ĐH Đà Nẵng:

Sinh viên nộp bài tập, giảng viên chấm điểm trực tuyến

(Dân trí) - Học, nộp bài tập và được giảng viên chấm điểm trực tuyến trong mùa dịch Covid-19, nhiều sinh viên ĐH Đà Nẵng nhận ra thêm nhiều hiệu quả từ dạy, học trực tuyến.

Sinh viên nộp bài tập, giảng viên chấm điểm trực tuyến - 1

Giảng viên, sinh viên Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng tạm dừng đến giảng đường nhưng không ngừng dạy, vẫn học trực tuyến mùa dịch Covid-19.

Đã dần quen với việc học online khi phải tạm dừng đến giảng đường để phòng, chống dịch bệnh lây lan, Nguyễn Công Chức - sinh viên Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng chia sẻ: Mọi việc từ nghe bài giảng, làm bài tập và nhận kết quả từ giảng viên đều thực hiện trực tuyến khá nhanh và tiện. Cái hay ở đây là sinh viên có thể lưu lại bài giảng trực tuyến để học mọi lúc mọi nơi, và điểm lại những chỗ chưa rõ để trao đổi với thầy, cô qua mạng.

Sinh viên nộp bài tập, giảng viên chấm điểm trực tuyến - 2

Nhiều sinh viên đã dần quen với việc học trực tuyến và trau dồi kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin

Sinh viên nộp bài tập, giảng viên chấm điểm trực tuyến - 3

Sinh viên nộp bàì tập, giảng viên chấm điểm trực tuyến. Nhiều bài tập trong giờ học thực tế qua mạng internet có kết quả ngay.

Không chỉ hiệu quả tăng cường phòng, chống dịch khi tạm dừng dạy, học tập trung ở giảng đường, việc học trực tuyến còn giúp sinh viên nâng cao ứng dụng kỹ năng công nghệ thông tin. 

Nguyễn Thị Hồng Nhung - sinh viên lớp 18 Kỹ thuật Tàu thuỷ - Trường ĐH Bách khoa nói: “Nhờ học trực tuyến mà em biết và ứng dụng thuần thục nhiều phần mềm học online như LMS, MS Teams, Zoom…, cải thiện được kiến thức tin học văn phòng thông qua cách nộp bài tập, làm bài tập nhóm”.

Hiện Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng có 2 công cụ chính để triển khai dạy, học trực tuyến: Một là hệ thống DUT-LMS giúp giảng viên đăng tải bài giảng, sinh viên nộp bài tập và được chấm điểm trực tuyến. Hai là hệ thống Office 365 Microsoft Teams (MS Teams) giúp giảng viên, sinh viên giảng bài, thảo luận theo thời gian thực; đồng thời có thể ghi hình, lưu lại bài giảng, nội dung thảo luận.

Theo PGS.TS. Nguyễn Đình Lâm - Trưởng phòng Phòng Khoa học Công nghệ và Hợp tác Quốc tế, giảng viên Khoa Hóa: Việc tương tác giữa giảng viên và sinh viên thông qua video và audio rất sống động, tạo hứng thú học tập đối với sinh viên.

Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng cũng ghi nhận những ý kiến đóng góp của sinh viên trong quá trình triển khai dạy, học trực tuyến để hoàn chỉnh hệ thống. Qua đó, nhà trường đã đầu tư máy chủ, bản quyền phần mềm, nâng cấp đường truyền… Nhà trường cũng dành một phần kinh phí hỗ trợ cho các sinh viên ở vùng ngoại thành sử dụng internet; hỗ trợ các sinh viên thuộc diện gia đình chính sách, hoàn cảnh khó khăn.

Khánh Hiền