30.000 người giải bài toán chia thừa kế để tìm mật khẩu wifi ĐH Kiểm sát
(Dân trí) - Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội bất ngờ thu hút hơn 30.000 người quan tâm khi đăng tải một bài toán về chia tài sản thừa kế để tìm ra mật khẩu wifi của trường.
Chỉ trong vài tiếng đồng hồ, hàng chục ngàn người vào trang page Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội chỉ để giải bài toán về chia tài sản thừa kế mà người đăng tải giới thiệu rằng: đáp án của bài toán chính là mật khẩu wifi của trường.
Tuy nhiên, mục đích tìm ra được mật khẩu wifi chỉ là phụ. Bài toán với nhiều dữ liệu phức tạp, đòi hỏi kiến thức pháp luật chắc chắn mới là nội dung chính thu hút sự quan tâm của cư dân mạng, vượt ra ngoài phạm vi của sinh viên trường Kiểm sát.
Nội dung bài toán này như sau: "Ông A kết hôn với bà B sinh được 5 người con. Anh con cả đã chết để lại 2 con: 1 trai và 1 gái đã thành niên. Gia tài của ông bà gồm 2 ngôi nhà: 1 ngôi nhà trị giá 100 triệu đồng, 1 ngôi nhà trị giá 200 triệu đồng.
Trước khi chết, ông A lập di chúc cho bà B 1 ngồi nhà trị giá 100 triệu đồng.
Đứa con út của ông bà đã sinh được 1 cháu trai đã thành niên. Sau đó, anh con trai út này đã bị tai nạn và bị tâm thần. Anh (chị) hãy chia tài sản của ông A để có mật khẩu truy cập wifi".

Tính đến 22h tối ngày 21/5, bài toán có hơn 33.000 người quan tâm với gần 4.000 bình luận và hơn 1.300 lượt chia sẻ sau 9 tiếng đăng tải. Cư dân mạng hiện vẫn tranh cãi về đáp án thực sự của bài toán.
Đáp án đang có nhiều lượt "like" nhất như sau: "Tổng tài sản: 100 triệu (di chúc cho bà B) + 200 triệu (không ghi rõ trong di chúc) = 300 triệu.
Vì ông A để lại di chúc chia 100 triệu cho vợ (bà B), nên 100 triệu này không cần chia thừa kế. 200 triệu còn lại là tài sản chưa định đoạt, sẽ chia theo pháp luật.
Người thừa kế theo hàng thứ nhất theo Điều 651 Bộ luật Dân sự gồm: vợ, cha mẹ, con ruột.
Hàng thừa kế thứ nhất của ông B gồm: Bà B (vợ ông A), 5 người con của ông A. Tổng cộng 6 người thừa kế.
Vì ông A chết, 200 triệu chia đều cho 6 người. Mỗi người hưởng: 200 / 6 = 33,33 triệu đồng.
Tuy nhiên, trong số 5 người con, con út bị tâm thần, nên phải có người giám hộ xác nhận. Người đến xác nhận là anh (chị) họ của người bị tâm thần (tức là cháu ông A - con của anh trai ông A). Đây là điểm mấu chốt: Anh (chị) họ không phải người được thừa kế trực tiếp.
Vậy mật khẩu chính là: 200 : 6 = 33.33".
Tuy nhiên, ngay dưới đáp án này, admin của fanpage Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội đã trả lời: "Em không hiểu bản chất, 0 điểm - mời em về chỗ!".
Điều này có nghĩa "33.33" không phải đáp án.
Nhiều tài khoản cũng cho rằng "33.33" chắc chắn là lời giải sai, bởi mật khẩu wifi phải có tối thiểu 8 kí tự.

Sinh viên Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội (Ảnh: Page trường).
Tài khoản Tân Thuận Thành sử dụng ChatGPT để giải bài toán này. Đáp án được ChatGPT giải như sau:
"Tổng tài sản của ông A và bà B: 2 ngôi nhà 100 triệu và 200 triệu. Tổng cộng: 300 triệu.
Giả sử 2 tài sản này là tài sản chung của vợ chồng, mỗi người sở hữu 1/2. Tức ông A có 150 triệu, bà B có 150 triệu (không thuộc diện chia thừa kế).
Di chúc của ông A để lại cho bà B 1 ngôi nhà trị giá 100 triệu. Di chúc có hiệu lực trên phần tài sản của ông A. Phần 100 triệu này sẽ trích từ 150 triệu thuộc sở hữu của ông A.
Như vậy, di chúc định đoạt 100/150 triệu = 2/3 tài sản của ông A cho bà B.
Phần còn lại là 1/3 tài sản (50 triệu) của ông A sẽ chia theo pháp luật.
Bà B (vợ) có trong di chúc nên không hưởng theo pháp luật nữa.
Người con cả chết rồi, con của người này được thế vị.
Vậy những người hưởng theo pháp luật gồm: 4 người con còn sống, 2 cháu nội (con của người con cả đã mất). Tổng cộng: 6 người (4 con + 2 cháu thế vị).
Chia phần 50 triệu (di sản không định đoạt trong di chúc) cho 6 người, mỗi người nhận: 50/6 = 8,33 triệu đồng.
Mật khẩu wifi là: 833833".
Tuy nhiên, đáp án do ChatGPT đưa ra với đủ 8 kí tự cũng bị admin phủ nhận bằng bình luận: "Em không hiểu bản chất, 0 điểm - mời em về chỗ!".
Một lời giải khác nhận được nhiều sự đồng tình do tài khoản Nguyễn Đình Phi đưa ra với đáp án là 28571428. Dãy số này hiện chưa bị admin phủ nhận.
Lời giải của Nguyễn Đình Phi như sau:
"Tài sản của ông A là 1 căn nhà trị giá 200 triệu, vì căn nhà 100 triệu đã để lại cho bà B theo di chúc.
Luật thừa kế Việt Nam, nếu không có di chúc, tài sản chia đều cho hàng thừa kế thứ nhất gồm: bà B (vợ ông A) và 5 người con ruột của ông A.
Nếu con đã mất thì phần của người đó sẽ do con họ hưởng, gọi là thừa kế thế vị.
Vì con cả đã chết, phần của người này do 2 người con (1 trai, 1 gái) của anh ta hưởng. Vậy tổng số người được chia thừa kế là: 1 (vợ) + 4 (các con còn sống) + 2 (con của con cả) = 7 người.
Mỗi người hưởng: 200/7 = ~28.571.428 đồng
Vậy mật khẩu wifi là: 28571428".
Nhiều người "bất lực" với việc giải bài toán đã để lại những bình luận dí dỏm: "Ông A đã chết đâu nên tóm lại là không có wifi đâu các bạn nhé".
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, thầy Bùi Trọng Vinh - chuyên viên Phòng Đào tạo, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, người quản lý page của trường - bày tỏ niềm vui khi bài toán nói trên nhận được sự quan tâm mạnh mẽ của cộng đồng mạng.
Tuy nhiên, thầy Vinh cho biết "không bất ngờ". Bởi mục đích của thầy khi đưa ra bài toán là tạo yếu tố mâu thuẫn để nhiều người phải quan tâm đến.
Chủ trương tạo nội dung thu hút giới trẻ vào page trường được thầy Vinh triển khai nhiều tháng qua.
Theo thầy Vinh, đây là cách giao tiếp hiệu quả giữa nhà trường với sinh viên, giữa nhà trường với xã hội, giúp quảng bá hình ảnh năng động, hiện đại bên cạnh nền tảng chuẩn mực của nhà trường, gỡ bỏ định kiến về môi trường pháp luật khô cứng, nguyên tắc.
"Tôi quan niệm đối tượng sử dụng mạng xã hội đa phần là người trẻ nên page trường cần có hơi thở thời đại. Bài toán chia tài sản thừa kế dưới dạng tìm đáp án ra mật khẩu wifi là một cách bắt "trend" như vậy.
Qua bài toán, các bạn trẻ sẽ vừa được tư duy, vừa được tìm hiểu thêm về pháp luật - lĩnh vực mà những sinh viên của Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội đang được đào tạo", thầy Vinh chia sẻ.
Nói về đáp án của bài toán, thầy Vinh xin phép giữ bí mật. Thầy tiết lộ đã có lời giải đúng trong phần bình luận.
Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội trực thuộc Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao. Năm 2025, trường tuyển sinh 850 chỉ tiêu đại học chính quy cho 2 ngành: Luật - chuyên ngành Kiểm sát và Luật - chuyên ngành Luật Kinh tế. Sinh viên dự tuyển vào chuyên ngành Luật Kinh tế không cần qua bước sơ tuyển.
Trường sử dụng 12 phương thức tuyển sinh, trong đó có xét học bạ với học sinh trường chuyên, xét học bạ kết hợp chứng chỉ IELTS hoặc chứng chỉ tiếng Nga, xét bài thi đánh giá năng lực của 2 đại học quốc gia, xét kết quả thi tốt nghiệp THPT...
11 tổ hợp môn được Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội xét tuyển gồm: toán, lý, hóa; toán, lý, tiếng Anh; toán, văn, lý; toán, văn, hóa; toán, văn, địa; toán, văn, sử; toán, văn, tiếng Anh; toán, hóa, tiếng Anh; toán, sử, tiếng Anh; văn, sử, tiếng Anh và văn, địa, tiếng Anh.
Trường chấp nhận quy đổi chứng chỉ IELTS sang điểm thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh với mức quy đổi là 8,5 cho IELTS từ 5.0. Thí sinh có IELTS 6.5 được tính 10 điểm.
Những thí sinh dự tuyển bằng học bạ nếu có chứng chỉ IELTS từ 6.0 trở lên sẽ được cộng từ 1 đến 3 điểm.

Từ 20/5 đến 6/6, thí sinh dự tuyển chuyên ngành Kiểm sát nộp hồ sơ sơ tuyển tại Viện Kiểm sát cấp huyện. Thời gian sơ tuyển là 9-20/6. Trường xét tuyển theo kế hoạch chung của Bộ GD&ĐT vào ngày 12-20/8.