13 năm cắm bản gieo chữ cho học trò vùng cao

(Dân trí) - Suốt 13 năm qua, thầy Hồ Văn Vân (người dân tộc Pa Kô) đã không ngại khó ngại khổ, âm thầm cắm bản “gieo” con chữ ở nơi núi rừng heo hút. Niềm vui lớn nhất của thầy Vân là hàng ngày thấy các em cắp sách đến trường đầy đủ, say mê con chữ.

Thầy Vân hiện công tác tại điểm trường Tiểu học ở A Sâu, xã A Vao, huyện Đakrông, Quảng Trị. Qua lời giới thiệu của một giáo viên trường TH & THCS A Vao, chúng tôi phải mất gần 3 giờ đồng hồ, vượt hàng chục km đường rừng từ trung tâm xã để tìm đến điểm trường nơi thầy Vân đang dạy.

Thôn A Sâu là một trong những nơi xa nhất của xã A Vao. Địa hình đồi núi rất phức tạp khiến cho việc đến trường của các em gặp nhiều gian nan. Đã nhiều năm, tình trạng học sinh bỏ học diễn ra thường xuyên. Nhằm vận động con em đến lớp học chữ và không để các em đi xa rồi gặp nguy hiểm, trường đã vận động chính quyền và phụ huynh dựng một điểm trường lẻ để dạy chữ cho con em. Cũng từ đó, nhiều thầy, cô giáo, trong đó có thầy Vân đã xung phong lên bản, ngày ngày miệt mài đứng lớp truyền đạt kiến thức cho học trò.

Người giáo viên hết lòng với học trò vùng cao
Thầy Hồ Văn Vân đang đo chân cho học sinh trong một dự án tài trợ giày tại điểm trường thôn A Sâu.

Thầy Vân sinh ra trong một gia đình có 4 anh, chị em ở xã Tà Rụt, huyện Đakrông. Khi bước vào cấp 2, thầy được gia đình gửi lên huyện Hướng Hoá để tiện cho việc học tập. Nhưng sau này, do điều kiện gia đình khó khăn nên thầy Vân đã tạm ngừng việc học tập rồi trở về làm công tác văn hoá và công an viên ở xã Tà Rụt, nhường cho các em đi học.

Đến năm 1996, khi Nhà nước có chủ trương tuyển người địa phương đã học hết cấp 2 để đào tạo thành giáo viên, thầy Vân đã đăng ký vào học tại Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị. Sau 3 năm, thầy ra trường và trở về công tác tại Trường TH & THCS A Vao, xã A Vao, huyện Đakrông. Là một người con của dân bản nên thầy hiểu được khát khao con chữ của các thế hệ học trò. Không chút đắn đo, thầy Vân đã xung phong đến với các em ở những điểm trường xa nhất của xã A Vao. Điểm trường đầu tiên là Tân Đi 2, cách trung tâm gần 5 giờ đi bộ. Đường vào Tân Đi 2 hoàn toàn không có, các thầy phải men theo suối để đến với học sinh.

Không quản ngại khó khăn nên sau một năm luân chuyển đến điểm trường Tân Đi 2, do lưu luyến với những học trò ở thôn nghèo, thầy Vân tiếp tục xin ở lại đây thêm 4 năm nữa. Sau Tân Đi 2, thầy Vân lại xung phong đến các điểm trường ở thôn Ro Ró, Ba Lin và hiện tại là điểm trường Tiểu học thôn A Sâu. Các điểm trường này đều xa xôi cách trở, đường sá đi lại khó khăn. Thêm vào đó, mọi phương tiện dạy và học đều thiếu thốn, phòng học dựng bằng tranh tre, mưa gió lùa vào phòng học. Không đường, không điện, không nước, không phương tiện liên lạc, không có sự chăm sóc y tế… điểm trường này dường như hoàn toàn cách biệt với thế giới bên ngoài.

Thầy Vân và học trò tại điểm trường A Sâu.
Thầy Vân và học trò tại điểm trường A Sâu.

Bây giờ nhớ lại, thầy Vân cũng không thể hình dung hết được gian khổ mà các thầy, cô ở điểm trường lẻ đã trải qua. Thầy Vân kể: “Chúng tôi phải đi bộ, băng rừng lội suối, chia nhau gùi gạo, mắm muối để ăn trong những tháng ngày cắm bản. Gặp những ngày mưa gió, hết gạo ăn nhưng không ra được trung tâm thì phải xin bắp, sắn của bà con dân bản”.

Mãi đến năm 2011, điểm trường A Sâu mới có đường đi vào đến thôn, cách trung tâm xã 22 km. Tuy vậy, việc đi lại vẫn vô cùng gian khổ, đường đi một bên núi cao, bên vực sâu, dốc đá dựng đứng, mưa thì trơn lầy lội rất khó đi. Điều đặc biệt là dù không đi được xe máy do tâm lý sau một lần tai nạn, nhưng thầy Vân vẫn không xin chuyển về điểm trường gần hơn mà tình nguyện ở lại với học trò. Mỗi lần về điểm trường chính, thầy nhờ các thầy, cô trong trường chở về và chở lên. Khi có việc gấp trong gia đình, không nhờ được ai đưa về, thầy Vân phải thuê xe ngoài.

Nói về việc học ở đây, thầy Vân cho biết, điểm trường A Sâu có 36 học sinh tiểu học. Tại đây, đa phần phụ huynh ít quan tâm đến việc học của con em mà chỉ muốn con mình làm nương, làm rẫy. Năm học nào cũng vậy, các thầy ở đây phải mượn sách từ thư viện nhà trường, mua vở và dụng cụ học tập để phát cho các em. “Mình là người bản địa, nói được tiếng địa phương nên thuận lợi hơn trong việc dạy học. Có vấn đề gì các em không hiểu thì dùng tiếng địa phương để giải thích. Việc gặp gỡ phụ huynh để vận động các em đến lớp cũng trở nên dễ dàng hơn” - thầy Vân tâm sự.
 
Hơn 13 năm cắm bản, thầy Vân đã không quản ngại khó khăn để truyền đạt kiến thức cho các em qua từng con chữ.  Đến nay, nhiều học trò của thầy Vân tiếp tục theo học cao hơn ở trung tâm xã và huyện.

Trao đổi với chúng tôi, thầy Nguyễn Văn Vinh - Hiệu trưởng Trường TH&THCS A Vao chia sẻ: “Theo quy định thì hàng năm, nhà trường luân chuyển giáo viên giữa các điểm trường xa xôi. Việc thầy Vân tình nguyện ở lại cắm bản dạy chữ cho các em rất đáng hoan nghênh. Qua 13 năm cắm bản, thầy Vân đã tạo cho các em môi trường học thân thiện, say mê con chữ và hạn chế được tình trạng học sinh bỏ học”.

Những ngày này, thầy và trò đang rất tích cực, đẩy nhanh tiến độ dạy, học để chuẩn bị kết thúc học kỳ. Trong cái se lạnh của mùa đông, không khí học tập vẫn diễn ra hết sức nghiêm túc. Tuy nhiên, điều khiến thầy Vân trăn trở đó là điểm trường A Sâu vẫn chưa được kiên cố hóa, lớp học bằng gỗ dựng đã lâu nên mối mọt, ảnh hưởng đến việc dạy và học mỗi mùa mưa bão. Mong muốn của thầy Vân và học sinh nơi đây là có một mái trường kiên cố để an tâm dạy và học.

Đăng Đức - Hoàng Hà

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm