Thấm thía bức thư cô giáo viết cho học trò lớp 12: Con là một người bình thường! | Báo Dân trí

Thấm thía bức thư cô giáo viết cho học trò lớp 12: Con là một người bình thường!

(Dân trí) - "Trừ một số ít người sinh ra với sứ mệnh làm vĩ nhân đổi thay thế giới, còn lại đa số chúng ta là những người bình thường. Con nhớ đừng quên điều này để con không bị áp lực với bản thân. Con không đặt ra cho mình những điều to tát mà bỏ qua đi bao khoảnh khắc đáng trân quý mà một người bình thường cần trải nghiệm".

Bức thư đầy tâm huyết của cô Nguyễn Minh Ngọc - giáo viên Văn, Trường THTP Đinh Thiện Lý, TPHCM viết cho học trò khối 12 được đọc trong lễ tri ân vừa diễn ra tại trường.

Dân trí xin phép đăng lại bức thư này.

Các con thương yêu!

Khi đặt bút viết những dòng thư này cho các con, bỗng dưng trong tâm trí thầy cô xuất hiện hình ảnh các con của nhiều năm về trước. Sự rụt rè, ánh mắt ngơ ngác năm lớp 6, những giọt nước mắt chia tay bạn bè năm lớp 9, cảm giác lạ lạ, quen quen khi thay màu đồng phục năm lớp 10, hành trình gắn kết trong thương yêu những năm lớp 11, 12.

Thấm thía bức thư cô giáo viết cho học trò lớp 12: Con là một người bình thường! - 1

Cô Nguyễn Minh Ngọc đọc bức thư đầy tâm huyết gửi học trò trong Lễ tri ân
Cô Nguyễn Minh Ngọc đọc bức thư đầy tâm huyết gửi học trò trong Lễ tri ân

Chặng đường chúng ta đã đi qua, cùng với nhau, là phần đẹp nhất, là thanh xuân trong cuộc đời mỗi chúng ta. Và vì chúng ta đã sống cùng nhau trọn vẹn niềm yêu thương nên ngày chia tay hãy để nụ cười ghi dấu thay giọt nước mắt.

Trong giờ phút này, thầy cô bỗng muốn nói với các con nhiều thật nhiều. Bởi đây là ngày cuối, còn được dặn dò đàn con nhiều như thế.

Đầu tiên, cô muốn nói về 3 điều con cần ghi nhớ, 3 điều con không được quên trong cuộc đời con.

Điều thứ 1: con là một người BÌNH THƯỜNG.

Trừ một số ít người sinh ra với sứ mệnh làm vĩ nhân đổi thay thế giới, còn lại đa số chúng ta là những người bình thường.

Con nhớ đừng quên điều này để con không bị áp lực với bản thân. Con không đặt ra cho mình những điều to tát mà bỏ qua đi bao khoảnh khắc đáng trân quý mà một người bình thường cần trải nghiệm. Như ánh nắng lấp lánh sau cơn mưa, như nụ cười rạng rỡ của ai đó, như bữa tối quây quần bên ba mẹ, như một ngày mắt mẹ cười đã xuất hiện nếp nhăn.

Con nhớ đừng quên điều này để con biết xây cuộc đời mình từ những điều nhỏ nhặt. Những cái nhỏ sẽ dần tích lũy theo tháng năm và tạo nên những cái lớn hơn. Kì tích không tự nhiên xuất hiện, nó là phần nổi của tảng băng trôi mà phần chìm là bao nỗ lực, khó khăn, bao thất bại, sai lầm ta phải trả, cho một thành công nào đó.

Hãy nhớ, con là một người bình thường nhưng con là một người bình thường tử tế.

Thấm thía bức thư cô giáo viết cho học trò lớp 12: Con là một người bình thường! - 3

Điều thứ 2: con phải luôn sống là CHÍNH MÌNH.

Chắc con còn nhớ vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” của Lưu Quang Vũ? Bi kịch sống khác mình, sống không được là mình thật đau đớn, giằng xé phải không con?

Khi sống là chính mình, con sẽ luôn nhẹ nhõm, sẽ luôn an vui, sẽ luôn cảm nhận được hạnh phúc.

Sống là chính mình cũng giống như con bơi theo dòng chảy, nước sẽ nâng đỡ con.

Sống khác với chính mình giống như con vật lộn với dòng nước ngược, vất vả và mệt nhọc.

Cô tặng lại các con lời bài hát “bông hoa duy nhất trên thế gian” của người Nhật Bản nhé:

“…Là bông hoa duy nhất có mặt trên thế gian này

Mỗi chúng ta đều có hạt giống của riêng mình

Vì vậy hãy cố gắng hết mình

Để những hạt giống nở rộ thành hoa

Những bông hoa dù lớn hay nhỏ

Chúng không hề ganh đua xem hoa nào đẹp nhất

Tất cả đứng chung trong một cái lọ

Xinh đẹp và kiêu hãnh biết bao

Bạn chẳng cần phải trở thành số một

Bắt đầu với việc là chính mình

Bạn đã là người đặc biệt…”

Hãy nhớ, luôn là chính mình vì con luôn riêng biệt và có giá trị.

Điều thứ 3: con có thể SAI

Ai trong chúng ta chẳng từng nghĩ sai, làm sai, quyết định sai.

Ai trong chúng ta mà chẳng có những lúc nghĩ đến các từ: giá như, nếu như, ước gì, biết thế...

Nhưng chính những cái sai đó dạy ta về cái đúng, cái sai giúp ta lớn lên, trưởng thành và điềm tĩnh hơn.

Vậy đó, đừng dằn vặt nếu con sai, nếu con làm điều không đúng.

Thay vì hướng tâm vào quá khứ và nhân lên nhiều lần cảm giác chán ngán, thất vọng vì con đã sai, hãy học cách nhìn thẳng vào nó, chấp nhận nó và vượt lên nó.

Tất nhiên, có cái sai không sửa được. Chỉ có thể sửa bằng cách buông bỏ nó ra khỏi tâm trí con để bù vào bằng một việc làm đúng đắn khác.

Hãy nhớ, tuổi trẻ, con có thể sai để con trưởng thành trong những cái sai.

Cô và trò trong những khoảnh khắc đầy xúc động
Cô và trò trong những khoảnh khắc đầy xúc động

Phụ nữ cần cần học yêu thương bản thân/ Sức mạnh của một người đàn ông không nằm ở cơ bắp

Trong bức thư của mình, cô Nguyễn Minh Ngọc cũng viết trò chuyện riêng với con gái, con trai.

Gửi các cô con gái của cô!

Chắc các con không biết rằng, mình là những người phụ nữ đi vào lịch sử.

Bởi vì các con chính là những người phụ nữ đầu tiên, những người phụ nữ thực sự của thế kỉ 21, bằng con số năm sinh 2000.

Và cô, bỗng dưng trở thành người phụ nữ của thế kỉ 20, của thế kỉ trước. Cô bắt đầu nhận ra sự khác biệt của 2 thế hệ. Vì vậy, cô muốn nói với các con gái, những điều người phụ nữ thế kỉ 21 nên biết, nên thay đổi.

Thứ nhất là: con cần học cách yêu thương bản thân. Yêu mình, sâu sắc và đầy tự trọng.

Thế hệ phụ nữ như mẹ con, như các cô được dạy nhiều về sự hy sinh, sự quên mình đi cho gia đình và người khác nhưng lại ít được dạy phải yêu thương và chăm sóc tốt cho bản thân mình.

Khi con yêu thương bản thân con, con sẽ yêu thương cả thế giới.

Khi con trân trọng thân thể con, cái thân thể ba mẹ đã trao cho con, con sẽ học cách bảo vệ bản thân, học cách không để cho bất cứ ai làm điều tổn hại đến mình.

Khi con thương con, con có thể vẫn hy sinh vì người khác, nhưng con không hy sinh mù quáng, không mải miết chạy theo những cảm xúc của người khác đến quên cả bản thân.

Thứ hai là: con cần học cách tự chủ và độc lập

Phụ nữ xưa được dạy về đạo “Tam tòng”, cả cuộc đời chỉ làm một cái bóng đi theo những người đàn ông trong gia đình: cha, chồng, con. Dần dần, họ quên mất mình là ai, đến cả cái họ tên gọi, có khi họ cũng lãng quên nó. Như cô không biết tên thật của bà nội, bà ngoại cô bởi mọi người xung quanh vẫn gọi bà bằng tên của ông, dù ông đã mất từ lâu lắm.

Thế hệ các con phải thay đổi điều đó: thay đổi cảm giác phụ thuộc, thay đổi tư duy trông chờ, thay đổi cuộc đời làm cái bóng…

Khi con tự chủ trong cuộc sống, độc lập trong cảm xúc, thì dù ai đó có cố tình làm tổn thương con, con vẫn không gục ngã. Bởi con đang đứng trên đôi chân của chính mình, biết mình là ai, mình sống để đi theo những mục tiêu nào.

Thứ ba là: hãy làm con đẹp lên trong nhan sắc, tâm hồn và trí tuệ.

Thước đo cho giá trị của người phụ nữ xưa là “công, dung, ngôn, hạnh”. Điều này thì cô thấy đúng. Đến bây giờ, xã hội nhiều đổi thay, lịch sử luôn vận động, ý thức nữ quyền nâng cao hơn nhưng giá trị và cái đẹp ở một người phụ nữ vẫn nằm trong 4 tiêu chí đó.

Vậy nên, con hãy tăng giá trị bản thân bằng cách không ngừng làm cho mình đẹp hơn với chữ “dung”, mình vững vàng hơn với chữ “công”, mình dùng ái ngữ nhiều hơn trong chữ “ngôn”, mình có những phẩm chất, thói quen tốt hơn với chữ “hạnh”.

Để những người phụ nữ thế kỉ 21 của thầy cô, luôn luôn là những đứa con bình an và hạnh phúc.

Đôi lời tâm sự với các chàng trai!

Hôm nay, thầy muốn nói với các con như một người cha nói với con, vừa như một người đàn ông trò chuyện với những người đàn ông.

Điều đầu tiên, cuộc sống luôn là hành trình DẤN THÂN, các chàng trai ạ.

Nếu Cristoforo Colombo không dấn thân trong một hành trình nhiều thách thức, ông sẽ không tìm ra châu Mĩ.

Nếu Neil Armstrong không dấn thân trong hành trình lên mặt trăng, nhân loại sẽ không có được những hiểu biết về cái ông trăng thi sĩ từng mơ mộng, vẽ cho nó đủ các tưởng tượng khác nhau.

Cuộc sống, với chúng ta, là hành trình trải nghiệm, khám phá, khi con dấn thân, thế giới trong con sẽ mở rộng dần. Và thầy luôn có niềm tin các con trai của thầy sẽ bản lĩnh, kiên cường, tự tin trên hành trình đó.

Điều thứ hai, cuộc sống luôn đòi hỏi con TƯ DUY và HÀNH ĐỘNG.

Con là chàng trai của thế kỉ 21, thế hệ đương đầu với cách mạng 4.0.

Hẳn nhiên, con sẽ hiểu rằng đối thủ của con bây giờ không chỉ là con người, mà là trí tuệ nhân tạo, là công nghệ, là những biến động và thử thách trong một thời đại luôn phát sinh, phát triển cái mới.

Do đó, sức mạnh của một người đàn ông không nằm ở cơ bắp, ở khả năng đổi núi dời non nữa, con trai ạ.

Sức mạnh thực sự của một người đàn ông nằm ở khả năng con tư duy, con phán đoán, con đưa quyết định, nằm ở hành động, khả năng thích ứng với sự đổi thay, với áp lực của con.

Để có được sức mạnh này, con cần Trí, con cần Dũng, con cần một tầm nhìn trông xa thấy rộng. Đừng bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào học tập, trưởng thành, cọ xát để nâng tư duy và hành động của con lên. Mỗi lần định mở máy cày game, buôn điện thoại, hãy nghĩ về điều thầy đã nói, con nhé.

Điều thứ ba: cuộc sống cần con tinh thần ĐỐI MẶT, CHỊU ĐỰNG NGHỊCH CẢNH

Nếu thầy nói ra điều này, con có ngạc nhiên không, đàn ông chúng ta có khả năng chịu đựng rất thấp, trong khi kiên nhẫn, dẻo dai là tố chất vốn có ở người phụ nữ.

Điều này đã được lập trình sẵn trong gen di truyền từ thuở xa xưa của nhân loại.

Chúng ta rất cao lớn, rất phong độ. Nhìn đôi bờ vai rộng, chắc chắn, cơ bắp cuồn cuộn của chúng ta, chúng ta cứ nghĩ mình có thể vỗ ngực nói với một ai đó trong tương lai rằng “cứ dựa vào anh, thế giới để anh lo”.

Thế nhưng càng đối mặt với nhiều nghịch cảnh, những điều bất như ý, ta lại nhận ra sức chịu đựng của người phụ nữ thật phi thường. Theo thống kê, 67% nạn nhân ra đi trong nạn đói năm 1945 là đàn ông. Khả năng chiến thắng nghịch cảnh đó ở người phụ nữ lớn hơn đàn ông tới 2 lần.

Vậy nên mỗi lần con bị đau trong cơ thể, con hãy nhớ lại cơn đau của mẹ, cơn đau tương đương với việc gãy 20 cái xương sườn, trong phút giây mẹ trở dạ sinh con. Nhớ được như thế, con sẽ thấy mình nên học mẹ sự nhẫn nại, sự kiên trì để đi qua khó khăn.

Ngày còn bé, thầy rất sợ biển. Mỗi lần ra biển, thấy con sóng lớn ập tới, thầy quay lưng lại và ngã dúi dụi, có khi bị nhấn chìm trong nước.

Cho tới một ngày, bố thầy đã chỉ thầy rằng, cách duy nhất để hết sợ sóng là đối mặt với nó, quan sát nó khi nó ập tới và nhảy lên trên con sóng khi nó xô vào bờ, từ đó, thầy thích cảm giác nhảy lên từng con sóng.

Và thầy mong các con trai, trong mọi nghịch cảnh, hãy nhớ về cách mẹ sinh ra ta, về con sóng ta đã nhảy qua để lấy sức mạnh, khả năng chịu đựng mà đối đầu với nghịch cảnh ấy.

Con rất nhiều điều, thầy cô muốn nói cùng các con nhưng biết nói bao nhiêu cho đủ. Mong các con hãy nhớ 3 điều chung và 3 điều riêng dành cho các con trai, con gái vậy.

Còn 1 điều nữa, điều quan trọng nhất, điều mà con đừng quên trong bài phát biểu dài này, điều ấy là: thầy cô yêu tất cả các con!

Bức thư của cô Nguyễn Minh Ngọc

Ảnh: FBNV

Dòng sự kiện: Gương sáng giáo dục