Kỷ niệm ngày Khuyến học Việt Nam 2/10:

17 triệu hội viên khuyến học tiên phong thực hiện xây dựng Xã hội học tập

(Dân trí) - Thực hiện chủ trương xây dựng cả nước trở thành xã hội học tập, đáp ứng yêu cầu của Cách mạng công nghiệp 4.0, hơn 17 triệu hội viên khuyến học cả nước đang nỗ lực nghiên cứu triển khai thực hiện làm tốt công tác khuyến học – khuyến tài, xây dựng “công dân học tập”, “thành phố học tập”, “đơn vị học tập”.

Hội viên tham gia ngày càng đông

Tính đến ngày 30/6/2018, số hội viên khuyến học cả nước hiện có 17.650.000 hội viên, chiếm 19,2% dân số, tăng 0,75% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, số hội cơ sở là: 12.641 tăng 1,30%; Số chi hội khuyến học là: 159.579 tăng 0,7%; Số ban khuyến học là: 117.966 tăng 3,22%.

Đặc biệt, số tổ khuyến học và ban khuyến học đều tăng ở khắp các địa phương nhất là các cơ quan, các trường học, đặc biệt là các trường đại học, cao đẳng và thành viên của hệ thống chính trị.

Đến nay, đã có đa số các tỉnh thành lập được tổ chức Hội trong các trường đại học. Nơi có tổ khuyến học gắn với tổ nhân dân tự quản đạt tỷ lệ cao như Vĩnh Long, Trà Vinh, Tiền Giang, Đồng Tháp, Bến Tre… các địa phương có tỷ lệ hội viên cao như Lai Châu, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Ninh Bình, Long An, Bạc Liêu. Nơi phát triển thêm nhiều hội viên mới như Bình Dương, Hải Dương, Bình Thuận, Thừa Thiên - Huế…

Hội Khuyến học tỉnh Tây Ninh có 20.754 đảng viên là hội viên hội khuyến học (chiếm tỷ lệ 62,4%) trong tổng số đảng viên toàn đảng bộ.

Theo báo cáo của Hội Khuyến học tỉnh Sơn La, đến nay toàn tỉnh có 100% số trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp đã có tổ chức Hội Khuyến học và hoạt động có hiệu quả.


Lực lượng người dân, cán bộ tham gia công tác khuyến học ngày càng đông

Lực lượng người dân, cán bộ tham gia công tác khuyến học ngày càng đông

GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho biết, thực hiện Quyết định 281/QĐ-TTg, Hội Khuyến học các địa phương tiếp tục phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai đại trà các mô hình học tập, tổ chức đăng ký, giao ước thi đua.

Hiện nay, mô hình “Gia đình học tập” cả nước có hơn 12 triệu gia đình đăng ký; Dòng họ học tập có hơn 72 nghìn dòng họ đăng ký; Cộng đồng học tập có hơn 235 nghìn cộng đồng đăng ký; Đơn vị học tập có hơn 45 nghìn đơn vị đăng ký.

Theo GS Phạm Tất Dong, Hội Khuyến học các địa phương đã triển khai việc ký kết chương trình phối hợp với các sở, ban, ngành, các đoàn thể chính trị, các trường đại học, cao đẳng. Đến nay 63/63 tỉnh, thành có chương trình phối hợp đã được ký kết, trong đó tập trung phối hợp với các ngành giáo dục, các thành viên của Mặt trận Tổ quốc, lực lượng vũ trang, các Đảng ủy khối…Hội khuyến học các tỉnh miền núi phía Bắc, các tỉnh biên giới đã ký kết chương trình phối hợp với Bộ đội biên phòng…

Theo báo cáo của các địa phương, đến nay đã có 37 Hội Khuyến học ký kết với từ 1-5 cơ quan, tổ chức, đơn vị; 26 Hội Khuyến học ký kết từ 6 cơ quan, tổ chức; có nơi như Phú Thọ đã ký kết với 20 cơ quan ban, ngành, các trường đại học, cao đẳng.

Các địa phương phối hợp và hỗ trợ của ngành giáo dục đào tạo duy trì và đẩy mạnh hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng tiếp tục mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, nội dung tập trung về phổ biến tình hình thời sự, chính sách pháp luật, chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề, xóa mù chữ, tin học, chuyên đề nâng cao chất lượng cuộc sống.

