10 tố chất giúp học sinh dễ thành công trong tương lai
(Dân trí) - Theo tổ chức Tú tài quốc tế IBO, một học sinh sẽ dễ dàng vượt qua thử thách và thành công trong tương lai nếu từ nhỏ được rèn luyện mười tố chất của một công dân ưu tú toàn cầu.
Sau đây là những tố chất làm nên một công dân ưu tú toàn cầu theo tổ chức IBO:
Inquirer - ham học hỏi: Học sinh biết chủ động hỏi, phát triển tính tò mò tự nhiên, và có được các kỹ năng cần thiết để tìm hiểu, nghiên cứu và thể hiện sự độc lập trong học tập. Từ đó, niềm đam mê yêu thích việc học, tư duy tích cực sẽ được duy trì suốt cuộc đời của học sinh.
Knowledgeable - hiểu biết: Học sinh có khả năng khám phá các khái niệm, ý tưởng và các vấn đề ở tại nơi mình sống và trên toàn thế giới. Bằng cách đó, học sinh có được kiến thức chuyên sâu và phát triển sự hiểu biết trong các lĩnh vực khác nhau.
Thinker - biết đào sâu suy nghĩ: Học sinh chủ động áp dụng các kỹ năng tư duy phản biện và sáng tạo để nhìn nhận và tiếp cận các vấn đề phức tạp, đồng thời đưa ra các quyết định hợp lý và có đạo đức.
Communicator - giỏi giao tiếp: Học sinh có thể hiểu và diễn đạt ý tưởng một cách tự tin, sáng tạo bằng nhiều ngôn ngữ và hình thức giao tiếp khác nhau. Các em làm việc hiệu quả và sẵn sàng cộng tác với người khác.
Principled - có nguyên tắc: Học sinh phát triển tính chính trực và trung thực, với ý thức mạnh mẽ về công bằng, công lý và tôn trọng phẩm giá của cá nhân, của nhóm và cộng đồng. Các em cũng tự chịu trách nhiệm về hành động của mình và hậu quả đi kèm.
Open-minded - cởi mở: Học sinh hiểu và đánh giá cao nền văn hóa và lịch sử dân tộc mình cũng như các dân tộc khác.
Caring - biết quan tâm: Học sinh thể hiện sự đồng cảm, lòng trắc ẩn, biết tôn trọng nhu cầu và cảm xúc của người khác.
Risk-takers - dám mạo hiểm: Học sinh tiếp cận những tình huống mới xảy ra với lòng can đảm và sự chuẩn bị trước, đồng thời có tinh thần độc lập để khám phá những vai trò, ý tưởng và chiến lược mới, đồng thời biết cách bảo vệ niềm tin của mình.
Balanced - cân bằng: Học sinh hiểu tầm quan trọng của sự cân bằng trí tuệ, thể chất, cảm xúc để đạt được hạnh phúc cá nhân cho bản thân và những người khác.
Reflective - biết suy ngẫm: Học sinh có thể đánh giá và hiểu được điểm mạnh, hạn chế của mình để phát triển việc học tập và phát triển cá nhân.
Phát triển tố chất cho học sinh như thế nào?
Tại các trường quốc tế giảng dạy chương trình Tú tài quốc tế, mười tố chất kể trên được hình thành và phát triển thông qua chương trình học và phương pháp giảng dạy của nhà trường.
Theo cô Tiffany Proctor, Phó Hiệu trưởng Trường quốc tế Saigon Pearl (ISSP), chương trình giảng dạy của trường và kinh nghiệm của đội ngũ giáo viên là hai yếu tố rất quan trọng để giúp học sinh phát triển toàn diện mười tố chất cần thiết để thành công trong học tập và cuộc sống.
"Tại Trường quốc tế Saigon Pearl, xuyên suốt quá trình học, cách học theo kiểu truy vấn, học dựa trên khái niệm và tích hợp đa dạng nhiều chủ đề trong cùng một môn học giúp học sinh dễ dàng nhận ra mối liên hệ giữa các khái niệm khác nhau, và biết cách liên hệ những gì học được với thế giới xung quanh. Từ đó, học sinh có thể tự mình đưa ra quyết định đúng đắn và cần thiết để phát triển vượt trội."
"Nhà trường cũng đề cao việc giảng dạy cá nhân hóa để phù hợp với nhu cầu học tập của từng học sinh, cho phép các em làm chủ lớp học và được đánh giá xuyên suốt quá trình học tập." - cô Tiffany chia sẻ.
Các hoạt động ngoại khóa tại trường cũng góp phần không nhỏ trong việc định hình tố chất của học sinh. Chẳng hạn, Trường quốc tế Saigon Pearl tổ chức thường niên Đêm từ thiện Bingo Night nhằm quyên góp tiền cho các tổ chức từ thiện giúp đỡ trẻ em đường phố. Hoạt động này nhằm nâng cao lòng trắc ẩn và sự đồng cảm cho các em học sinh với cộng đồng và xã hội. Ngoài ra, các em học sinh lớp 3, lớp 4 và lớp 5 được tham gia dự án trồng lúa và thu hoạch lúa ở Tà Lài, Đồng Nai thông qua chương trình Giáo dục ngoài trời của trường để hiểu về tầm quan trọng và giá trị của hạt gạo từ cánh đồng đến bàn ăn. Đây là hoạt động giúp các em khám phá khả năng tiềm ẩn của mình, cũng như để tôi luyện những kỹ năng mềm cần có trong cuộc sống.
Ngoài việc được rèn luyện tại trường, một điều không kém phần quan trọng là phương pháp giáo dục phù hợp của phụ huynh tại nhà để giúp con phát triển các tố chất cần thiết thông qua các hoạt động trải nghiệm, hoạt động ngoại khóa hoặc các bài học đơn giản trong cuộc sống.
Chương trình Tú tài quốc tế - International Baccalaureate (IB) gồm bốn chương trình: Primary Years Programme (PYP): Dành cho học sinh từ 3-12 tuổi; Middle Years Programme (MYP): 11-16 tuổi; Diploma Programme (DP): 16-19 tuổi và Career Related Programme (CP): 16-19 tuổi.
Trong đó, chương trình IB PYP (Tú tài quốc tế bậc Tiểu học) được đánh giá là bước đệm quan trọng nhất, góp phần vào sự thành công cho cả quá trình học tập của trẻ.
Trường quốc tế Saigon Pearl (ISSP), trực thuộc tập đoàn giáo dục toàn cầu của Anh, Cognita, hiện là trường ứng viên giảng dạy chương trình IB PYP. Trường đang ứng dụng khung chương trình IB, kết hợp với tiêu chuẩn Hoa Kỳ vào chương trình giảng dạy nhằm đảm bảo trẻ mầm non và tiểu học tại trường có thể phát triển mười tố chất cần thiết để thành công trong học tập và cuộc sống.