Sinh thái cảnh quan với đào tạo đại học về kiến trúc cảnh quan và quy hoạch sử dụng đất

Sinh thái cảnh quan là một lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học ở bậc đại học và sau đại học thuộc các khối ngành địa lý học, sinh thái học, quản lý đất đai, quản lý môi trường, kiến trúc cảnh quan, quy hoạch lãnh thổ, toán ứng dụng, kinh tế môi trường...

Gia tăng dân số, tăng trưởng kinh tế hiện nay gây ra nhiều thay đổi sâu sắc về cảnh quan, hệ sinh thái và môi trường trên Trái Đất, thách thức phát triển bền vững của toàn nhân loại. Trong bối cảnh đó, sinh thái cảnh quan được phát triển với hướng tiếp cận khoa học tiên tiến, lý thuyết và mô hình nghiên cứu hiện đại về cấu trúc không gian lãnh thổ, động lực sinh thái và các hệ thống nhân sinh - văn hóa. Đây là lĩnh vực khoa học mới không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều khu vực trên thế giới.

Trao đổi với chúng tôi, TS Nguyễn An Thịnh, giảng viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN, hiện đang đảm nhiệm vai trò là thư ký của Chi hội Sinh thái Cảnh quan Quốc tế tại Việt Nam (VN-IALE) chia sẻ: “Sinh thái cảnh quan được phát triển trên thế giới với tư cách là khoa học liên ngành địa lý học và sinh thái học. Đây cũng là một lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu ở bậc đại học và sau đại học thuộc các khối ngành địa lý học, sinh thái học, quản lý đất đai, quản lý môi trường, kiến trúc cảnh quan, quy hoạch lãnh thổ, toán ứng dụng, kinh tế môi trường,... tại nhiều trường đại học và viện nghiên cứu của Việt Nam”.

Tiến sỹ Nguyễn An Thịnh trong một bài giảng điện tử về sinh thái cảnh quan trên YouTube

Tiến sỹ Nguyễn An Thịnh trong một bài giảng điện tử về sinh thái cảnh quan trên YouTube.

Tiến sỹ Nguyễn An Thịnh cũng đồng thời là tác giả của bộ sách Sinh thái học cảnh quan gồm 4 cuốn sách viết bằng hai thứ tiếng (Việt và Anh) với tổng lượng gần 2.000 trang in, bao gồm: “Sinh thái cảnh quan: lý luận và ứng dụng thực tiễn trong môi trường nhiệt đới gió mùa”, “Hướng tiếp cận mới trong mô hình hóa biến đổi cảnh quan: tích hợp viễn thám, GIS và phân tích fractal”, “Động lực biến đổi, đa dạng cảnh quan và đa dạng nhân văn lãnh thổ miền núi: một trường hợp nghiên cứu sinh thái cảnh quan tại huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai”, “Cơ sở sinh thái cảnh quan trong kiến trúc cảnh quan và quy hoạch sử dụng đất bền vững”.

Theo GS Luc Hens, đại học Tự do Brussels (vương quốc Bỉ), đánh giá, bộ sách này là cụm công trình khoa học đầu tiên được xuất bản tại Việt Nam viết chuyên sâu về lý luận và ứng dụng của sinh thái cảnh quan trong các lĩnh vực địa lý học, sinh thái học, quản lý đất đai, quản lý môi trường và kiến trúc cảnh quan.

Là giảng viên có kinh nghiệm hướng dẫn thành công 3 nhóm sinh viên của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN nghiên cứu các đề tài về Sinh thái cảnh quan đạt giải Nhất, Nhì và Ba giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học của Bộ Giáo dục - Đào tạo và Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC), Tiến sỹ Nguyễn An Thịnh cho rằng: “Kết hợp được những vấn đề lý luận sinh thái cảnh quan hiện đại với thực tiễn kiến trúc cảnh quan, quy hoạch sử dụng đất tại khu vực nhiệt đới gió mùa châu Á và Việt Nam sẽ tạo ra được các sản phẩm khoa học và đào tạo có ý nghĩa thiết thực tại Việt Nam”.

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm