1 mét 50 và nghề giáo

(Dân trí) - Chiều cao của cô chưa với tới 1,48m, hơn 15 năm theo nghề giáo với nhiều thách thức, rào cản nhưng cô chưa bao giờ hối hận với lựa chọn của mình. Và cô cũng chưa bao giờ thấy khó khăn nào của nghề cần phải khắc phục bằng chiều cao.

Đó là tâm tư của cô Lê Lan Anh, giáo viên Văn ở TPHCM trước thông tin ngôi trường cô theo học - Trường ĐH Sư phạm TPHCM ra tiêu chí, sinh viên Sư phạm phải cao từ 1,5m trở lên.
 
Theo công bố chỉ tiêu, tổ hợp xét tuyển dự kiến từng ngành trong năm 2019 của ĐH Sư phạm TPHCM vừa công bố trường quy định điều kiện xét tuyển tối thiểu về chiều cao với các ngành đào tạo giáo viên (GV) đối với nam phải cao từ 1,55 m trở lên và nữ cao từ 1,5 m trở lên.
 
Xét về hình thế, đúng là cô Lan Anh cũng ước giá mình cao thêm một chút để dễ nhìn, để mặc đồ đẹp hơn chứ chưa bao giờ gắn chiều cao với việc để đáp ứng yêu cầu công việc của một cô giáo dạy Văn. 
 
DSCN0055.JPG

Trường ĐH Sư phạm TPHCM đưa ra tiêu chí giáo viên phải cao từ 1,5m. (Ảnh minh họa)

 
Nghề giáo có những áp lực đặc thù như lương bổng; chịu nhiều lớp quản lý, ràng buộc; tương tác với đối tượng nhạy cảm là trẻ nhỏ, thanh thiếu niên; đối mặt với các yêu cầu, kỳ vọng từ xã hội, phụ huynh... 15 năm theo nghề với đủ thăng trầm nhưng cô Lan Anh chưa từng gặp cản trở gì vì chiều cao chưa đến 1,48m của mình và cũng không thấy khó khăn nào của nghề cần được khắc phục bằng chiều cao. 
 
"Hai tiêu chí quan trọng của người thầy là tri thức và đạo đức chứ không phải là cao hay lùn. Cao đẹp thì cũng thích nhưng khi đặt ra cần phải phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi của công việc", cô Anh bày tỏ và cho rằng nếu theo tiêu chí này thì cô không thể theo nghề. Nếu vậy, cô phải từ bỏ nghề nghiệp vừa là truyền thống của gia đình, vừa là đam mê của cô còn ngành Sư phạm mất đi một GV mà cô tự tin để nói rằng là tâm huyết. 
 
Trước thông tin Trường ĐH Sư phạm TPHCM quy định định điều kiện xét tuyển đào tạo GV phải từ 1,5m trở lên, một nhà giáo thâm niên ở TPHCM bày tỏ, cô cũng có nghe về tính pháp lý là điều kiện không sai trái với quy định pháp luật, hướng đến tiêu chuẩn hình thể, thể chất người học trong những năm về sau mà GV là hình ảnh mẫu mực
 
Tuy nhiên, từng là GV và hiện làm công tác quản lý ở trường học, cô hy vọng nhà trường sẽ xem xét thấu đáo về kiện kiện mới mẻ này. Nhiều đồng nghiệp, em út có năng lực, tâm huyết của cô nói đùa với nhau rằng suýt "chết hụt" may không rơi vào thời điểm có tiêu chí chiều cao. Còn không, họ đã đánh mất đi ước mơ học ở ngôi trường mong muốn để theo đuổi nghề nghiệp này. 
 
Theo cô, trường Sư phạm nghĩ ra tiêu chí có thể muốn tốt về “hình ảnh đẹp” của người thầy, người cô đứng trên bục giảng. Bản thân cũng thích nhìn GV dáng cao ráo, mơ ước thầy cô mình sẽ được như vậy. 
 
Thế nhưng, với thực tế như hiện nay, theo cô có rất nhiều chính sách, nhiều vấn đề trong giáo dục cần được quan tâm thật sự: về chương trình mới của những năm sắp tới, về những thay đổi lớn trong tổ chức dạy học và đánh giá kết quả học sinh và cô cũng nghĩ nhiều hơn về chất lượng của đội ngũ.
 
Cô nói lên mong đợi của mình về một chính sách tài chính tiền lương căn cơ hơn, tốt hơn, có tầm nhìn cho giáo dục hơn, của nhà nước sẽ được thực hiện 2-5 năm tới. Ngắn hạn hơn là 1-2 năm tới, có một chính sách và đề án đào tạo đội ngũ GV hiện nay.
 
Cô nhấn mạnh, chúng ta đang có một đội ngũ GV được đào tạo từ nhiều năm, một nguồn tài nguyên tốt; giờ làm sao để kích những giá trị tích cực và năng lượng của đội ngũ này, phải là một phần rất quan trọng trong đề án đổi mới.
 
Đối với tuyển sinh để đào tạo GV, theo cô cần nhìn vào sự dịch chuyển của chính sách và đội ngũ GV hiện tại, rồi từ đó có thể đưa thêm các tiêu chí, cả chiều cao cân nặng hình thể và kết quả THPT... 
 
KG.jpg

Nhiều năm qua, ngành Sư phạm đang mất đi sức hấp dẫn với các bạn trẻ. (Ảnh minh họa)

 

Là một người quan tâm đến lĩnh vực giáo dục, chị Nguyễn Thị Mai, ở Tân Bình, TPHCM cho hay việc đưa tiêu chí chiều cao từ 1,5m trong đào tạo GV là không cần thiết, trừ việc áp dụng cho GV Thể chất. 
 
Còn nhìn chung, GV cần các tiêu chuẩn về năng lực, kỹ năng sư phạm, yêu nghề, đạo đức... Và liệu có nghiên cứu nào chứng minh là người thấp thì không giỏi, không thông minh, không yêu nghề, không đáp ứng được tiêu chí của một GV không? Nhất là trong điều kiện thể lực của người Việt dù đã được cải thiện nhưng rất chậm và không đồng đều ở các tỉnh thành. 
 
"Đọc tiêu chí này, tôi liên tưởng đến việc từng có đề xuất người ngực lép không được lái xe. Tiêu chí không đưa ra không liên quan gì đến yêu cầu thực tế", chị Mai ví von. 
 
Theo chị Mai, nghề giáo nhiều năm gần đây đã rất khó thu hút nhân lực, tình trạng chảy máu chất xám khỏi ngành Giáo dục là vấn đề nhức nhối thì điều kiện "1 mét 50" thêm một bước "đẩy" những người tâm huyết, người giỏi ra khỏi nghề. 
 
Nói về về tiêu chí 1,5m, Luật sư Nguyễn Kiều Hưng cho rằng đây là tiêu chí, quy định thiếu hiểu biết. "Lùn" không bị luật cấm trong chuẩn GV. Thông tư 20/2018/TT-BGDĐT ban hành Quy định chuẩn nghề nghiệp GV thì các tiêu chí để đánh giá GV không có tiêu chí về cao - lùn.
 
"Bục giảng cần những thầy cô tỏa sáng về trí tuệ, nhân cách, chứ không cần những hình nộm, đẹp bề ngoài mà phía trong rỗng tuếch, có chiều cao mà thấp trí tuệ", ông Hưng nói. 
 
Hoài Nam 
 
 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm