3 nghịch cảnh của bài toán nguyện vọng

(Dân trí) - Trong quá trình xét tuyển NV2, có thể thấy sự mất cân đối về đầu vào thể hiện khá rõ nét. Trong khi các trường dân lập chỉ tiêu vẫn còn mênh mông, thì tại nhiều trường công lập, thí sinh đỗ được NV2 đã phải đi qua một cánh cửa nhỏ hẹp.

Đến thời điểm này, có thể thấy hầu hết thí sinh đều đã mệt mỏi với việc xét tuyển và chỉ còn rất ít thí sinh ôm mộng đỗ ĐH với NV 3. Tất cả những diễn biến đó đã làm nên 3 nghịch cảnh dễ thấy trong bài toán xét tuyển nguyện vọng năm nay.

Top trên “dễ xơi” NV2

Tình hình nộp hồ sơ NV2 của thí sinh trong hai tuần qua cho thấy, những trường tưởng như “đáng gờm” nhất lại là những trường “dễ xơi” nhất. Chẳng hạn như ĐH Bách khoa TPHCM có điểm chuẩn của NV2 theo công bố ban đầu chỉ là từ 17 - 20 điểm cho 12 nhóm ngành với 460 chỉ tiêu. Tuy nhiên, có lẽ do tâm lý e ngại trường top, số thí sinh nộp hồ sơ NV2 vào trường này chỉ xấp xỉ trên dưới 500 hồ sơ. Như vậy, khả năng trúng tuyển NV2 của thí sinh vào trường này đã đạt tới gần 100%.

Cũng trong một tâm lý e ngại tương tự, thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào trường ĐH Công nghệ thông tin thuộc ĐH Quốc gia TPHCM cũng chỉ là trên 600 hồ sơ với 500 chỉ tiêu.

Theo PGS.TS Trần Thị Hồng, Phó hiệu trưởng nhà trường, những thí sinh đạt kết quả từ 19 điểm trở lên sẽ có cơ hội trúng tuyển. Nhà trường cũng có lưu ý thí sinh đăng ký xét tuyển NV2 vào Trường ĐH Công nghệ thông tin chỉ cần ghi tên trường và mã trường, cùng địa chỉ liên hệ của thí sinh chứ chưa cần đăng ký chuyên ngành.

Lý do là trường vừa được thành lập vào tháng 6 vừa qua nên trong thời gian đầu, sinh viên thuộc năm ngành của trường sẽ học tập trung, đến giai đoạn chuyên ngành nhà trường sẽ dựa vào nguyện vọng và kết quả học tập của sinh viên để phân ngành. 

Tại ĐH Luật TPHCM, số hồ sơ xin xét tuyển thậm chí còn thấp hơn chỉ tiêu xét tuyển. Với mức điểm sàn NV2 là 19,5 trường tuyển 115 chỉ tiêu nhưng chỉ có 50 hồ sơ xin xét tuyển và cơ hội đỗ của các thí sinh NV2 vào trường này lên tới hơn... 200%!

Trường “ăn” không hết, trường “lần” không ra

Chỉ với 350 chỉ tiêu NV2 nhưng Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TPHCM) cũng đã nhận được đến hơn 1.100 hồ sơ đăng ký xét tuyển. Với 640 chỉ tiêu NV2 bậc ĐH, Trường ĐH Nông lâm TPHCM cũng nhận được gần 1.500 hồ sơ. Khoa kinh tế (ĐHQG TPHCM) mặc dù chỉ xét tuyển 82 chỉ tiêu NV2 với mức điểm xét tuyển là 20 cho ngành hệ thống thông tin quản lý cũng đã có đến trên 200 hồ sơ gửi về.

Một trong những trường ĐH vùng có vẻ ì ạch trong tuyển sinh là trường ĐH Cần Thơ, cũng có tới hơn 2.300 hồ sơ xét tuyển cho 1.400 chỉ tiêu. Trường ĐH Đà Lạt với 700 chỉ tiêu nhưng đã nhận được trên 1.600 hồ sơ.

Trong khi đó, tại các truờng dân lập thì hoàn toàn ngược lại. Nhiều trường ĐH dân lập phía Nam từ nhiều năm nay đã có “truyền thống” kéo hết cả ban tuyển sinh của nhà trường ra ngồi ngoài cổng để kiên nhẫn đợi thí sinh!

Tại trường ĐH Dân lập Hồng Bàng, mặc dù đã hết thời hạn nhận hồ sơ đăng ký NV2 nhưng nhà trường vẫn cố chờ thí sinh với hy vọng lượng thí sinh Bắc tiến “đổ bộ” vào vì với 1.200 hồ sơ trường nhận được thì trường vẫn còn hụt 500 suất so với chỉ tiêu.

Tình hình này còn bi đát hơn nhiều đối với trường ĐH Dân lập Bình Dương. Với 1.400 chỉ tiêu còn thiếu, đến thời điểm này trường mới chỉ có 700 hồ sơ tham dự xét tuyển.

Phía Bắc “ăn đứt” phía Nam

Dồi dào nguồn tuyển nên không chỉ các trường ĐH (cả công lập lẫn dân lập) luôn tỏ ra có “đẳng cấp” hơn hẳn các trường phía Nam trong việc tuyển sinh. 

Tại ĐH Thương mại, mặc dù công bố chỉ có 500 chỉ tiêu xét tuyển NV2 ở 3 ngành với mức điểm chuẩn của ngành thấp nhất cũng lên đến 19 điểm nhưng cũng có tới 1.700 thí sinh xét tuyển.

Còn tại ĐH Công nghiệp, sự chen chân còn quyết liệt hơn khi với 2.500 chỉ tiêu ĐH-CĐ, trường đã nhận tới 7.000 hồ sơ. ĐH Hải Phòng có 2.000 hồ sơ xét tuyển chỉ cho 400 chỉ tiêu. ĐH Mỏ Địa chất có khoảng gần 500 hồ sơ với 165 chỉ tiêu NV 2.

Ngay tại trường ĐH thuộc top 3 như ĐH Công đoàn, chỉ với 60 chỉ tiêu NV2, trường đã nhận được 100 hồ sơ xét tuyển.

Với các trường ĐH dân lập, kết quả hồ sơ NV2 của thí sinh cũng khác hoàn toàn so với các trường ĐH dân lập phía Nam. Chẳng hạn như tại trường ĐH Dân lập Quản trị kinh doanh Hà Nội sau một năm đổi tên thành trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, số hồ sơ NV2 mà trường nhận được đã gấp 3 lần so với chỉ tiêu.

ĐH dân lập Đông Đô cũng có số hồ sơ NV2 cao gấp 2 lần chỉ tiêu. ĐH dân lập Hải Phòng cũng có 2.120 hồ sơ/1.500 chỉ tiêu ĐH và 300 chỉ tiêu CĐ. ĐH Mở có 1.359 hồ sơ NV2 cho 525 chỉ tiêu.

Nhóm PV Giáo dục