30 học sinh trúng tuyển đại học Mỹ năm 2018 chia sẻ “bí kíp” thành công
(Dân trí) - Ngày 8/4 vừa qua, buổi giao lưu gặp gỡ “Ngày hội du học Mỹ 2018” với hơn 30 học sinh vừa nộp hồ sơ xin học bổng thành công vào các trường thứ hạng 1 đến 50 mùa tuyển sinh 2017-2018 diễn ra tại Hà Nội.
Tại đây, các học sinh chia sẻ những kinh nghiệm của họ về chiến lược ôn thi tiếng Anh học thuật đạt điểm cao. Những băn khoăn về việc viết luận, chọn chủ đề độc đáo, chọn trường phù hợp như nào? Làm thế nào để làm hồ sơ khác biệt với số đông trong hoạt động ngoại khóa? Tất cả những thắc mắc đó đều được giải đáp trong buổi nói chuyện.
Hoa Kì đã và đang là điểm đến lý tưởng cho học sinh, sinh viên toàn cầu tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến, chất lượng, là quốc gia đứng thứ nhất trên thế giới về số lượng sinh viên quốc tế đang du học.
Từ kinh nghiệm của bản thân, Bùi Mạnh Hùng với thành tích điểm 1560/1600 SAT, 119/120 TOEFL; vừa đỗ vào ĐH Johns Hopkins (top 11 đại học quốc gia tốt nhất nước Mĩ) cho rằng, bí quyết học tiếng Anh hiệu quả là không nên học một cách máy móc.
Mạnh Hùng chia sẻ “Em học tiếng Anh không phải từ sớm, có nền tảng chuyên Toán nhưng lại học chuyên tiếng Trung ở trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam. Thi 3 lần SAT mới đạt được kết quả mong muốn.
Nhưng quan trọng là phải kiên trì vượt qua. Nếu muốn học tiếng Anh tốt mình có thể xem các trang web, sách báo nước ngoài. Và niềm yêu thích, mục tiêu rõ ràng sẽ giúp mình có được phương pháp học phù hợp”.
Bạn Vũ Đức Tài (học bổng Đại học Chicago – top 3 ĐH quốc gia tốt nhất nước Mỹ) xuất phát điểm chậm nhưng với sự quyết tâm vượt bậc chỉ trong một năm đã xây dựng hồ sơ, hoàn thành các kì thi chuẩn hóa (IELTS 8.0, SAT 1470, SAT 2: Toán I 800, Toán II 800, Vật lý 790), viết các bài luận và tham gia hoạt động ngoại khóa.
“Là học sinh chuyên Toán và đạt được các giải thưởng trong kì thi học sinh giỏi Toán, em đầu tư cho các hoạt động ngoại khóa liên quan đến Toán khá nhiều để hội đồng tuyển sinh thấy rằng em là một ứng viên có đam mê nhiệt huyết theo đuổi môn Toán và có thể phát triển tài năng đó trong môi trường Đại học.
Em muốn thể hiện những mặt khác của bản thân như khả năng lãnh đạo, giàu năng lượng thì em đã tham gia Dự án Hướng nghiệp Eureka, Trại hè hành trình Doanh nhân trẻ,…
Ngoài ra, những khó khăn và định kiến vùng miền mà người dân quê hương Nam Định em cùng với nhiều địa phương khác của Việt Nam cũng đang phải đối mặt hàng ngày cũng được em chia sẻ trong bài luận. Vừa nêu điểm mạnh bản thân vừa trình bày hoàn cảnh đặc biệt khiến mình hòa nhập cũng là điểm cần lưu ý thể hiện trong hồ sơ”, nam sinh này nhấn mạnh.
Cũng trong khuôn khổ chương trình, phụ huynh và học sinh được gặp gỡ đại diện ban tuyển sinh 3 trường ĐH Top 50 khối Liberal Arts College (LAC) Hoa Kì: ĐH Richmond (Top 23 LAC), ĐH Bryn Mawr (Top 32 LAC), ĐH Connecticut (Top 46 LAC).
Đại diện ban tuyển sinh 3 trường này lưu ý, các tiêu chí tuyển sinh giữa du học sinh quốc tế và học sinh Mĩ không khác biệt. Họ xét điểm học bạ, điểm ấy có tương quan với hoàn cảnh học không, bài luận, hoạt động ngoại khóa và điểm chuẩn hóa.
Ở Việt Nam, học sinh thường học nhiều giờ tại trường nên họ không quá đòi hỏi đến thành tích ngoại khóa “khủng”. Bài luận là điều họ quan tâm vì nó thể hiện nét riêng biệt, quan điểm cá nhân và đóng góp của ứng viên đó có thể mang lại cho cộng đồng trường học quốc tế.
Với vấn đề hỗ trợ tài chính, các trường cũng khá để ý khi xét hồ sơ vì du học sinh quốc tế không được vay nợ từ chính phủ Mĩ nên chi phí trường học dành ra để hỗ trợ nước ngoài thường nhiều học sinh bản địa.
Việc chuẩn bị trên con đường tới những cánh cổng trường đại học Hoa Kì cần sự kiên trì. Hội đồng tuyển sinh cũng không quá quan trọng ứng viên thi bao nhiêu lần trong các kì thi chuẩn hóa mà quan trọng là cách các em vượt qua chính mình, hiểu được bản thân mình.
Chinh phục được học bổng quốc tế thực sự là một quá trình dài và phức tạp mà phụ huynh, học sinh luôn cần giữ vững ý chí, sự phấn đấu không ngừng và lạc quan.
Hồng Vân (ghi)