Sẽ công khai đầy đủ lý lịch khoa học thành viên Hội đồng giáo sư nhà nước

(Dân trí) - Thông tin trên được xác nhận từ Hội đồng Giáo sư Nhà nước, sau khi lấy ý kiến góp ý về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng GS nhà nước, ngành/liên ngành, cơ sở.

Sẽ công khai đầy đủ lý lịch khoa học thành viên Hội đồng giáo sư nhà nước - 1

Các thành viên Hội đồng Giáo sư Nhà nước

Công khai lý lịch ủy viên, thành viên Hội đồng giáo sư nhà nước/ngành/liên ngành

Theo đó, Bộ GD&ĐT sẽ sửa đổi điểm e khoản 3 Điều 7 như sau: Danh sách ủy viên Hội đồng Giáo sư nhà nước kèm theo lý lịch khoa học  của các ủy viên được công bố công khai, cập nhật thường xuyên trên Trang thông tin điện tử của Hội đồng Giáo sư nhà nước.

Danh sách thành viên Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành kèm theo lý lịch khoa học của các thành viên được công bố công khai, cập nhật thường xuyên trên Trang thông tin điện tử của Hội đồng Giáo sư nhà nước.

Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành là Ủy viên Hội đồng Giáo sư nhà nước. Như vậy, ủy viên Hội đồng gồm 28 người là Chủ tịch Hội đồng ngành, liên ngành phải công khai lý lịch khoa học theo quy định.

Còn 04 lãnh đạo Hội đồng là Chủ tịch Hội và các Phó Chủ tịch do Thủ tướng bổ nhiệm sẽ không công khai lý lịch khoa học như các ủy viên hội đồng.

Đặc biệt, sẽ thay thế cụm từ “tóm tắt lý lịch khoa học bằng cụm từ “lý lịch khoa học".

Trước đó, vào ngày 10/1/2020, Bộ GD&ĐT công bố Dự thảo lần 2 để lấy ý kiến về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Giáo sư nhà nước, Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành và Hội đồng Giáo sư cơ sở.

Trong bản dự thảo Thông tư này, một điểm đáng chú ý và quan tâm nhất  của các nhà khoa học là bãi bỏ điểm e khoản 3 Điều 7: "Danh sách thành viên Hội đồng Giáo sư nhà nước và bản tóm tắt lý lịch khoa học của các thành viên được công bố công khai trên Trang thông tin điện tử của Hội đồng Giáo sư nhà nước".

Nhiều giáo sư, phó giáo sư cho rằng, bãi bỏ quy định này là  một bước thụt lùi, bãi bỏ tính minh bạch và công khai mà Chính phủ đang theo đuổi và thực thi.

Không công khai bản tóm tắt lý lịch khoa học của các thành viên HĐGSNN thì làm sao công luận có thể giám sát các thành viên HĐGSNN được bổ nhiệm có xứng đáng, có khuất tất, có vi phạm các quy định, quy chế hay không.

Việc giữ lại điểm e khoản 3 Điều 7 như trên của Hội đồng Giáo sư Nhà nước sau khi tiếp thu các ý kiến góp ý đã được nhiều nhà khoa học đồng tình và họ cho rằng, "lý lịch khoa học của các thành viên Hội đồng các cấp sẽ được cập nhật thường xuyên", đây là một tiến bộ rất đáng ghi nhận, nhưng có thể sẽ có nhiều ý kiến phản đối, nhưng đề nghị giữ nguyên qui định này. Khi có thay đổi (như khi có công bố mới), nhà khoa học có trách nhiệm cập nhật thông tin của cá nhân mình.

Lý lịch khoa học nên lược bỏ bớt các chi tiết hành chính

Lý lịch khoa học là cả quá trình nói lên bề dày thành tích, sự đóng góp và cống hiến liên tục cho ngành của cá nhân các nhà giáo, nhà khoa học trong quãng thời gian hoạt động giáo dục & đào tạo,  khoa học & công nghệ của họ.

Tuy nhiên, góp ý tiếp về dự thảo sửa đổi Quy chế này, nhiều nhà khoa học cho rằng, trong Lý lịch khoa học nên lược bỏ bớt các chi tiết hành chính, các thông tin ít có liên quan đến công tác xét duyệt chức danh GS, PGS; và chỉ kê khai các công bố có trong danh mục thuộc hệ thống ISI, Scopus và các công bố khác có chỉ số ISBN hoặc có tên trong danh mục của Amazon.com.

Nếu chỉ quan tâm đến các công bố trong 5 năm gần đây, thì đa số các nhà khoa học trẻ vừa trở về từ các nước có nền KH&CN phát triển sẽ chiếm ưu thế, vì họ có năng suất khoa học vượt trội nhờ các lợi thế mà thế hệ đi trước không thể có.

Trao đổi với PV Dân trí, một vị giáo sư cho biết, các nhà khoa học ứng cử làm thành viên Hội đồng giáo sư các cấp là giảng viên thỉnh giảng cần phải kê khai và cung cấp các minh chứng về việc họ “đang giảng dạy”, ít nhất là trong 3-5 năm gần đây, như giấy báo dạy, thời khóa biểu, hợp đồng và bản thanh quyết toán hợp đồng giảng dạy, chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, v.v… như các ứng viên chức danh GS, PGS.

Việc kê khai trên để chấm dứt tình trạng có người không giảng dạy đại học nhiều năm liền, không NCKH nhiều năm liền, hoàn toàn lạc hậu về mặt chuyên môn lại được ngồi “phán xét" các nhà giáo, nhà khoa học đang giảng dạy và NCKH.

Một số giáo sư cho rằng, nên có tiêu chuẩn tối thiểu của các Ủy viên Hội đồng cơ sở, Hội đồng ngành và Hội đồng nhà nước về các đóng góp của họ trong giảng dạy bậc đại học và nghiên cứu khoa học (cả quá trình và trong 5 năm gần đây).

Mục đích của việc này, nhằm giúp Thường trực Hội đồng Giáo sư nhà nước lựa chọn được các nhà giáo, nhà khoa học xứng đáng, có uy tín chuyên môn và uy tín xã hội cao, được cộng đồng các nhà giáo, các nhà khoa học cùng chuyên môn trong và ngoài nước đánh giá cao, được các ứng viên chức danh GS, PGS kính trọng và ngưỡng mộ.

Giáo sư của một trường đại học cho biết, trong các tiêu chí lựa chọn, cùng với tiêu chí về đạo đức và uy tín, cần có 2 hệ tiêu chí cơ bản là NCKH và giảng dạy bậc đại học.

Hồng Hạnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm