Đánh giá và thúc đẩy sự phát triển tâm lý của học sinh:
Rất cần sự hỗ trợ của tâm lý học đường
(Dân trí) - Những vấn đề về phát triển tâm lý, học tập, bạo lực học đường thường gặp nhiều ở học sinh cấp ba. Điều này bắt nguồn từ sự thiếu sót trong hoạt động phòng ngừa, phát hiện và can thiệp tâm lý từ khi trẻ ở tuổi mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở.
Đó là nhận định của thầy Nguyễn Tùng Lâm - hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng. Đây là trường THPT có phòng tâm lý học đường (TLHĐ) đầu tiên trong cả nước và là một trong số ít trường phổ thông hiện nay có hoạt động tư vấn tâm lý chuyên nghiệp, bài bản.
Không chỉ hỗ trợ khi trẻ có vấn đề về tâm lý, phòng TLHĐ còn giúp trẻ nhìn nhận đúng bản thân thông qua các bài kiểm tra (test) năng lực hay trí tuệ cảm xúc cũng như giúp trẻ có một định hướng nghề nghiệp đúng đắn… Trên thực tế, mô hình này cũng đã được triển khai ở một số trường ở Hà Nội như THPT Nguyễn Tất Thành, THPT Trần Hưng Đạo, THPT Trần Nhân Tông… và bước đầu đã có những kết quả nhất định.
Một trường hợp điển hình đã nhận được sự giúp đỡ của chuyên viên TLHĐ là một học sinh (HS) lớp 6 có biểu hiện hoang tưởng, học hành sút kém. Sau nhiều buổi đánh giá kết hợp tham vấn và tư vấn, chuyên viên đã phát hiện ra nguyên nhân là do sự phát triển tâm sinh lý quá sớm nhưng HS không ý thức được (ví dụ như cảm thấy hồi hộp khi ở cạnh 1 bạn trai, có cảm xúc với nhiều bạn trai một lúc)…Với sự hỗ trợ của chuyên viên, HS này đã có kết quả học tập tốt dần lên, từ 4 điểm học kỳ 1 lên 6 điểm giữa học kỳ 2 và nhiều khả năng cuối năm học sẽ có trung bình môn là 7 điểm.
Tuy nhiên, do ngành Tâm lý học trường học (hay còn gọi là TLHĐ) còn rất mới, các bài test được xây dựng, thích nghi và chuẩn hóa còn rất ít, các chuyên viên tâm lý chủ yếu tự lựa chọn hoặc tự thiết kế công cụ cho mình nên thời gian đánh giá, chẩn đoán thường kéo dài hơn mới cho kết quả chính xác. Đó là lý do vì sao chuyên viên tâm lý Trần Mạnh Linh, giáo viên Trường THPT Nguyễn Tất Thành và cũng là học viên khóa học “Phương pháp đánh giá và thúc đẩy trạng thái khỏe mạnh chủ quan của học sinh” do khoa Tâm lý - Giáo dục thuộc Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức, cho rằng: “Nếu Việt Nam cũng xây dựng và có được các bộ công cụ giới thiệu trong các khóa học như thế này thì thời gian chẩn đoán xác định nguyên nhân, tình trạng cho từng trường hợp cụ thể trên có thể rút xuống một nửa”.
Cũng gần với quan điểm này, chị Đặng Hoàng Minh, cán bộ Trường ĐH Giáo dục đồng thời là một nhà tâm lý học lâm sàng, trị liệu cá nhân cho biết: “Chưa có các công cụ mà chủ yếu là thực hiện kiểu lâm sàng, quan sát, phỏng vấn nên kéo dài thời gian chẩn đoán. Ngoài ra, do chưa có thể chế về mặt pháp luật cũng như sự hỗ trợ của Bộ GD-ĐT, phòng TLHĐ tại các trường hiện nay là sự cam kết giữa nhà trường và cán bộ tâm lý vì thế đòi hỏi sự nỗ lực của cán bộ tâm lý trong trường là rất lớn”.
Là một trong những người đầu tiên nhận thấy rõ những ích lợi của TLHĐ, thầy Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý học Hà Nội đồng thời là hiệu trưởng Trường PTTH Dân lập Đinh Tiên Hoàng, chia sẻ: “Khóa học giúp phòng TLHĐ của chúng tôi có được 1 số test hỗ trợ học sinh xây dựng động lực, mục tiêu cũng như thực hiện mục tiêu”.
Còn GS Detlef, chuyên gia tâm lý ĐH Munich (Đức), giảng viên khóa học “Phương pháp đánh giá và thúc đẩy trạng thái khỏe mạnh chủ quan của học sinh”, cho rằng: “TLHĐ Việt Nam đang đi đúng hướng khi sẵn sàng học hỏi từ các nền TLHĐ tiên tiến như Mỹ, Đức”.
Thu Phương