Tranh luận xét GS,PGS 2019: Cần công khai lý lịch khoa học của thành viên Hội đồng giáo sư nhà nước?
(Dân trí) - Nhiều nhà khoa học băn khoăn đặt câu hỏi, Quyết định 37/2018/QĐ-TTg yêu cầu các ứng viên GS, PGS phải công khai lý lịch khoa học, từ cơ sở đến cấp ngành và trên cả trang web chính thống của HĐGS NN để các đồng nghiệp và xã hội phản biện. Tuy nhiên, lý lịch khoa học của các thành viên Hội đồng Giáo sư Nhà nước cũng cần phải được công bố.
Xét giáo sư, phó giáo sư 2019 dậy sóng là bởi vì 16 ứng viên bị Hội đồng Giáo sư Nhà nước (HĐ GSNN) loại đều có thành tích nổi trội. Lý do các ứng viên này bị đánh trượt là “thiếu tiêu chuẩn cứng”, thiếu hướng dẫn NCS hoặc đang trong thời gian bị kỷ luật, không có bằng chứng về giờ giảng…
Đến thời điểm này, nhiều nhà khoa học băn khoăn cho rằng, Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg (QĐ 37 quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư; thủ tục xét hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư) yêu cầu các ứng viên GS, PGS phải công khai lý lịch khoa học, từ cơ sở đến cấp ngành và trên cả trang web chính thống của HĐ GSNN để các đồng nghiệp và xã hội phản biện. Tuy nhiên, lý lịch khoa học của các thành viên Hội đồng Giáo sư Nhà nước lại không được công bố.
Cụ thể, trong QĐ 37 yêu cầu ứng viên GS, PGS phải là tác giả chính của 2-5 bài báo hoặc/và bằng độc quyền sáng chế.
Theo logic này, các thành viên hội đồng các ngành và HĐGSNN để có thể đánh giá được phẩm chất khoa học của ứng viên buộc phải là tác giả chính của nhiều hơn 3 công trình quốc tế/hoặc/và bằng độc quyền sáng chế áp dụng cho năm 2019 và 5 công trình quốc tế/hoặc/và bằng độc quyền sáng chế áp dụng từ năm 2020).
Đó là về số lượng nhưng đã là thành viên hội đồng thì dứt điểm phải có thành tích nghiên cứu đổi mới nổi bật ít nhất là trong chuyên ngành của mình và chỉ những người đã từng có thành tích công bố quốc tế, phát minh sáng chế mới thật sự hiểu và đánh giá đúng giá trị và tầm của những nhà khoa học có bài báo quốc tế hoặc bằng độc quyền sáng chế.
Trao đổi với PV Dân trí, một giáo sư của trường ĐH cho biết, để xã hội và cộng đồng khoa học tâm phục khẩu phục và tin tưởng, rất cần công khai hoạt động của Hội đồng và lý lịch khoa học tóm tắt của các thành viên Hội đồng (thầy) bởi hồ sơ ứng viên (trò) đã được công bố theo đúng tinh thần của Quyết định 37.
“Vậy khi nào HĐGSNN cho công khai các lý lịch tóm tắt khoa học của "thày” cùng các minh chứng hoặc đường link đến các minh chứng kèm theo?. Theo tinh thần của Nghị quyết 01 của phiên họp thứ nhất HĐGSNN nhiệm kỳ 2018-2019 thì các hoạt động của HĐGS các cấp phải “Bảo đảm tính công khai, minh bạch và chế độ bảo mật”, vậy những thông tin gì cần phải "bảo mật" là gì? “ – vị giáo sư này đặt câu hỏi.
Được biết, trong Hội nghị tập huấn công tác bình duyệt giáo sư, phó giáo sư được tổ chức ngày 21/6/2019 tại Hà nội, lãnh đạo HĐGSNN cho biết: “Không phải cứ là nhà khoa học có năng suất khoa học và chất lượng công bố cao nhất là được thường trực HĐGSNN lựa chọn đưa vào HĐGSNN và HĐGS ngành/liên ngành, mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác”.
Vậy “các yếu tố khác” là các yếu tố nào? nhiều nhà khoa học băn khoăn và cho rằng một trong các tiêu chí được dư luận đánh giá cao là các thành viên Hội đồng phải có công bố khoa học trong 5 năm gần đây. Nhưng cống hiến của một nhà khoa học không phải chỉ có 5 năm cuối mà là cả cuộc đời hoạt động khoa học và GDĐH của họ.
Bên cạnh đó, HĐ GSNN là tổ chức học thuật, không phải tổ chức dạy nghề, nên phải lấy năng suất khoa học của ứng viên làm trọng. Trong đó các tiêu chí về học thuật như tổng số trích dẫn và H-index phải là tiêu chí quan trọng nhất. Điều đó được thể hiện qua Tóm tắt Lý lịch khoa học của các ứng viên tham gia Hội đồng giáo sư.
Nhiều nhà khoa học nêu ý kiến, tiêu chí 5 năm cuối là cần nhưng đó chỉ là điều kiện để đảm bảo rằng nhà khoa học đó còn hoạt động khoa học, chứ không phải là tất cả. Nếu chỉ lấy chỉ tiêu này thì nhiều tân tiến sĩ mới từ nước ngoài về và có chỉ số rất cao.
Ví dụ, ứng viên PGS.TS Phùng Văn Đồng, ứng viên TS Trần Quang Huy ngành Vật lý (ứng viên bị trượt GS,PGS năm 2019), chỉ riêng trên kênh google scholar đã đánh giá về 2 ứng viên này:
Đây là những nhà Vật lý trẻ được cộng đồng khoa học trong và ngoài nước ghi nhận.
Tương tự, 02 ứng viên GS/PGS ngành Y học là PGS Lê Hữu Song và TS. Ngô Tất Trung cũng có thành tích đáng nể:
Đó là những nhà nghiên cứu có những đóng góp nổi bật trong lĩnh vực bệnh lý học truyền nhiễm, di truyền học phân tử.
Được biết, PGS.TS Lê Hữu Song có 48 công trình khoa học quốc tế trong đó 18 bài là tác giả chính, và 10 bằng phát minh và nhiều giải thưởng khoa học cao quý như: Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ; 01 Bằng khen của Tổ chức Sở hữu trí tuệ quốc tế (World Intellectual Property Organization WIPO); 01 Giải thưởng Alexandre Yersin 2018 do Hiệp hội Y khoa Thụy Sỹ Việt Nam trao tặng cho công bố y học quốc tế xuất sắc...
TS Ngô Tất Trung có 14 bài báo quốc tế, trong đó 9 công trình là tác giả chính (10 bằng phát minh độc quyền sáng chế); 01 Bằng khen của Tổ chức Sở hữu trí tuệ quốc tế (World Intellectual Property Organization WIPO); 01 Giải thưởng Alexandre Yersin 2018 do Hiệp hội Y khoa Thụy Sỹ Việt Nam trao tặng cho công bố y học quốc tế xuất sắc...
Chúng tôi đã tiến hành tự tìm hiểu các thành tích khoa học của một số thành viên Hội đồng GSNN qua nhiều kênh như https://www.google.com/; google scholar (https://scholar.google.com/); https://www.researchgate.net/; ngân hàng dữ liệu https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/...
Thì thấy rất nhiều thành viên có thành tích nổi trội và nhiều trích dẫn như GS.TSKH Lê Tuấn Hoa, GS.TS Nguyễn Hữu Đức, GS.TS Phan Tuấn Nghĩa…
Tuy nhiên, theo các kênh tìm kiếm trên, một số thành viên Hội đồng trong thời gian gần đây không tìm thấy các công bố quốc tế, thậm trí thành tích công bố quốc tế của một số thành viên rất hẻo, một số giáo sư không là tác giả chính của bất cứ công bố quốc tế nào…
Các thành viên Hội đồng Giáo sư ngành/liên ngành được lựa chọn như thế nào?
Trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Anh Tuấn, Chánh Văn phòng Hội đồng GS Nhà nước cho biết, điểm khác của việc thành lập HĐGSNN năm nay so với nhiệm kỳ trước là Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng Giáo sư nhà nước gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký và các Phó Chủ tịch theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ GD-ĐT - Chủ tịch Hội đồng Giáo sư nhà nước quyết định bổ nhiệm các Ủy viên Hội đồng Giáo sư nhà nước và xem xét điều chỉnh, bổ sung thường xuyên hàng năm. Vì vậy, hàng năm sẽ có sự thay đổi thành viên HĐGS khi các đối tượng ứng viên các ngành thay đổi và khi các thành viên HĐGS chưa làm hết trách nhiệm, khả năng.
Theo ông Tuấn, nguồn giới thiệu GS, PGS tham gia các hội đồng giáo sư ngành, liên ngành (HĐGSN/LN) gồm giới thiệu của cơ sở giáo dục đại học, giới thiệu của HĐCDGSN/LN nhiệm kỳ 2014-2019 và giới thiệu của các nhà khoa học.
Văn Phòng HĐGSNN đã có công văn gửi các cơ sở giáo dục đại học và các HĐCDGSN/LN nhiệm kỳ 2014-2019, yêu cầu giới thiệu các GS, PGS đủ tiêu chuẩn như quy định của quyết định 37 và đồng thời đã mở kênh giới thiệu trên trang Web để các nhà khoa học giới thiệu.
Các GS, PGS được giới thiệu tham gia các HĐGSN/LN đã gửi lý lịch khoa học về Văn Phòng HĐGSNN, trong đó khai rõ các kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín hoặc xuất bản ở nhà xuất bản có uy tín trong 05 năm liền kề (tính đến tháng 5 năm 2019).
Trên cơ sở danh sách giới thiệu từ 3 nguồn, căn cứ vào tiêu chuẩn thành viên Hội đồng giáo sư quy định trong quyết định 37 và quy trình lựa chọn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Chủ tịch Hội đồng Giáo sư nhà nước ra quyết định bổ nhiệm các Ủy viên Hội đồng Giáo sư nhà nước, các ủy viên Hội đồng giáo sư ngành/ liên ngành.
Hội đồng Giáo sư ngành Khoa học An ninh và Khoa học quốc phòng áp dụng quy trình riêng.
Ông Tuấn cho hay, khi tuyển chọn, các ứng viên đã phải đáp ứng các quy định tại Điều 17, QĐ số 37/QĐ-TTg, trong đó, có kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín, hoặc xuất bản ở nhà xuất bản có uy tín trong 5 năm liền kề với năm 2019.
Tuy nhiên, trong QĐ 37/QĐ-TTg không quy định kết quả nghiên cứu tính bằng bài hay điểm và số lượng là bao nhiêu. Vì vậy, Văn phòng Hội đồng xin đề xuất, ứng viên có bài công bố là được chấp nhận.
Văn phòng đã sàng lọc rất kỹ và lập danh sách ứng viên có đủ điều kiện được giới thiệu tham gia Hội đồng ngành, liên ngành, đồng thời, sắp xếp theo nguyên tắc thứ tự từ cao xuống về số lượng công trình khoa học.
Trong việc lựa chọn ứng viên và lập danh sách đề nghị tối đa gấp 2 lần ứng viên dự kiến tham gia HĐGS ngành, liên ngành mới đảm bảo có Giáo sư và có nhân tố mới là những người có chức danh GS hoặc PGS.
Được biết, trong tổng số 276 thành viên HĐGSN/LN năm nay có 162 người (chiếm 58,7%) đã tham gia nhiệm kỳ 2014-2019 vẫn tiếp tục tham gia HĐGSN/LN năm nay. Như vậy, có 114 thành viên hội đồng là nhân sự mới trong năm nay.
Hồng Hạnh