Quảng Ninh:

Truyền thông giúp nhận biết dấu hiệu trẻ tự kỷ sớm, thuận lợi công tác chăm sóc, phục hồi

(Dân trí) - Đó là phát biểu của bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội (LĐ-TB&XH) tại hội thảo “Truyền thông về công tác xã hội đối với trẻ tự kỷ” do Tạp chí Gia đình & Trẻ em và Cục Bảo trợ xã hội phối hợp tổ chức sáng nay (18/10) tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Truyền thông giúp nhận biết dấu hiệu trẻ tự kỷ sớm, thuận lợi công tác chăm sóc, phục hồi - 1

Hội thảo "Truyền thông về công tác xã hội đối với trẻ tự kỷ”

Có tổng cộng 8 tham luận của các Phó giáo sư, Tiến sĩ, thầy thuốc liên quan tới vấn đề trẻ tự kỷ, cách nhận biết, chăm sóc, phục hồi… đã được trình bày tại hội thảo này.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Hiệp Thương, khoa CTXH, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, tự kỷ là hội chứng rối loạn bao gồm một nhóm các chứng rối loạn phát triển thể hiện ở những khiếm khuyết trong quan hệ xã hội, khó khăn về giao tiếp đi kèm với các rối loạn hành vi kiểu như có mổi quan tâm và hoạt động bó hẹp địa hình được gọi là “ Hội chứng rối loạn phát triển lan tỏa”.

Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Hiệp Thương, hiện nay tự kỷ được coi là một “căn bệnh” của thời đại, số lượng trẻ tự kỷ tăng lên nhanh chóng ở tất cả các quốc gia trên thế giới và đặc biệt ở Việt Nam trong những năm gần đây.

“Tự kỷ không những gây khó khăn cho chính người tự kỷ mà còn có tác động ảnh hưởng rất tiệu cực đến gia đình của trẻ tự kỷ… Những gia đình có trẻ tự kỷ thường trải qua đau đớn, bối rối, căng thẳng, khủng khoảng tột cùng như đang gặp phải một “tai họa” khủng khiếp. Bên cạnh đó, gánh nặng về kinh tế, thời gian chăm sóc trẻ tự kỷ… cũng khiến gia đình rơi vào khủng khoảng, nảy sinh nhiều vấn đề nếu không tìm cách giải quyết, vượt qua”, Tiến sĩ Nguyễn Hiệp Thương nói

Truyền thông giúp nhận biết dấu hiệu trẻ tự kỷ sớm, thuận lợi công tác chăm sóc, phục hồi - 2

Theo Tiến sĩ Nguyễn Hiệp Thương, hiện nay tự kỷ được coi là một “căn bệnh” của thời đại, số lượng trẻ tự kỷ tăng lên nhanh chóng ở tất cả các quốc gia trên thế giới và đặc biệt ở Việt Nam trong những năm gần đây.

Tiến sĩ Nguyễn Hiệp Thương cho biết thêm, từ thực tiễn trên cho thấy, công tác xã hội là một nghề, một hoạt động chuyên nghiệp nhằm trợ giúp các cá nhân và công đồng nâng cao năng lực đáp ứng nhu cầu và tăng cường chức năng xã hội, đồng thời thúc đẩy môi trường xã hội về chính sách, nguồn lực và dịch vụ… không thể thiếu. Nhân viên công tác xã hội là người đào tạo về công tác xã hội, họ sử dụng kiến thức và kỹ năng để cung cấp các dịch vụ xã hội cho cá nhân, gia đình, nhóm cộng đồng đang gặp hoàn cảnh khó khắn, vấn đề khó khăn mà bản thân không tự giải quyết được.

Còn theo tham luận của Tiến sĩ Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ LĐ-TB &XH, theo ước tính, Việt Nam có tỉ lệ trẻ mắc chứng tự kỷ ước tính là 1% dân số, đây là con số rất lớn, tạo gánh nặng cho mỗi gia đình và toàn xã hội. Hiện đã có một số mô hình chăm sóc và phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ tại Trung tâm phục hồi chức năng trẻ tàn tật Thụy An; Trung tâm công tác xã hội Quảng Ninh, Trung tâm PHCN và trợ giúp trẻ tàn tật có chức năng khám bệnh, tư vấn, chăm sóc, phục hồi chức năng (PHCN) cho người có vấn đề về sức khỏe tâm thần, can thiệp, PHCN cho trẻ tự kỷ… Tuy nhiên, mạng lưới cung cấp dịch vụ công tác xã hội còn thiếu về số lượng, tính xã hội hóa chưa cao, chưa đa dạng, chưa đáp ứng được nhu cầu người dân, đặc biệt trợ giúp trẻ tự kỷ.

