Bạn đọc viết:

Vì đâu giáo viên chán khi làm đề tài Chiến sĩ thi đua?

(Dân trí) - Tiêu chí thi đua trong ngành Giáo dục hiện nay còn nhiều bất cập. Có những giáo viên đầu tư rất nhiều công sức vào đề tài mà cuối năm vẫn không được xét thi đua. Vì lí do này mà không ít giáo viên đăng kí Chiến sĩ thi đua cảm thấy chán khi làm đề tài.

Trừ những giáo viên làm đề tài vòng Tỉnh thì đầu tư kĩ. Số còn lại vòng Huyện thì chỉ làm qua loa chiếu lệ cho xong. Có người xin bạn bè ở huyện này, tỉnh kia sau đó chỉnh sửa số liệu. Thậm chí có người còn lên mạng download rồi thay tên đổi họ đem nộp cho xong.

Trong trường học, cán bộ, giáo viên, công nhân viên muốn đạt Chiến sĩ thi đua (CSTĐ) vòng Huyện, Tỉnh thì phải làm đề tài. Giáo viên có thể chọn sáng kiến kinh nghiệm hay đề tài nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng. Sáng kiến kinh nghiệm là những bài học kinh nghiệm được tích lũy trong cả quá trình dạy học của người giáo viên. Còn nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng là những suy nghĩ, thử nghiệm và kiểm chứng giữa hai nhóm thực nghiệm và nhóm đối chứng.

Tóm lại dù là đề tài hay sáng kiến kinh nghiệm thì mục đích cuối cùng vẫn là giúp bài học trở nên thú vị và cuốn hút hơn. Từ đó mà học sinh có hứng thú học tập với môn học hơn. Vậy mà những đề tài từ cấp huyện đến cấp Tỉnh dù xếp loại A cũng chẳng bao giờ được phổ biến và áp dụng. Đề tài sau khi chấm xong lại nằm trong tủ, chẳng có tác dụng gì.

Như vậy giáo viên muốn đạt CSTĐ cấp Huyện phải có đề tài đạt cấp Huyện. Giáo viên muốn đạt CSTĐ cấp Tỉnh phải có đề tài đạt cấp Tỉnh. Để hoàn chỉnh được một đề tài giáo viên phải bỏ ra rất nhiều công sức. Vậy nhưng bây giờ làm xong hoàn chỉnh một đề tài chưa chắc giáo viên được công nhận danh hiệu CSTĐ, nhất là CSTĐ cấp Huyện.

Nếu trước kia giáo viên đăng kí CSTĐ cấp Huyện đậu hai tiết hội giảng rồi tiếp tục làm đề tài đậu thì sẽ được công nhận là CSTĐ cấp cơ sở. Còn bây giờ Luật thi đua khen thưởng đã thay đổi rồi. Các danh hiệu thi đua còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Nào là trường phải đạt 100% bảo hiểm. Rồi trường muốn đạt Lao động xuất sắc thì phải có giáo viên đạt đề tài cấp Tỉnh. Như vậy nếu trường chỉ đạt Lao động tiến tiến thì chỉ tiêu CSTĐ còn lại là không quá 15% trên tổng số giáo viên của cả trường (mà hiệu trưởng, hiệu phó thì luôn đứng đầu). Số còn lại chỉ còn 1 đến 2 giáo viên. Thật là buồn biết bao. Bao công sức của giáo viên “bỏ sông bỏ biển” hết.

Chính vì những lí do trên mà giáo viên cảm thấy bất bình. Họ cố gắng đạt hai tiết hội giảng rồi đầu tư vào đề tài mà chưa chắc được xét tới. Có năm giáo viên đầu tư quá nhiều vào đề tài mà cuối năm vẫn không được xét nên họ rất buồn. Họ cho rằng nếu chỉ tiêu quá ít thì đừng bắt họ làm đề tài. Chỉ nên kêu những người nằm trong số chỉ tiêu xét thi đua thì viết, số còn lại có thể khỏi viết có phải hơn không. Bởi ai chẳng biết làm đề tài cực như thế nào. Nếu không được xét thì vừa tốn công, tốn của, tốn sức của giáo viên. Bên cạnh đó còn mất cả thời gian cho người chấm.

Là một giáo viên, tôi thiết nghĩ, việc làm đề tài ngoài tiêu chí đánh giá các danh hiệu thì mấu chốt chính vẫn là thúc đẩy giáo dục đi lên, làm sao để các em yêu thích học bộ môn hơn. Những kinh nghiệm trong quá trình giảng dạy của người giáo viên đã đúc kết thành một đề tài. Tuy nhiên, các trường cũng cần xiết chặt hơn trong khâu giao và chấm đề tài. Những đề tài hay có thể phổ biến trong ngành để cùng nhau áp dụng. Có như vậy thì việc làm đề tài mới còn ý nghĩa.

Trần Thị Loát

(Châu Thành, Tây Ninh)

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!