Vì sao trẻ học tiếng Anh chưa hiệu quả?

(Dân trí) - Tại hội thảo “Dạy và học tiếng Anh tiểu học trong chương trình giáo dục phổ thông mới” vừa được tổ chức tại Hà Nội, một số chuyên gia thừa nhận, phương pháp dạy/học tiếng Anh phổ thông hiện còn lạc hậu, phần đa chạy theo ngữ pháp và điểm số.

Một trong các khuyến nghị được đưa ra tại hội thảo để trẻ học tốt môn tiếng Anh: Ngoài nghe, nói, các em cần được dạy khả năng giao tiếp thông qua ngôn ngữ.

Phương pháp dạy lỗi thời

Nhận xét về phương pháp dạy/học tiếng Anh hiện nay ở các trường phổ thông và khả năng học sinh của chúng ta có thể học tốt tiếng Anh được không, TS Trần Hương Quỳnh, khoa Tiếng Anh (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cho biết, cách dạy cũ kiểu dịch Anh/Việt hiện nay không còn phù hợp.

Học sinh phải tiếp cận từ những thứ có ích trong cuộc sống và từ giao tiếp chứ không phải tiếp cận từ vỏ bên ngoài là ngữ pháp.

“Hiện chương trình tiếng Anh phổ thông mới đang đi rất đúng hướng. Đặc biệt, khi triển khai cần hỗ trợ từ nhiều bên như: giảng viên, chuyên gia…, để cùng nhau phát triển bởi từ trước đến nay, đội ngũ giáo viên chưa cùng đi sâu vào sự phát triển bộ môn này ở cấp tiểu học”, TS Quỳnh cho hay.

anh hoc tieng Anh2.jpeg

Học sinh cần được dạy có hệ thống theo phương pháp communication /giao tiếp từ các lớp tiểu học. (Ảnh: Minh họa)

Cũng theo chuyên gia này, để nâng cao chất lượng của môn học, phụ huynh có thể tạo được môi trường và giúp con nâng cao năng lực ngôn ngữ nhưng không giao phó hết cho nhà trường.

Phụ huynh có thể có các hoạt động đồng hành cùng các bài học của con trên lớp, những điều này, có thể với người không giỏi tiếng Anh cũng làm được.

Hiện đang sinh sống tại Mỹ, xung quanh môi trường đa ngôn ngữ, bà Đinh Thu Hồng, Thạc sĩ Giáo dục, chuyên ngành Dạy tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai (ESL - English as Second Language), đồng thời là giáo viên tiểu học tại Georgia (Mỹ) cho hay, phương pháp dịch - ngữ pháp (grammar translation method) hiện nay đã quá cũ.

Do đó, học sinh cần được dạy có hệ thống theo phương pháp communication/giao tiếp từ các lớp tiểu học.

“Sẽ còn một chặng đường khá xa để Việt Nam có thể biến tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai vì điều kiện văn hoá xã hội.

Việc dạy tiếng Anh trong nhà trường chủ yếu đáp ứng mục tiêu học thuật, thi cử; trong khi bối cảnh và điều kiện xã hội không hỗ trợ việc sử dụng tiếng Anh trong đời sống hàng ngày như hiện nay”, Thạc sĩ Hồng cho hay.

Thay đổi quan điểm dạy/học

Tuy nhiên, theo Thạc sĩ Đinh Thu Hồng, là chặng đường khá xa nhưng điều đó không có nghĩa là không làm được bởi theo chuyên gia này, học sinh Việt Nam rất có tiềm năng để học tốt tiếng Anh.

Chia sẻ về câu hỏi: “Có ý kiến cho rằng, một trong những điểm khó khăn khi trẻ học tiếng Anh là do phần lớn giáo trình ở nước ngoài. Trong khi đặc trưng của ngôn ngữ người Việt có thanh sắc?”, bà Hồng cho rằng, không nên e ngại bởi chúng ta cùng hệ ngôn ngữ La tinh.

Đặc biệt, người Việt vốn cũng rất cần cù, chịu khó và phụ huynh luôn lo lắng cho con cái, đấy là điểm mạnh để giúp trẻ học tốt ngoại ngữ.

Tuy nhiên, để việc học tập hiệu quả hơn, theo nhiều chuyên gia, cần thay đổi nhận thức và cách tiếp cận phương pháp dạy học, không quá nóng vội.

Cũng theo phân tích của Thạc sĩ Đinh Thu Hồng, lâu nay người Việt vẫn theo phương pháp dịch - ngữ pháp. Do đó, cần dạy có hệ thống theo phương pháp communication - tức giao tiếp từ các lớp tiểu học để nâng cao năng lực học tiếng Anh cho mỗi trẻ em.

anh hoc tieng Anh.JPG

Học sinh tiếp cận tiếng Anh từ cuộc sống chứ không phải từ lớp vỏ bên ngoài là ngữ pháp (Ảnh: Minh họa)

Đặc biệt, chuyên gia này cho rằng, cần chuẩn hóa đội ngũ giáo viên bằng cách tăng cường tập huấn, đào tạo nghiệp vụ. Điều này thực sự quan trọng vì yếu tố con người có thể thay đổi hiệu quả học tập của học sinh. Có giáo trình hay mà không có người giỏi, việc truyền đạt cũng vô ích.

Ngoài ra, theo Thạc sĩ Hồng, việc chuẩn hóa giáo viên còn giúp xoá bỏ khoảng cách khác biệt lớn giữa các vùng miền của Việt Nam. Cần đặt chuẩn đầu ra một cách minh bạch, cho cả giáo viên và học sinh.

Cũng trên quan điểm này, cô Hương Quỳnh cho hay, cần thay đổi phương pháp dạy tiếp cận theo hướng giao tiếp và phải có ích trong cuộc sống: “Các bạn nhỏ tiếp cận từ cuộc sống chứ không phải từ lớp vỏ bên ngoài là ngữ pháp”.

6 khuyến nghị đối với giáo viên trong việc dạy tiếng Anh ở tiểu học

- Giáo viên vận dụng các hoạt động học vui và có tính tương tác ca

- Tạo nhiều loại hình hoạt động để học sinh tham gia

- Hiệu chỉnh hoạt động học tập hướng đến cá thể hóa việc học tập

- Thiết kế các hoạt động học tập có ý nghĩa, gần gũi với đời sống của học sinh.

- Giúp học sinh khám phá thế giới, cuộc sống và văn hóa

- Vận dụng các phương pháp và kĩ thuật dạy học, giúp học sinh thành công. 

TS Trần Hương Quỳnh, Khoa Tiếng Anh (Trường ĐH SP Hà Nội)

Trao đổi với chúng tôi, Thạc sĩ Giáo dục Phạm Thị Cúc Hà, Giám đốc Hệ thống giáo dục Just Kids, Phó Chủ tịch HĐQT Trường Hanoi Adelaide School cho hay, trẻ hoàn toàn có thể học tốt tiếng Anh chỉ cần thay đổi quan điểm học.

Theo đó, tuỳ vào điều kiện học sinh vẫn có thể đi học trung tâm để rèn về tiếng Anh nhưng nên đọc thêm, nghe thêm thông tin trên tivi, internet và quan trọng là phải tập trung vào việc mình sẽ nói cái gì thay thì học thuộc- tức là nên tập trung vào việc sử dụng ngôn ngữ để nói điều mình muốn nói hơn là học thuộc, mới có thói quen sử dụng ngôn ngữ vào đúng mục đích. Điều này khiến tiếng Anh trở thành ngôn ngữ "sống", chứ không phải ngôn ngữ "chết".

Mỹ Hà

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm