TƯ Hội Khuyến học gặp gỡ 6 tác giả đọat Giải thưởng Khuyến tài - Nhân tài đất Việt 2018

(Dân trí) - TƯ Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức gặp gỡ và vinh danh 6 tác giả có đề án xuất sắc ở hạng mục Khuyến tài đạt giải thưởng Nhân tài đất Việt năm 2018.

6 tấm gương khuyến tài tiêu biểu.

Tối ngày 20-11, Lễ trao giải "Nhân tài Đất Việt" 2018 đã tôn vinh 6 tác giả đoạt Giải thưởng Khuyến tài với 6 công trình xuất sắc. Cụ thể:

1. Đề án: Máy thái cỏ phục vụ chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tác giả: Nguyễn Như Lĩnh, xã Thụy Thanh, Thái Thụy, Thái Bình.

2. Đề án: Thiết bị cung cấp khí phụ. Tác giả: Nguyễn Văn Vĩnh, ấp 2, xã Bình Phong Trạch, huyện Mộc Hoá, tỉnh Long An.

3. Đề án: Robot nhặt hạt tự động. Tác giả: Phạm Văn Hát, thôn Kim Đôi, xã Ngọc Kỷ, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương

4. Đề án: Máy bơm vô ống. Tác giả: Đỗ Văn Trường, tổ 1, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, Ninh Bình

5. Đề án: Chế tạo, phát triển bếp đun cải tiến TK90. Tác giả: Lê Hồng, khu 11, thị trấn Thanh Ba, huyện Thanh Ba, Phú Thọ

6. Đề án của Nhà thơ, dịch giả Nguyễn Bích Lan, thôn Kiều Trai, xã Minh Tân, huyện Hưng Hà, Thái Bình.

Ra đời từ năm 2005, Giải thưởng Nhân tài đất Việt được Hội Khuyến học Việt Nam khởi xướng và do báo Dân trí cùng Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) đồng tổ chức. Qua 14 năm, giải thưởng không ngừng được mở rộng, phát hiện và tôn vinh tài năng ở các lĩnh vực: Công nghệ thông tin, Khoa học Công nghệ, Y dược, Môi trường và Khuyến tài.

Lãnh đạo Hội KHK và 6 tác giả đạt giải thưởng Khuyến tài – Nhân tài đất Việt 2018.
Lãnh đạo Hội KHK và 6 tác giả đạt giải thưởng Khuyến tài – Nhân tài đất Việt 2018.

Riêng đối với lĩnh vực Khuyến học, từ năm 2014 lần đầu tiên được Hội HKH đề xuất đưa hạng mục Khuyến tài (hay gọi là “tôn vinh các cá nhân tự học thành tài”) vào trong khuôn khổ giải thưởng Nhân tài đất Việt hàng năm. Đây là sân chơi dành cho các đối tượng người lao động tự học, tự nghiên cứu để sáng tạo ra các công trình khoa học giúp ích cho xã hội.

GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch TƯ Hội Khuyến học Việt Nam cho biết, sau 4 năm thực hiện tiếp nhận hồ sơ và thẩm định trực tiếp, Hội đã xét giải thưởng cho tổng số 11 đề án của các tác giả thuộc 8 tỉnh, thành Hội trên cả nước.

Năm nay, TƯ Hội Khuyến học Việt Nam (HKH) và chủ trương của Hội về vấn đề giáo dục thường xuyên, học tập suốt đời ở người lớn; TƯ Hội tiếp tục phát động, kêu gọi các nhà nghiên cứu tham gia hạng mục giải thưởng này.

Khâm phục tinh thần tự học thành tài.

Thay mặt Ban tổ chức, GS.TS Nguyễn Thị Doan cùng ông Phạm Tuấn Anh, Phó Tổng biên tập báo điện tử Dân trí đã tặng hoa chúc mừng 6 tác giả có đề án đạt giải Khuyến tài - Nhân tài đất Việt năm 2018. Được biết, mỗi tác giả được nhận 30 triệu đồng từ quỹ khuyến học TƯ HKH và 20 đồng từ báo điện tử Dân trí cùng giấy chứng nhận.

“Hội luôn trân trọng tinh thần học tập suốt đời ở người lớn; có những đồng chí chưa học hết cấp 2 nhưng vẫn trở thành gương sáng điển hình trong lao động nhờ việc tự học, tự nghiên cứu sáng chế ra các sản phẩm thông minh phục vụ đời sống lao động”, GS.TS Doan nhấn mạnh.

GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam trao thưởng cho các tác giả đạt giải năm nay.
GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam trao thưởng cho các tác giả đạt giải năm nay.

Điển hình như việc chế tạo Robot nhặt hạt tự động của tác giả Phạm Văn Hát (Hải Dương) nhờ vào kinh nghiệm đi xuất khẩu lao động cơ khí từ Israel trở về quê hương tự chế tạo ra máy gieo hạt từ những vật liệu tái sử dụng thay thế cho 40 nhân công trong một trang trại nuôi trồng rau củ; cứ thế được nhân rộng ra hàng trăm, hàng nghìn chiếc máy nhằm giảm sức lao động, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình và địa phương.

