Toán không quá khó, Sử không lắt léo

(Dân trí) - Cả đề Toán của khối B và D được các thí sinh có học lực khá, giỏi nhận xét là dễ hơn năm trước và dễ hơn đề Toán khối A đợt thi thứ nhất, trong khi đó đề Sử cũng được thí sinh nhìn nhận là không đến mức “khó nhằn” như năm trước.

Đề Toán: “Như học trên lớp”

 

Rời phòng thi của trường Học viện Quan hệ quốc tế với khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi nhưng trông khá “tươi”, thí sinh Nguyễn Thuý Vi, Hà Nội cho biết đề Toán khối D không đến nỗi khó. Theo nhận định của Vi, đề thi này có thể đảm bảo phân loại: học sinh trung bình có thể đạt được 3 - 4 điểm, học sinh khá có thể từ 6 - 7 điểm. 

 

Đề thi dễ hơn đề Toán khối A (năm trước không hẳn như vậy) và dễ hơn đề Toán cùng khối năm trước. Câu hỏi khó nhất của đề năm nay theo Vi là câu IV, phần 2 nhưng nếu học “cẩn thận” thì vẫn có thể làm được.

 

Thí sinh Lê Thuỳ Linh, dự thi đại học Ngoại Thương cũng đánh giá đề Toán không quá khó: 9/10 câu hỏi nhỏ “như học trên lớp”. Những học sinh giỏi có thể hoàn thành bài thi trước thời gian qui định khoảng 30 phút.

 

Tại điểm thi Đại học Y, đa phần thí sinh thi môn toán khối B trong buổi chiều 9/7 đều có đánh giá đề năm nay không quá khó. Thí sinh Trần Ngọc Thắng quê Hoằng Hoá, Thanh Hoá biết: “Em học chương trình không phân ban, làm được hết tất cả các câu. Chỉ có “con” tìm giá trị nhỏ nhất của biểu thức là hơi mắc”.

 

Thí sinh Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Hà Nội thì cho rằng đề như thế này là vừa sức. Tuy nhiên, phải làm thật tập trung và dùng hết thời gian 180 phút thì mới giải quyết được trọn vẹn đề thi này.

 

Một số thí sinh khối A “tái xuất” trong đợt thi sau đều có chung nhận xét, đề Toán cho khối B “dễ nhằn” hơn đề Toán cho khối A.

 

Đề Sử: Không dài, không lắt léo

 

Đề thi môn Sử “không dài, không khó, không lắt” léo là nhận xét của thí sinh Nguyễn Mạnh Cường, Uông Bí, Quảng Ninh dự thi Đại học luật Hà Nội. Cái dễ hơn của đề năm nay so với năm trước theo thí sinh này là toàn bộ câu hỏi đều tập trung vào một giai đoạn: ngay trước và sau Cách mạng tháng Tám.

 

Mặc dù không đưa ra dự đoán về điểm số, nhưng Cường bật mí, em làm được khoảng 60 - 70%. Với đề này, theo nhận định của Cường, kết quả thi năm nay sẽ không có số lượng thí sinh “chết” môn Sử một cách tồi tệ như năm trước.

 

Thí sinh Nguyễn Thị Giang (Vũ Thư - Thái Bình), dự thi Đại học Luật chỉ làm được khoảng 50%, nhưng cũng không cho đề Sử là khó. Theo lí giải của Giang, những phần em không làm được là do chưa học chứ không phải do đề đòi hỏi tính suy luận quá cao.

 

Theo quan sát của chúng tôi, rất ít các thí sinh dự thi khối D ở trường Học viện Quan hệ quốc tế, Đại học Ngoại thương rời phòng thi trước giờ, trong khi những học sinh như vậy ở trường Đại học Luật nhiều hơn. Ngoài những thí sinh không làm được bài phải rời phòng sớm, thực trạng trên còn có thể  do những thí sinh có học lực tốt ở khối C, môn Sử sẽ không sử dụng hết thời gian

 

Nhóm PVGD