Xúc động bức thư thầy hiệu trưởng gửi học sinh không đoạt giải cấp tỉnh

(Dân trí) - “Điểm số một bài thi học sinh giỏi không nói lên tất cả, đón nhận thành công rất dễ, dũng cảm vượt qua những thất bại mới thực sự thành công, đó là điều thầy cô và người mẹ mong muốn em có được”!

Trên đây là trích đoạn bức thư của thầy Lê Thành Tuyên, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện Hàm Yên, Tuyên Quang, gửi học sinh L.V.A, lớp 9A khi em này không đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh vào ngày 22/6 vừa qua.

Thư có đoạn viết: “Thầy cô giáo nhà trường biết em rất buồn vì đã nỗ lực mà kết quả không như mong muốn. Nhưng không sao, đó là cảm xúc rất bình thường của mỗi người chúng ta.

Thầy cô và gia đình em tin rằng: Em sinh ra để làm nhiều điều lớn lao hơn thế. Điểm số một bài thi học sinh giỏi không nói lên tất cả.

V.A à, đón nhận thành công thì rất dễ, dũng cảm vượt qua được những thất bại mới thực sự thành công em ạ, đó mới là điều thầy cô và người mẹ yêu quý mong muốn em có được.

Thầy đã rất khâm phục em, một cô bé học trò đầy nghị lực đã vượt qua những hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn tình cảm của người cha trong cuộc sống gia đình để vươn lên học tập rèn luyện tốt”.

Xúc động bức thư thầy hiệu trưởng gửi học sinh không đoạt giải cấp tỉnh - 1

Bức thư thầy hiệu trưởng gửi động viên học sinh sau khi em không đoạt giải cấp tỉnh. 

Cuối bức thư, hiệu trưởng nhà trường cũng không quên động viên cô học trò nhỏ mà mình từng xem như con gái: “Cuộc đời còn dài ở phía trước, những năm tháng tuổi thơ rồi sẽ qua đi.

Thầy mong em luôn dũng cảm, nghị lực vượt qua những khó khăn trong học tập và trong cuộc sống sau này để luôn là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho người mẹ hết mực yêu thương em, là chỗ dựa vững chắc cho người em trai bé bỏng của em nữa”.

Chia sẻ với PV Dân trí sáng 29/6, Hiệu trưởng Lê Thành Tuyên cho hay, em L.V.A người dân tộc Dao, là học sinh duy nhất trong 8 em đi thi học sinh giỏi cấp tỉnh năm nay không đoạt giải.

Em có hoàn cảnh gia đình khá đặc biệt. Bố bỏ đi khi em còn bé. L.V.A và em trai sống cùng với cậu để mẹ đi làm thuê xa nhà.

Mặc dù vậy, em vẫn rất cố gắng học tập và ước mơ khi hết lớp 9 sẽ được vào Trường Phổ thông vùng cao Việt Bắc.

“Năm ngoái, em đoạt giải khuyến khích cấp huyện môn Ngữ Văn và được lựa chọn tham gia giải cấp tỉnh năm nay.

L.V.A là học sinh giỏi toàn diện của lớp 9A, đồng thời là cán bộ cờ đỏ gương mẫu của lớp.

Trong kì thi cấp tỉnh lần này, điểm số của em khá cao nhưng rất tiếc, thiếu một điểm nữa em chạm đến giải thưởng.

Khi biết mình không đoạt giải, em đã khóc. Vì thế, tôi đã viết thư động viên em, với mong muốn lời chia sẻ chân thành từ thầy cô có thể giúp em đỡ buồn và biết đâu có thể thay đổi cuộc đời em sau này”, thầy Tuyên cho hay.

Xúc động bức thư thầy hiệu trưởng gửi học sinh không đoạt giải cấp tỉnh - 2

L.V.A nhận thư và hoa chúc mừng của lãnh đạo nhà trường sau khi kết thúc cuộc thi. 

Cũng theo hiệu trưởng nhà trường, do đặc điểm học sinh dân tộc nội trú, các em ở trường nhiều hơn ở nhà. Do đó, thầy cũng như Ban giám hiệu dành thời gian một ngày trong tuần để trò chuyện, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của học sinh. 

Riêng với L.V.A, em đã học ở đây 4 năm nên nhiều thầy cô rất chia sẻ và gần gũi em ấy. 

Ngoài ra, nhà trường cũng có hòm thư để học sinh bỏ thư góp ý về những điều được hay chưa được trong nhà trường. 

Sau khi bức thư được xuất hiện trên mạng Internet, nhiều lời động viên, chia sẻ đã gửi đến thầy trò của nhà trường, đặc biệt là học sinh L.V.A.

Một độc giả viết trên trang cá nhân: “Mình đọc bức thư mà cay sống mũi. Bởi lớp 12, mình cũng đã từng thi rớt kì thi học sinh giỏi quan trọng của cuộc đời, mình đã từng khóc rất nhiều, thậm chí từng mang mặc cảm tội lỗi.

Mình đã vượt qua quãng thời gian ấy để "đứng dậy" trong kì thi Đại học bằng cách nào? Mình cũng không nhớ nữa...

Mình chỉ nhớ lời động viên quý giá lúc ấy, ngoại trừ ba mẹ, lại đến từ một người chị học trên mình một khóa và cũng từng thi rớt học sinh giỏi.

Chị bảo mình "rồi em sẽ thấy may mắn vì em thi rớt kì thi này". Quả thật vậy, mình biết ơn thất bại 20 năm trước đã góp phần cho mình trở nên như hôm nay.
Với tâm lý của đứa trẻ đón nhận thất bại, những lời động viên, sự thấu hiểu của người thân, thầy cô luôn là một nguồn động lực tinh thần lớn.

Mình mong có nhiều thật nhiều những bức thư như thế này, mong có thật nhiều những người thầy cô không bỏ quên những đứa trẻ thất bại sau một kì thi như thế này”, độc giả này viết.

Mỹ Hà