Từ cuối năm 2017, Trung ương Hội phối hợp với UNESCO và Tổng Cục giáo dục nghề nghiệp đưa vào Trung tâm học tập cộng đồng với 2 nội dung mới về bình đẳng giới và dạy nghề cho lao động nông thôn tại Trung tâm học tập cộng đồng. Nơi mở được nhiều lớp, thu hút được nhiều hội viên, đoàn viên, nhân dân tham gia như Thanh Hóa, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Sơn La, Hòa Bình, Ninh Thuận. Các Trung tâm học tập cộng đồng đã huy động được hàng chục tỷ đồng phục vụ cho hoạt động dạy và học.

Nghiên cứu đẩy mạnh công tác khuyến học theo định hướng Công nghiệp 4.0

GS.TS Phạm Tất Dong cho biết, thực hiện chủ trương xây dựng cả nước trở thành xã hội học tập, đáp ứng yêu cầu của Cách mạng công nghiệp 4.0, Trung ương Hội phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu các Bộ tiêu chí đánh giá mô hình học tập các cấp hành chính.

Để thống nhất các tiêu chí đánh giá đơn vị học tập, Hội Khuyến học Việt Nam đã chủ động tổ chức Hội thảo xây dựng dự thảo 3 bộ tiêu chí đánh giá “Đơn vị học tập”. Hiện nay, Trung ương Hội cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai hội thảo lấy ý kiến các địa phương về 3 bộ tiêu chí này.

Hội Khuyến học các địa phương tiếp tục nghiên cứu xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá mô hình “Thành phố học tập” và “Công dân học tập”. Hội Khuyến học thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục nghiên cứu, đề xuất mô hình tổng thể về thành phố học tập.

Hội Khuyến học tỉnh Phú Thọ hoàn thành đề tài khoa học “Xây dựng mô hình công dân học tập” đã được xếp loại xuất sắc và hoàn thiện dự thảo bộ tiêu chí đánh giá “Công dân học tập’.

Hội Khuyến học tỉnh Sơn La đang triển khai 2 đề tài về: Xây dựng xã hội học tập gắn với phát triển nông thôn mới; thực trạng và giải pháp việc tổ chức học tập của người lớn đối với đồng bào Mông ở tỉnh Sơn La.

Hội Khuyến học tỉnh Quảng Bình đang triển khai đề tài về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; Hội Khuyến học tỉnh Thanh Hóa đang triển khai thực hiện đề tài “Nghiên cứu, xây dựng các mô hình huyện, thị, thành phố học tập đến năm 2026”. Hội Khuyến học Hải Phòng đã tổ chức hội thảo khoa học “Xây dựng xã hội học tập theo hướng tiếp cận Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”…


Cách mạng số (4.0) mang lại cho Việt Nam nhiều cơ hội và thách thức

Cách mạng số (4.0) mang lại cho Việt Nam nhiều cơ hội và thách thức

GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam khẳng định: Cách mạng số (4.0) mang lại cho Việt Nam nhiều cơ hội và thách thức, để thích ứng phải phát triển kinh tế tri thức, nâng cao hiểu biết và kỹ năng toàn diện của đội ngũ lao động và toàn dân. Chỉ như vậy thì người lao động mới trở thành lao động tri thức, chúng ta mới có xã hội lao động tri thức, lúc đó sự khác biệt giữa chúng ta và các nước tiên tiến sẽ thu hẹp lại, và chúng ta cũng sẽ phát triển đất nước bằng vốn tri thức như họ.

Chính vì vậy, để làm giàu vốn tri thức chỉ có con đường học tập. Học ở mọi nơi, mọi lúc, bằng mọi hình thức: chính quy, không chính quy và phi chính quy. Người người học tập là cơ sở để xây dựng Việt Nam thành xã hội học tập, xã hội tri thức.

Hội Khuyến học Việt Nam được giao nhiệm vụ nòng cốt trong việc phối, kết hợp với các tổ chức để thực hiện Chỉ thị 11 này của Bộ Chính trị, đã chủ động thực hiện tốt nhiệm vụ của Chính phủ giao trong Quyết định 281/QĐ-TTg ngày 20/2/2014 của Thủ tướng Chính phủ về đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến 2020”.

Chủ tịch Doan cho rằng, đây là nền tảng quan trọng để xây dựng Việt Nam thành xã hội học tập. Những mô hình học tập này đã được Hội Khuyến học Việt Nam xây dựng tiêu chí đánh giá, được chính phủ công nhận và ra quyết định triển khai trên toàn quốc.