“Hay dịch giả Nguyễn Bích Lan (Thái Bình), mới chỉ học hết lớp 7 do bị mắc chứng bệnh teo cơ, nhưng Nguyễn Bích Lan vẫn quyết tâm không trở thành gánh nặng của gia đình bằng cách tự học tiếng Anh và kiến thức phổ thông. Từ đó, Lan trở thành ‘cô giáo’ dạy ngoại ngữ cho rất nhiều học sinh nghèo quanh nhà. Hơn thế nữa cô là dịch giả của hàng trăm cuốn sách nổi tiếng và được nhận giải thưởng văn học Việt Nam, như cuốn ‘Triệu phú khu ổ chuột’ là một ví dụ”, GS.TS Nguyễn Thị Doan cho biết thêm.

Chia sẻ về quá trình chấm xét các mô hình, GS.TS Doan cho biết, các tác giả đều có những đề án rất thiết thực, gắn liền với cuộc sống người dân như: chiếc máy bơm không ống phục vụ tưới và hút nước chống ngập úng đồng ruộng; bếp đun không khói cho bà con dân tộc vùng cao; thiết bị giảm khí thải khói bụi của xe gắn máy ra môi trường… Điều đặc biệt, các tác giả đều ở tuổi đời đã ngoài 50 – 60 tuổi; không được học hành qua trường lớp, bằng cấp; không tiếp xúc với công nghệ thế giới nhiều, nhưng vẫn sáng chế ra sản phẩm khiến cả xã hội phải ngả mũ thán phục.

Không ngừng học tập giúp dân, giúp đời.

Không giấu được cảm xúc khi nhận giải thưởng, ông Nguyễn Như Lĩnh (Thái Bình) chế tạo "máy thái cỏ phục vụ chăn nuôi gia súc, gia cầm" vui mừng chia sẻ, đạt được giải thưởng Nhân tài đất Việt năm nay là một điều chưa bao giờ tôi ngờ tới. Vốn dĩ tôi là một người nông dân hết mình vì đồng ruộng và luôn trăn trở làm sao giúp bà con lao động bớt vất vả nhưng vẫn tăng năng suất đều chứ không nghĩ mang đề án đi để thi giải.

Nhờ chính những phong trào tự học, tự nghiên cứu ở địa phương giúp tôi được hiểu biết và sáng tạo ra máy cắt cỏ tiết kiệm được hàng chục nhân lực và ngày công cho bà con nông dân. Chính vì đó, bản thân tôi vô cùng biết ơn Hội Khuyến học và báo Dân trí đã vinh danh sự cống hiến của tôi cũng như các tác giả vì sự phát triển chung của cộng đồng xã hội.

Ông Nguyễn Như Lĩnh (Thái Bình) tác giả mô hình ‘máy thái cỏ phục vụ chăn nuôi gia súc, gia cầm’ đạt giải.
Ông Nguyễn Như Lĩnh (Thái Bình) tác giả mô hình ‘máy thái cỏ phục vụ chăn nuôi gia súc, gia cầm’ đạt giải.

“Tôi mong sáng kiến của mình ngày càng được nhân rộng hơn, đến với nhiều bà con nông dân cả nước, áp dụng công nghệ trực tiếp vào việc chăn nuôi gia súc, gia cầm được nhanh gọn. Dự kiến sau khi nhận giải thưởng, tôi vẫn tiếp tục học hỏi, tìm tòi công nghệ khoa học, vừa cải tiến và sáng chế nhiều sản phẩm mới, đồng thời truyền bá rộng rãi những máy móc của mình nhiều hơn nữa phục vụ sản xuất”, ông Lĩnh hi vọng.

Một mô hình ứng dụng tiêu biểu khác ‘máy bơm không ống’ của tác giả Đỗ Văn Trường (Ninh Bình), lấy cảm hứng từ việc trữ nguồn nước trong sản xuất trồng lúa vất vả, phụ thuộc vào tự nhiên và tốn kém khi sử dụng các máy bơm công suất lớn; tôi đã chế tạo ra máy bơm không ống với cơ chế bỏ ống bơm thay bằng các cửa nắp điều khiển xoay chiều nhằm giữ nước giữa các kênh. Cho đến nay, gần 400 máy bơm, trạm bơm được tôi thiết kế lắp đặt trên toàn tỉnh và nhiều địa phương trong cả nước.

Ông Trường tâm sự thêm, từng là sĩ quan hải quân nhưng do đặc thù của sức khỏe không còn phù hợp với ngành nên đã xin về nghỉ từ năm 30 tuổi. Về quê hương, thấy công việc làm đồng ruộng lạc hậu, dùng sức người là chính nên tôi đã tự học từ sách vở, từ mạng Internet rồi đi khắp các xưởng cơ khí để học hàn, xì, chế tạo phụ kiện máy móc… dần dần cứ vậy tôi sáng chế ra máy bơm nước tiết kiệm điện; máy bơm được nhiều nước hơn; máy bơm vô ống…giúp ích nhiều cho bà con không còn lo thiếu nước vào mùa khô, thừa nước vào mùa mưa lũ.

6 tác giả, 6 đề án là những mô hình tiêu biểu thể hiện trí tuệ, sự sáng tạo không ngừng nghỉ trong học tập và trong lao động. Một minh chứng rõ nét cho việc học tập suốt đời ở người lớn sẽ không bao giờ là điểm dừng trên con đường tri thức. Hi vọng sẽ có nhiều cách làm giỏi, tấm gương sáng hơn nữa trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, GS.TS Nguyễn Thị Doan hi vọng.

Hà Cường