3 nhược điểm lớn của các trường đại học qua kiểm định chất lượng

(Dân trí) - Đó là các nhược điểm: Chương trình đào tạo, Nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển & chuyển giao công nghệ và Đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên.

Thông tin trên do GS.TS Nguyễn Quang Dong, trường ĐH Kinh tế quốc dân nghiên cứu về “Những tồn tại chủ yếu của các trường đại học Việt Nam nhìn từ kết quả kiểm định chất lượng giáo dục”.


Hầu hết các trường đại học không đạt 100% tiêu chí trong kiểm định chất lượng

Hầu hết các trường đại học không đạt 100% tiêu chí trong kiểm định chất lượng

Từ tháng 1 năm 2016 đến tháng 5 năm 2018, cả nước có 117 trường đại học và học viện được kiểm chất lượng giáo dục. Quá trình KĐCLGD các trường đại học Việt Nam được thực hiện theo Bộ tiêu chuẩn gồm 10 tiêu chuẩn, 61 tiêu chí ban hành tại Thông tư số 62/2012/TT-BGDĐT ngày 28/12/2012) và Văn bản hợp nhất số 06/VBHN-BGDĐT ngày 04/3/2014) và được thực hiện từ tháng 01 năm 2016 đến tháng 5 năm 2018.

Bốn Trung tâm KĐCLGD của Việt Nam đã đánh giá ngoài 122 trường đại học. Trong đó, 117 trường đại học đã được các Hội đồng KĐCLGD ban hành Nghị quyết công nhận đạt Tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. 05 trường đại học, sau khi được ĐGN đã xin lùi thời gian kiểm định sang các năm sau, không thực hiện tiếp các khâu KĐCLGD.

Theo Bộ tiêu chuẩn kiểm định, một trường đại học sẽ không đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục khi có 13 tiêu chí trở lên trong 61 tiêu chí chưa đạt (13/61 = 21,3%); mỗi tiêu chí có từ 2 đến 6 mốc chuẩn, nếu có một mốc không đạt thì tiêu chí được đánh giá là “chưa đạt”.

3 tiêu chuẩn yếu nhất

Trong 117 trường đại học đã được KĐCLGD có 15,4% là các trường đại học tư thục, 6,8% các trường đại học thuộc Ủy ban nhân dân các tỉnh quản lý và 77,8% các trường đại học thuộc các Bộ và các Đại học quốc gia, Đại học vùng.

Trao đổi với PV Dân trí, GS.TS Nguyễn Quang Dong cho biết, kết quả KĐCLGD của 117 trường đại học đều được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng, trong đó một trường có số tiêu chí “chưa đạt” ít nhất là 5/61 (8,1%) tiêu chí, 25 trường (21,36% số trường) có 12 tiêu chí “chưa đạt”.12 tiêu chí chưa đạt là con số tối đa để một trường được công nhận đạt tiêu chuẩn CLGD.


Số tiêu chí và tỷ lệ % các trường đại học chưa đạt - Kết quả tính toán của GS.TS Nguyễn Quang Dong trên cơ sở dữ liệu được xây dựng từ 117 Nghị quyết của các Hội đồng KĐCLGD.

Số tiêu chí và tỷ lệ % các trường đại học chưa đạt - Kết quả tính toán của GS.TS Nguyễn Quang Dong trên cơ sở dữ liệu được xây dựng từ 117 Nghị quyết của các Hội đồng KĐCLGD.

GS Dong cho biết, 10 tiêu chuẩn KĐCLGD phản ánh quản trị đại học theo từng chức năng của một trường. Mỗi tiêu chuẩn có từ 2 – 9 tiêu chí. Cụ thể:


Tiêu chuẩn và tỷ lệ phần trăm số tiêu chí chưa đạt - Kết quả tính toán trên cơ sở dữ liệu được tác giả xây dựng từ 117 Nghị quyết của các Hội đồng KĐCLGD.