Việc làm thiết thực này phần nào đã tác động đến việc học tập nâng cao trình độ của đội ngũ. Tuy chưa đáp ứng yều cầu về năng lực và trình độ đội ngũ để tiếp thu những thành tựu của 4.0 nhưng đã tạo nên một không khí học tập tốt trong đội ngũ người lao động. Vấn đề là chúng ta cần thống nhất việc xây dựng “Đơn vị học tập” cả về quan điểm, cách làm và phương thức thực hiện trong toàn hệ thống chính trị vì có đơn vị học tập, công dân học tập mới có xã hội học tập.

“Đối với Hội Khuyến học Việt Nam, chúng ta đã và đang làm hết sức mình để cùng với Bộ giáo dục – đào tạo và các tổ chức thực hiện chiến lược giáo dục – đào tạo của Đảng, Nhà nước” – Chủ tịch Doan khẳng định.

Quỹ Khuyến học địa phương lên tới 2.808 tỷ đồng

Theo báo cáo của các địa phương, tính đến hết ngày 15/6/2018 quỹ khuyến học của Hội Khuyến học các cấp là: 2.808 tỷ đồng, bình quân 30.564 đồng/người dân.

Một số nơi có số tiền quỹ/dân số cao như Tuyên Quang, Phú Thọ, Hải Dương, Thái Nguyên, Thái Bình, Thanh Hóa, Ninh Thuận, Long An, Quảng Trị, Lào Cai, Nam Định, Bắc Ninh…

GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho biết, bằng nhiều hình thức khác nhau, Hội Khuyến học các cấp tiếp tục làm tốt công tác xã hội hóa và huy động nguồn lực của các lực lượng xã hội, các cá nhân, các doanh nghiệp, các nhà sư, kiều bào Việt Nam sinh sống, công tác ở nước ngoài, các con cháu trong dòng họ thành đạt…tham gia xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài.

Việc vận động nhân dân cùng các lực lượng xã hội đóng góp vào quỹ khuyến học, khuyến tài đã phát huy tác dụng ngày càng mạnh mẽ, động viên được hàng chục nghìn học sinh, sinh viên học giỏi, học sinh nghèo vươn lên trong học tập, góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, phong trào xây dựng gia đình học tập, cộng đồng học tập, phong trào nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh, đang được triển khai sâu rộng trong nhân dân.

Theo GS Dong, hầu hết các địa phương đã tổ chức việc trao học bổng cho các em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học giỏi cả bằng tiền và hiện vật như xe đạp, tủ sách, sách giáo khoa, máy tính… Nhiều địa phương đã vận động được các doanh nghiệp nước ngoài đóng trên địa bàn tỉnh ủng hộ nhiều suất học bổng có giá trị đến các em học sinh nghèo như Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Thừa Thiên – Huế, Thanh Hóa…

Không những trao học bổng cho các em học sinh, sinh viên mà một số Hội Khuyến học các địa phương, thành phố đã phối hợp với Liên đoàn lao động trao học bổng khuyến học, khuyến tài cho người lao động vượt khó, lao động tiêu biểu như Hội Khuyến học thành phố Hà Nội đã trao 100 suất học bổng cho học sinh và người lao động tiêu biểu (trị giá 100 triệu đồng).

Phát động phong trào “Áo ấm cuộc sống, hướng về biển đảo” và trao học bổng cho 55 cán bộ, chiến sỹ thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân. Hội Khuyến học thành phố Đà Nẵng trao giải thưởng “Học sinh Dân tộc Cơ Tu vượt khó hiếu học” cho hơn 20 em học sinh dân tộc Cơ Tu có hoàn cảnh khó khăn. Song việc động viên người lớn đi học vẫn chưa được triển khai mạnh trong nhiều tỉnh, thành phố.


Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi.

Vừa qua, một số địa phương như Lai Châu, Hà Giang, Lào Cai… bị lũ lụt gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Ban Thường vụ Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đã có Công văn số 149/CV-KHVN đến các tỉnh, thành hội vận động nhân dân các địa phương, hội viên khuyến học giúp đỡ nhân dân, học sinh vùng lũ lụt.

Đối với Quỹ Khuyến học Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm, Quỹ Khuyến học Việt Nam đã tiếp nhận trên 4,1 tỷ đồng từ các tổ chức, các cá nhân ủng hộ; với số tiền này Quỹ đã giành trên 3,2 tỷ đồng cấp học bổng tương đương với 5.150 suất cho các em học sinh nghèo vượt khó, thắp sáng niềm tin, tiếp sức em tới trường. Trong đó, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cùng với Quỹ Khuyến học Việt Nam đã trực tiếp trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó tại các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang.

Hồng Hạnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm