150 học sinh thi viết văn với chủ đề: "Lịch sử trong tôi là..."
(Dân trí) - Trước khi làm bài thi "Văn hay - chữ tốt", 150 học sinh THCS ở TPHCM được ban tổ chức đưa đến tham quan bảo tàng Lịch sử TPHCM.
Ngày 8/2, 150 học sinh THCS tại TPHCM dự hội thi Văn hay chữ tốt lần thứ 23 năm học 2022-2023 do Sở GD&ĐT TPHCM tổ chức.
Thông điệp của cuộc thi năm nay hướng đến là giữ gìn các giá trị truyền thống, các giá trị lịch sử trước sự biến đổi nhanh chóng của đời sống xã hội, công nghệ.
Hội thi gồm có 2 hoạt động là trải nghiệm và sáng tạo. Ở hoạt động trải nghiệm, học sinh được cho tham quan Bảo tàng Lịch sử TPHCM. Đây là phương cách giúp học sinh hiểu về lịch sử, nhìn nhận giá trị lịch sử theo góc nhìn riêng của tuổi trẻ. Từ đó các em có thể làm tốt đề thi ở phần hoạt động sáng tạo (viết).
Sau buổi trải nghiệm, học sinh lớp 8 - 9 nhận đề thi yêu cầu: "Nếu được chọn một sự kiện, đồ vật, hình ảnh về tuổi trẻ TPHCM hôm nay đặt vào bảo tàng, giúp thế hệ sau hiểu thêm về thế hệ trẻ ngày nay thì em sẽ chọn sự kiện, đồ vật hoặc hình ảnh nào. Vì sao em lại chọn như vậy?".
Câu thứ 2 trong đề đưa ra các dữ liệu:
Lịch sử trong tôi là những thời đại hào hùng với bao chiến công lừng lẫy đánh đuổi giặc ngoại xâm giành lại hòa bình cho quê hương đất nước.
Lịch sử trong tôi là dấu thời gian hằn in trên mái đình rêu phong, trên những hiện vật cổ xưa của nền văn minh, văn hóa Việt Nam.
Lịch sử trong tôi là phong tục, tập quán tự nghìn đời, thể hiện nếp sống, nếp nghĩ nhân hậu, ân tình, thủy chung của dân tộc.
Lịch sử trong tôi còn là,…
Từ những gợi ý trên và từ cảm xúc, suy nghĩ trong chuyến trải nghiệm sáng nay, em hãy viết bài văn với nhan đề "Lịch sử trong tôi là…".
Còn với học sinh lớp 6, lớp 7, đề viết về "Những hình ảnh ấn tượng trong tôi từ cảm xúc, suy nghĩ trong chuyến trải nghiệm bảo tàng".
Theo nhiều thí sinh, đề thi về vấn đề lịch sử nhưng rất mở, học sinh được đi tham quan bảo tàng trước khi viết, nên các em có thêm nhiều tư liệu lẫn cảm xúc. Ngoài ra, đề thi này theo các học sinh, đòi hỏi họ phải gắn việc học với thực tế, phải có trải nghiệm, có tư duy đánh giá...
Theo ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở GD&ĐT TPHCM), năm nay, hội thi vẫn hướng đến tạo môi trường học tập, giao lưu, vui chơi cho học sinh THCS say mê sáng tạo văn chương và yêu thích nghệ thuật viết chữ. Qua quá trình viết văn hay, rèn chữ đẹp, học sinh hình thành năng lực văn chương và những phẩm chất tốt đẹp.
Điểm mới đầu tiên của hội thi năm nay là tạo ra một sự kết nối ở nhiều phương diện như nối giữa trải nghiệm và sáng tạo, kết nối giữa các môn học lịch sử và ngữ văn, kết nối giữa người trẻ và quá khứ, kết nối giữa các thí sinh tham gia cuộc thi - thế hệ tương lai của đất nước,…
Điểm mới tiếp theo là góp phần khơi nguồn cảm hứng sáng tạo văn chương cho học sinh bằng cách tạo ra một không gian quan sát, suy ngẫm mới.
Khi thay đổi góc nhìn, không chỉ nhìn lịch sử qua những trang sách giáo khoa, qua những tài liệu in ấn mà còn nhìn lịch sử trong không gian trưng bày của bảo tàng, qua những hiện vật cổ xưa. Từ đây, học sinh sẽ hiểu hơn về chiều dài hàng ngàn năm lịch sử và văn hóa Việt Nam cũng như đặc trưng văn hóa vùng đất phương Nam để thổi hồn vào những trang văn bằng trải nghiệm của chính mình.
Ngoài việc giúp học sinh thêm yêu văn chương và nghệ thuật viết chữ, hoạt động này cũng giúp học sinh hiểu thêm và yêu thêm lịch sử của đất nước mình, dân tộc mình.