Tiêu chuẩn và tỷ lệ phần trăm số tiêu chí chưa đạt - Kết quả tính toán trên cơ sở dữ liệu được tác giả xây dựng từ 117 Nghị quyết của các Hội đồng KĐCLGD.

Trên cơ sở dữ liệu trên, GS.TS Dong cho rằng, 3 tiêu chuẩn yếu nhất của các trường đại học là: Tiêu chuẩn 3 (Chương trình đào tạo) có tỷ phần trăm các tiêu chí chưa đạt cao nhất 27,6%; Tiêu chuẩn 7 (Nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển và chuyển giao công nghệ) – 23,6% và Tiêu chuẩn 5 (Đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên và nhân viên) – 21,5%.

Ba tiêu chuẩn các trường thực hiện tốt nhất: Tiêu chuẩn 1, Tiêu chuẩn 6 (Người học) và tiêu chuẩn 8 (Hợp tác quốc tế). Các Tiêu chuẩn này có tỷ lệ các tiêu chí chưa đạt nhỏ hơn 10%.

Giải thích vì sao nhiều trường có tỷ lệ tiêu chí chưa đạt ở mức cao, GS Dong cho biết, trong tiêu chuẩn 3, lý do các trường có tỷ lệ cao các tiêu chí chưa đạt là: các chương trình đào tạo khi xây dựng mới/bổ sung chưa khảo sát thị trường, chưa tham khảo các chương trình đào tạo tiên tiến của các trường trong và ngoài nước, chưa có chuẩn đầu ra, chuẩn đầu ra về ngoại ngữ chưa đáp ứng quy định, chưa định kỳ đổi mới chương trình đào tạo, chưa đánh giá chương trình đào tạo…

Lý do dẫn đến Tiêu chuẩn 7 có tỷ lệ các tiêu chí chưa đạt cao: các trường chưa có số lượng công bố khoa học, chưa có số đề tài nghiên cứu, triển khai ứng dụng, chuyển giao công nghệ phù hợp với quy định và năng lực của trường, chưa đầu tư cho nghiên cứu khoa học của giảng viên và sinh viên theo quy định…

Tiêu chuẩn 5 có tỷ lệ các tiêu chí chưa đạt cao là do: thiếu cán bộ (cấp phòng, khoa, bộ môn) dẫn đến bổ nhiệm cán bộ không phù hợp với nhiệm vụ được giao, tỷ lệ sinh viên/giảng viên cao, cơ cấu đội ngũ cán bộ chưa phù hợp về tuổi đời, tuổi nghề…

Về tổ chức và quản lý, theo GS Dong, tỷ lệ các trường chưa đạt là 35,9% và 33,3%. Cụ thể, đánh giá cơ cấu tổ chức của trường đại học theo Điều lệ trường đại học và các quy định pháp luật khác có liên quan, được cụ thể hóa trong quy chế về tổ chức và hoạt động của trường.

Về mặt nội hàm, các trường đại học phải có cơ cấu tổ chức phù hợp với quy định pháp luật và cơ cấu tổ chức này phải được văn bản hóa. 3 nhóm lý do dẫn đến 35,9% số trường chưa đạt tiêu chí này là:

Trường đại học công lập chưa có Hội đồng Trường. Nguyên nhân chưa có Hội đồng trường do sự chậm trễ trong phê duyệt của cơ quan chủ quản cấp trên. Đối với các trường tư thục, lý do là thành viên của Hội đồng quản trị chưa phù hợp theo quy định…

Từ kết quả khảo sát, GS Dong kiến nghị, Bộ GD&ĐT cần tổng kết công tác KĐCLGD, với các các tiêu chuẩn có kết quả kiểm định xấu, cần có các chính sách/quy định để các trường tích cực điều chỉnh các hoạt động, khắc phục yếu kém của trường, từ đó toàn hệ thống sẽ tốt hơn.

Bài 2: Không trường đại học nào đạt tất cả tiêu chí về chương trình đào tạo

Nhật Hồng