đối với đội ngũ giáo viên cơ sở cần được tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên về STEM.

Chị Lê Thị Kim Anh trình bày tham luận chủ đề “Nữ giới và STEM”. Kim Anh lí giải vì sao tỉ lệ nữ giới tham gia STEM rất thấp so với nam giới, bàn về các biện pháp cải thiện. Theo Kim Anh, biện pháo nhằm cải thiện tỉ lệ nữ giới tham gia STEM là: Phổ cập vấn đề; Truyền thông về những hình mẫu, nhà khoa học là nữ tại Việt Nam và trên thế giới; Tạo mạng lưới kết nối.


Từng gặp tai nạn chấn thương não, anh Nguyễn Minh Luân lấy cảm hứng từ câu chuyện của chính mình để nghiên cứu chủ đề giáo dục STEM cho người khuyết tật

Từng gặp tai nạn chấn thương não, anh Nguyễn Minh Luân lấy cảm hứng từ câu chuyện của chính mình để nghiên cứu chủ đề giáo dục STEM cho người khuyết tật

Anh Nguyễn Minh Luân, Đại học Studencheskaya Ulitsa, Moscow trình bày về “Chính sách hỗ trợ nghiên cứu khoa học và phổ cập STEM cho người khuyết tật”. Luân chia sẻ câu chuyện của chính mình, là nguồn cảm hứng để anh nghiên cứu đề tài giáo dục dành cho đối tượng đặc biệt là người khuyết tật. Bắt nguồn từ một tai nạn từ khi còn nhỏ khiến Luân bị chán thương não. Gia đình nghĩ rằng anh chỉ có thể “học tới đâu hay tới đó”, đến lớp cho bằng bạn bằng bè”. Nhưng bản thân Luân chưa từng từ bỏ. Anh tham gia nhiều cuộc thi, nỗ lực học lên mà nhiều người không tin rằng anh sẽ làm được. Từ trải nghiệm của bản thân, anh Nguyễn Minh Luân đã phân tích nhu cầu, khả năng tiếp nhận giáo dục STEM của người khuyết tật.

Anh Luân nói: “Những người khuyết tật có sự tự ti, thiếu niềm tin nhưng cũng chính họ là những người nỗ lực và kiên trì nhất với mục tiêu của mình. Việt Nam có 8 triệu người khuyết tật, chiếm 7,8% nguồn nhân lực Việt Nam, chính vì vậy không thể không tính đến đóng góp của những đối tượng này cho nền kinh tế. Đó cũng là lí do cần phải quan tâm tới giáo dục STEM dành cho người khuyết tật ở Việt Nam”.

Nhiều nhà khoa học cùng chung ý kiến rằng muốn ứng dụng STEM tại Việt Nam cần nhiều kinh phí, nghiên cứu phát triển STEM cũng gặp khó khăn vì thiếu kinh phí, do vậy các nhà khoa học mong rằng sẽ có cơ chế, chính sách có thêm kinh phí cho phát triển giáo dục STEM tại Việt Nam.

Hiện đang làm việc tại Boston, Mỹ và vì lí do công tác không về được Việt Nam tham gia diễn đàn, TS. Nguyễn Đình Quý vẫn thực hiện một tham luận sâu sắc bằng video về chủ đề giáo dục STEM trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Anh đề xuất xây dựng hệ sinh thái bao gồm cả giáo dục, kinh tế... cách mạng 4.0.

Tựu trung, Diễn đàn về “Thúc đẩy STEM để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao trong phát triển cách mạng công nghiệp 4.0” thu hút rất nhiều tham luận của các nhà khoa học tâm huyết về vấn đề phát triển giáo dục hiện đại cho đất nước đáng để tham khảo. Những ý kiến đề xuất của các nhà khoa học sẽ được BTC Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu là Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổng hợp, đề xuất với Chính phủ để có những chính sách phù hợp, thúc đẩy phát triển giáo dục Việt Nam.

Mai Châm

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm