Triển khai tâm lý học đường: Hiện đang là khoảng trống

(Dân trí) - Các nhà khoa học hiện đang tập trung đánh giá, tìm hiểu các yếu tố tác động và đề xuất phương án nâng cao hiệu quả triển khai các chương trình can thiệp tâm lý giáo dục học đường. Tuy nhiên, khoa học triển khai ở Việt Nam hiện còn đang là khoảng trống.

Triển khai thiếu nền tảng: Nhiều khi gây hại

Trong lĩnh vực tâm lý giáo dục, không phải bất cứ một chương trình tác động nào cũng mang lại hiệu quả.

Nhiều chương trình được xây dựng để đáp ứng thực tế xã hội và nhu cầu của cộng đồng mà không hề dựa trên một nền tảng lý thuyết đã được chứng minh hay có bằng chứng thực nghiệm về tính hiệu quả. Điều này nhiều khi còn gây hại cho cộng đồng.

Tuy nhiên không phải bất cứ chương trình tâm lý giáo dục nào có bằng chứng cải thiện ở đầu ra so với đầu vào đều là một chương trình tiên phong, đáp ứng yêu cầu của thời đại.

Một chương trình không có kết quả đầu ra ở học sinh như kỳ vọng, chưa chắc đã là một chương trình tồi mà có thể chỉ vì nó không được triển khai tốt.

Nhưng chúng ta trước nay vẫn có thói quen chỉ nhìn nhận đến nội dung của các chương trình tâm lý giáo dục gồm những gì và kết quả đầu ra của can thiệp so với đầu vào ra sao mà không quan tâm lắm đến khía cạnh triển khai của các chương trình này.

Triển khai tâm lý học đường: Hiện đang là khoảng trống - 1

PGS. TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục (Trường ĐH Giáo dục - ĐHQG Hà Nội) - tác giả bài viết.

Trên thực tế, những chương trình được thực hiện trong hàng chục năm thường vẫn mang lại hiệu quả cho học sinh, đơn giản vì mọi cá nhân trong hệ thống đã quen thuộc với nó.

Cuối cùng, chương trình bị phê phán và loại bỏ, không phải vì bản thân chương trình không cấp tiến hay hiệu quả mà vì bởi chính những người thực hiện làm hỏng nó.

Trên thế giới, ngay cả với những nước có mức độ ứng dụng nhanh và mạnh bằng chứng nghiên cứu khoa học vào thực tế như Hoa Kỳ, trong 30 năm qua, chỉ có khoảng 14% các nghiên cứu trong lĩnh vực can thiệp tâm lý giáo dục được triển khai trong thực tiễn và quá trình đưa nghiên cứu vào thực tiễn phải mất đến 17 năm.

Trước thực trạng này, các nhà khoa học hiện đang tập trung vào việc đánh giá, tìm hiểu các yếu tố tác động và đề xuất phương án nâng cao hiệu quả triển khai các chương trình can thiệp tâm lý giáo dục trong trường học.

Nghiên cứu tập trung vào vấn đề này được gọi là khoa học triển khai (implementation science). Nó quan tâm chính đến những “nút cổ chai” đang cản trở việc triển khai hiệu quả các chương trình can thiệp tâm lý giáo dục, những điều kiện hoặc tiếp cận mới khiến việc triển khai chương trình dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, khoa học triển khai ở Việt Nam hiện còn đang là một khoảng trống.

Những yếu tố để chương trình hiệu quả bền vững

Để triển khai các chương trình can thiệp tâm lý giáo dục thành công trong thực tiễn, chúng ta cần tập trung nghiên cứu về khoa học triển khai cũng như kế thừa những kết quả nghiên cứu đi trước.

Ví dụ, các yếu tố tích cực ảnh hưởng tốt đến việc triển khai các chương trình can thiệp tâm lý giáo dục gồm: Sự hỗ trợ, ủng hộ của giáo viên, hiệu trưởng và các nhân viên trong trường, hỗ trợ kĩ thuật tốt…

Triển khai tâm lý học đường: Hiện đang là khoảng trống - 2

Các nhà khoa học hiện đang tập trung vào việc đánh giá, tìm hiểu các yếu tố tác động và đề xuất phương án nâng cao hiệu quả triển khai các chương trình can thiệp tâm lý giáo dục trong trường học. (Ảnh: Minh hoạ). 

Còn các yếu tố cản trở như: Thiếu tài chính, thiếu thời gian trên lớp và ở trường, đội ngũ nhân viên của trường có niềm tin tiêu cực về chương trình can thiệp, thực hiện không tuân thủ các yêu cầu của chương trình, hay nhà trường đang có những ưu tiên khác…

Để triển khai hiệu quả, trước hết cần quan tâm đến nội dung cấu trúc có tương thích với bối cảnh, thời gian có linh hoạt, liều lượng có đầy đủ để hình thành kỹ năng.

Đặc biệt, cần quan tâm đến cán bộ tập huấn có chất lượng không, người tham dự có động cơ và trình độ đáp ứng yêu cầu không, mô hình tập huấn có theo quy trình giảng lý thuyết - làm mẫu - luyện tập - chỉ dẫn phản hồi hay không, có mô hình giám sát duy trì sau tập huấn hay không.

Quan hệ nghề nghiệp cởi mở hợp tác không, có được hỗ trợ hành chính, có các quy trình chính sách giải quyết vướng mắc phát sinh phù hợp không.

Ngoài ra, các nhà quản lý trong nhà trường, giáo viên và các chuyên viên tâm lý cần hiểu được vai trò quan trọng của việc triển khai cũng như khoa học triển khai để đảm bảo chương trình có hiệu quả bền vững.

Những người thực hiện chương trình cần được tập huấn về những yếu tố ảnh hưởng đến quá trình triển khai ngay ở giai đoạn chuẩn bị và bắt đầu triển khai chương trình can thiệp tâm lý giáo dục như một yêu cầu bắt buộc nếu muốn đạt được kết quả đầu ra tốt.

PGS. TS Trần Thành Nam

Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục (Trường ĐH Giáo dục - ĐHQG Hà Nội)