Truyền thông giúp nhận biết dấu hiệu trẻ tự kỷ sớm, thuận lợi công tác chăm sóc, phục hồi - 3

Bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội khẳng định: “Vai trò của cơ quan truyền thông hết sức quan trọng, nếu chúng ta truyền thông được cho mọi người, mọi gia đình để người ta ngoài trách nhiệm trong việc chăm sóc chung đối với trẻ thì còn có hiểu biết, nhận biết chứng tự kỷ sớm, giúp cho việc điều trị, phục hồi thuận lợi hơn nhiều."

Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, đây không phải là lần đầu tiên Bộ tổ chức hội thảo liên quan đến vấn đề này. Việc tổ chức hội thảo như thế này là rất có nghĩa, đây là dịp để cùng nhau trao đổi, đánh giá tất cả tài tài liệu liên quan đến việc nhận biết, chăm sóc, phục hồi… cho trẻ tự kỷ mặc dù đã có nhưng làm thế nào để thông qua báo chí chuyển tải đến với gia đình, trẻ em nhất là vùng sâu vùng xa, các khu công nghiệp vốn là nơi tập trung đông trẻ em tự kỷ nhất.

Cũng theo bà Hà, việc chăm sóc, PHCN cho trẻ tự kỷ hiện đang có nhiều khó khăn nhất định. Cụ thể, thực tế những năm gần đây phương pháp can thiệp, điều trị cho trẻ tự kỷ khác nhau, nơi sử dụng các biện pháp tâm lý, nơi châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt, tập vận động… nên không đo đếm được sự tiến bộ sau khi áp dụng ở mức độ nào. Bên cạnh đó, hiện chưa có văn bản qui định trẻ tự kỷ được coi là một dạng của trẻ khuyết tật và số trẻ tự kỷ mà chẩn đoán thì ngày càng nhỏ nhưng số lượng trẻ tự kỷ trong cộng đồng lại ngày càng gia tăng.

Bà Hà cho biết thêm, khó khăn còn đến từ việc nơi thăm khám mới chỉ tổ chức ở các thành phố lớn, trung tâm, thị xã, thị tứ chứ miền núi, vùng sâu, vùng xa hầu như chưa có. Chưa có các cơ sở để phát hiện, chăm sóc và đặc biệt là chăm sóc trẻ tự kỷ không có gia đình bên cạnh. Chưa kể tuy thời gian qua các cơ sở xã hội cũng đã thực hiện tốt chức năng chăm sóc phục hồi cho trẻ tự kỷ nhưng các trung tâm này không có nhiều, cán bộ, giáo viên thiếu, trang thiết bị cũng thiếu, cơ sở vật chất có hạn… Trong khi đó, “để phục vụ phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ ngoài điều trị y tế thì các dịch vụ xã hội, chăm sóc rất quan trọng như: tư vấn, tham vấn, sử dụng ngôn ngữ trị liệu, tổ chức trò chơi mang tính chất hướng ngoại…”, bà Hà nói.

Truyền thông giúp nhận biết dấu hiệu trẻ tự kỷ sớm, thuận lợi công tác chăm sóc, phục hồi - 4

“Để phục vụ phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ ngoài điều trị y tế thì các dịch vụ xã hội, chăm sóc rất quan trọng như: tư vấn, tham vấn, sử dụng ngôn ngữ trị liệu, tổ chức trò chơi mang tính chất hướng ngoại…”, bà Hà nói. (ảnh internet)

Tại hội thảo, bà Hà cũng khẳng định “Vai trò của cơ quan truyền thông hết sức quan trọng, nếu chúng ta truyền thông được cho mọi người, mọi gia đình để người ta ngoài trách nhiệm trong việc chăm sóc chung đối với trẻ thì còn có hiểu biết, nhận biết chứng tự kỷ sớm, giúp cho việc điều trị, phục hồi thuận lợi hơn nhiều. Thông qua các cơ quan báo chí, nhiều người dân được biết, tiếp cận được nguồn tài liệu có liên quan”.

Bà Hà nhấn mạnh, thông qua hội thảo này, có thể xem xét để xây dựng hoặc cụ thể hóa tổ chức tốt đề án Chính phủ ký năm 2019 liên quan đến hỗ trợ trẻ em khuyết tật. Đặc biệt là được lắng nghe ý kiến của các giáo sư, tiến sĩ, của những người trực tiếp liên quan đến trẻ tự kỷ về thực trạng, giải pháp để có thể phối hợp giữa cơ quan nhà nước, cơ quan truyền thông, gia đình trong chăm sóc trẻ, khuyến nghị với nhà trường, giáo viên để phát hiện, can thiệp sớm với trẻ tự kỷ.

An Nhiên