34 học sinh Việt Nam đạt giải trong kỳ thi toán quốc tế tại Hàn Quốc
(Dân trí) - Với sự tham gia của 1275 thí sinh đến từ 17 quốc gia và vùng lãnh thổ, 34 học sinh Việt Nam đều đạt được giải thưởng trong kỳ thi toán quốc tế WMI được tổ chức tại Hàn Quốc.
Kỳ thi toán quốc tế WMI (World Mathematics Invitational) năm 2023 diễn ra tại Trường Đại học Yonsei, Hàn Quốc, với sự tham gia của 1275 thí sinh đến từ 17 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó bao gồm 34 học sinh Việt Nam.
Các thí sinh đến từ khối 3, khối 4, khối 5, khối 6, khối 7 và khối 10 từ các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông của Việt Nam.
Trong gần một tuần diễn ra cuộc thi, 34 học sinh Việt Nam đều đạt được giải thưởng, cụ thể: 6 giải vàng, 9 giải bạc, 12 giải đồng và 7 giải khuyến khích.
Trong đó, thí sinh Đặng Anh Tuấn, học sinh Trường THCS Trưng Vương, nhận huy chương vàng và được trao cúp The star of the world (ngôi sao của thế giới) nhờ đạt được thành tích cao nhất trong các thí sinh của đoàn Việt Nam.
Ngoài Anh Tuấn, huy chương vàng còn thuộc về các thí sinh khác như: Nguyễn Đình Phong (Trường THCS Ngô Sĩ Liên, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội); Nguyễn Quang Bảo (Trường THCS Ngô Sĩ Liên); Nguyễn Hoàng Quốc Anh (Trường THCS Trưng Vương); Nguyễn Hồng Sơn (Trường THCS Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) và Trần Lâm Đào (Trường Tiểu học Kim Liên, quận Đống Đa).
Chia sẻ về quá trình chuẩn bị kiến thức cho các thí sinh để đến với cuộc thi, thầy Cai Việt Long (giáo viên Trường THCS Trưng Vương, Hà Nội) cho biết, các thầy cô tổ chức các buổi ôn luyện chỉ trong vòng 3 tuần, tương đương 10 buổi học, để trang bị kiến thức và kỹ năng cho các em học sinh.
Vì là kỳ thi quốc tế nên cấu trúc đề thi có nhiều điểm khác biệt so với đề thi thông thường tại Việt Nam. Các câu hỏi được đưa ra không chỉ yêu cầu kiến thức về lý thuyết toán học mà còn đòi hỏi thí sinh có kiến thức xã hội để hình thành khả năng giải quyết những bài toán trong thực tiễn.
Ngoài ra, tiếng Anh cũng là một trong những yếu tố cần trang bị cho thí sinh khi tham gia đấu trường quốc tế, đặc biệt là những thuật ngữ trong toán học.
"Các câu hỏi trong đề thi gần như đều đưa ra những công thức trong toán học nên các em học sinh dù gặp trở ngại về ngoại ngữ cũng có thể suy luận được ý nghĩa của đề và thực hiện giải bài", thầy Long chia sẻ.
Thầy Long cũng chia sẻ thêm, chương trình phổ thông mới (chương trình giáo dục phổ thông 2018) có nhiều sự tương đồng và phù hợp với tính chất của đề thi quốc tế. Điều này cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các em học sinh trong quá trình ôn luyện và thi đấu vừa qua.
Đồng thời, một số em học sinh theo học chương trình phổ thông cũ cũng gặp một số bất lợi trong quá trình làm quen với đề thi quốc tế.
Dù gặt hái được nhiều giải thưởng trong kỳ thi quốc tế vừa qua nhưng các thí sinh vẫn không tránh khỏi có những tiếc nuối về những sai sót trong quá trình làm bài.
Tuy nhiên, đánh giá về kết quả cuộc thi, thầy Long cho rằng, các thí sinh đã cố gắng hết sức và đạt được những thành tích đáng ghi nhận, đặc biệt khi cuộc thi xuất hiện nhiều đối thủ mạnh đến từ Trung Quốc và Mỹ.
Kỳ thi toán quốc tế WMI (World Mathematics Invitational) được sáng lập vào năm 2013. Cuộc thi kết nối các học viện và tổ chức giáo dục từ khắp nơi trên thế giới để thông qua tương tác về toán học với đại diện của các quốc gia khác có thể giúp học sinh tham dự kỳ thi được mở rộng thế giới quan và giao lưu văn hóa với nhau.
Kỳ thi được tổ chức luân phiên tại quốc gia khác nhau: Trung Quốc (năm 2015); Malaysia (2016); Việt Nam (2017); Hàn Quốc (2018 và 2023); Nhật Bản (2019). Trong các năm 2020, 2021 và 2022 do tình hình dịch bệnh Covid-19 nên cuộc thi chỉ được tổ chức tại địa phương.