Giáo sư Trương Nguyện Thành: “Đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2, chiến lược cần có trước”
(Dân trí) - GS. Trương Nguyện Thành (Trường Đại học Utah, Mỹ) hoàn toàn ủng hộ việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai và ông cho rằng, chính sách là tầm nhìn dài hạn còn khó khăn trong việc triển khai chắc chắn có, nhưng chỉ là những thử thách trước mắt. Chiến lược cần có trước.
Mới đây, trong Diễn đàn thanh niên khởi nghiệp 2018, Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh đề nghị Thủ tướng cần sớm công nhận tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 tại Việt Nam. Đề xuất này đang thu hút nhiều sự quan tâm, bàn cãi trái chiều về lợi - hại, tính khả thi.
Dưới đây là quan điểm của GS. Trương Nguyện Thành, một trong những nhà khoa học Việt triển vọng tại Mỹ, được cấp bằng giáo sư cao cấp. Từ 1992 đến nay, GS. Trương Nguyện Thành có khoảng 200 bài báo được in trên các tạp chí khoa học quốc tế.
Xin trân trọng giới thiệu bài viết của GS. Trương Nguyện Thành:
Tiếng Anh - chìa khóa mở cửa thế giới
Tôi ủng hộ đề xuất của Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng về việc tiếng Anh nên là ngôn ngữ thứ hai chính.
Trước hết, bởi vì tầm quan trọng của tiếng Anh trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa - xu hướng tất yếu của thế giới.
Tiếng Anh đang là ngôn ngữ chính của 53 quốc gia với hơn 400 triệu người dùng là ngôn ngữ chính. Hiện hơn 1,6 tỷ người dùng tiếng Anh là ngôn ngữ hai. Tiếng Anh hầu như là cần thiết để chúng ta trở thành công dân toàn cầu.
Hầu như tất cả mọi giao dịch và trao đổi kinh doanh xuyên quốc gia đều dùng tiếng Anh. Nhiều công ty toàn cầu lớn như Airbus, Daimler-Chrysler, Fast Retailing, Nokia, Renault, Samsung, SAP, Technicolor, Microsoft… có quy định dùng tiếng Anh là ngôn ngữ chính của công ty.
Hay như trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, hầu như tất cả các hội nghị khoa học và tạp chí khoa học quốc tế đều sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ chính.
Ở mảng giáo dục và giải trí, số lượng phim, sách, nhạc bằng tiếng Anh lớn rất nhiều so với ngôn ngữ khác. Nếu biết tiếng Anh thì có thể tiếp cận thông tin nguồn trực tiếp mà không bị ảnh hưởng do thiếu sót của phiên dịch.
Trong thế giới phẳng, hơn một nửa thông tin trên mạng Internet là tiếng Anh.
Đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai: Đa phần là được chứ không mất!
Tôi xin nhấn mạnh, tiếng Anh có tầm quan trọng lớn cho phát triển kinh tế ở Việt Nam. Như Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu tiếng Anh sẽ giúp cộng đồng khởi nghiệp tiếp cận thị trường quốc tế cũng như các quỹ đầu tư ở nước ngoài.
Việt Nam là nước có tiềm năng phát triển gia công công nghệ cao do mức lương thu nhập trung bình thấp, tỷ lệ dân số trẻ cao và trình độ kỹ thuật tốt. Tuy nhiên, một yếu tố quan trọng khi các công ty đa quốc gia lớn quyết định xây dựng trung tâm dịch vụ hay gia công đó là khả năng sử dụng tiếng Anh của nhân viên. Do đó Philippines, nước có tiếng Anh là ngôn ngữ chính, đang có ưu thế cạnh tranh với Việt Nam trên thị trường này.
Thị trường lao động cấp trung và cao ở Việt Nam đòi hỏi trình độ tiếng Anh cao. Nhân lực Việt Nam chẳng những mất khả năng cạnh tranh ở thị trường lao động tự do trong khu vực Đông Nam Á mà còn mất cơ hội ở sân nhà, do trình độ tiếng Anh không đủ đáp ứng nhu cầu công việc.
Đúng như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước và toàn xã hội ta luôn quan tâm, đặt giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu để đưa quốc gia lên hùng cường. Xác định đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển. Giáo dục vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển kinh tế-xã hội bền vững lâu dài.
Ngày nay, thế giới đang thay đổi nhanh chóng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, với kỷ nguyên số, trong đó tri thức và sáng tạo là yếu tố cơ bản quyết định sức mạnh, khả năng cạnh tranh và vị thế của mỗi quốc gia. Trong bối cảnh đó, giáo dục và đào tạo lại càng phải được coi trọng.
Việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai có tầm ảnh hưởng quan trọng đến phát triển giáo dục ở Việt Nam.
Bởi lẽ, khả năng học tập suốt đời là một kỹ năng sống tất yếu và quan trọng trong kỹ nguyên của công dân trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0. Tự học là quy trình chủ đạo cho việc học suốt đời. Với kiến thức tiếng Anh, người học có thể tiếp cận vô số tài liệu hữu ích trên mạng.
Giáo viên có thể tiếp cận nhiều tài liệu giảng dạy bằng tiếng Anh trên các hệ thống Đào tạo trực tuyến - Massive Open Online Courses (MOOC) để nâng cao chất lượng giảng dạy. Đặt biệt là tài liệu về giáo dục các ngành STEM (Science - khoa học, Technology - công nghệ, Engineering - kỹ thuật và Maths - toán học) đang còn hạn chế về số lượng lẫn chất lượng ở Việt Nam.
Thêm nữa, khi học sinh-sinh viên có thể tiếp cận thông tin và tài liệu giáo dục trên mạng trực tiếp thì nó sẽ gây sức ép để nâng cao chất lượng giảng dạy từ giáo viên/ giảng viên của nước ta.
Vẫn có không ít băn khoăn về tính khả thi hay lộ trình của đề xuất đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai của Việt Nam. Tuy nhiên, tôi cho rằng, chính sách là tầm nhìn dài hạn còn khó khăn trong việc triển khai như số lượng giáo viên hay môi trường thực hành là những thử thách trước mắt thôi. Cần có chính sách, mục tiêu chiến lược trước từ đó mới có những phương án triển khai phù hợp.
Sinh năm 1961, GS. Trương Nguyện Thành tốt nghiệp trường Đại học North Dakota (Mỹ). Năm 1990, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ rồi học tiếp sau tiến sĩ ngành mô phỏng cơ cấu sinh lý.
Năm 1992, ông làm giáo sư chính thức giảng dạy môn Hóa lượng tử tại Đại học Utah.
Năm 1993, ông đoạt giải “Một trong những nhà khoa học trẻ tuổi có nhiều triển vọng của Mỹ”.
Năm 2002, ông được cấp bằng Giáo sư Cao cấp (cấp cao nhất trong 3 cấp Giáo sư ở Mỹ) khi mới 41 tuổi. Từ 1992 đến nay, GS. Trương Nguyện Thành đã có gần 200 bài báo được in trên các tạp chí khoa học quốc tế.
Hiện ông đang giảng dạy và nghiên cứu tại trường Đại học Utah (Mỹ).
GS. Trương Nguyện Thành
(Từ Đại học Utah, Mỹ)