Bạn đọc viết:

Nỗi niềm cha mẹ khi con nghỉ hè

(Dân trí) - Bọn trẻ đã bắt đầu bước vào kì nghỉ hè thảnh thơi, thư giãn nhưng  có nhiều phụ huynh lại mang trong mình tâm trạng lo lắng, không yên  bởi nghỉ hè biết cho chúng làm gì, chơi gì, học gì khi bố mẹ đi vắng cả ngày.

Các khóa học phát triển toàn diện bản thân như múa hát, đàn vẽ… hay các khóa học về kĩ năng sống thường là hướng suy nghĩ đầu tiên. Tuy nhiên phải là gia đình có điều kiện mới cho con theo học được vì học phí khá đắt đỏ. Thêm nữa là hiện nay các trung tâm dạy những môn này mọc lên nhiều như nấm sau mưa, nơi nào quảng cáo cũng hay vô cùng nhưng chất lượng thực sự thì chưa biết được. Để có thể cho con tham gia một vài khóa học hè như thế, cha mẹ phải đau đầu lựa chọn rất kĩ.

Cho con về quê với ông bà thì cũng khác nào ở thành phố vì bây giờ nông thôn đâu còn như xưa nữa. Đã xa lắm rồi cái thời cánh đồng lúa mênh mông với cây đa bến nước sân đình là những nơi sinh hoạt chung rộng rãi để trẻ có thể chạy nhảy, chơi đùa thoải mái. Cũng xa rồi những trò chơi như đuổi gà, bắt dế, bắn bi, đánh đáo… Bây giờ tất cả đã bê tông hóa, nhà ai cũng kín cổng cao tường, trẻ con nhà nào biết nhà đấy, đa phần đều làm bạn với các thiết bị công nghệ.

Những gia đình có ông bà ở cùng thì thường không cho cháu làm gì vì sợ nó làm thì bẩn thêm hoặc hỏng hóc, đổ vỡ lại mất công đi dọn. Mẹ tôi chính là một ví dụ điển hình. Dù cháu đã học đến lớp 6 rồi, bà vẫn nhất quyết không cho rửa bát, nhặt rau, vo gạo vì những nỗi sợ như trên. Còn tôi thì bất lực trong việc giải thích cho bà hiểu sự cần thiết phải bắt con lao động, càng làm sai làm hỏng càng phải tập làm. Tuy nghỉ hè là cơ hội tuyệt vời để cho con thực hành việc nhà nhưng khó lòng thuyết phục nổi bà.

Cho con rèn luyện thể lực bằng các môn thể thao thì không có sân chơi thích hợp. Hầu hết đều phải ra vỉa hè hoặc xuống lòng đường, rất nguy hiểm. Các câu lạc bộ dạy trẻ thể dục thể thao cũng chỉ sinh hoạt mỗi tuần một, hai buổi, vậy những buổi còn lại các con biết chơi ở đâu khi mà quỹ đất không hề có chỗ dành cho sân vận động.

Cho con sang nhà hàng xóm chơi thì chập chờn nguy cơ con bị xâm hại. Theo tính toán sơ bộ có đến 60% vụ xâm hại thủ phạm là những người thân quen, dù con bạn là trai hay gái thì nguy cơ đều như nhau. Báo chí đã đăng tải không biết bao nhiêu những câu chuyện đau lòng diễn ra khiến các bậc cha mẹ không thể không nghi ngại tất cả.

Nhưng có lẽ nỗi lo thường trực và hiển hiện nhất trong lòng người lớn vẫn là phải nhốt con ở nhà với cái ti vi, điện thoại, máy tính. Bởi  bọn trẻ sẽ có cơ hội chơi hay xem cả ngày những trò game vô bổ, những bộ phim bạo lực kinh hồn . Hệ lụy là hại mắt, hại não, mụ mẫm cả người, lười biếng, chìm ngập trong thế giới ảo, không biết đâu mới là cuộc sống thực.

Nghĩ đến tất cả những điều đó, có lẽ chúng ta chỉ biết thở dài ngao ngán và tiếc nuối cái thời xưa cũ, thời của bọn trẻ cách đây mấy chục năm. Nghỉ hè ngày ấy, bố mẹ chẳng bao giờ phải băn khoăn, lo lắng xem cho con chơi gì, làm gì, ở đâu. Vì lúc thì chúng giúp bố mẹ lao động như quét dọn, cơm nước, cho gà lợn ăn; lúc thì làm thêm kiếm tiền mua sách vở cho năm học mới như đan lưới, bóc lạc, xâu kim thêu thùa…; lúc thì chúng tụ tập chơi với nhau, có khi cả khu phố là một sân chơi, có khi cả những thứ bình thường bỏ đi cũng là đồ chơi. Những trò chơi ngày xưa rất phong phú, đa dạng, vừa có sự khéo léo của chân tay vừa có sự kết hợp của trí não như ô ăn quan, cá ngựa, chơi chắt, chơi chuyền, thả diều, bắn bi…Còn trẻ con bây giờ hình như không có trò gì khác ngoài game online thì phải.

Nhưng nói vậy, chẳng lẽ đành bó tay với mỗi dịp hè của trẻ hay sao? Thôi thì đành, trong khả năng của mình, từng gia đình hãy tự tìm cho con một kì nghỉ riêng. Chẳng hạn như gia đình tôi, ngay từ đầu phải thỏa thuận với con thời khóa biểu  có tên là “one hour” với hàm ý mỗi ngày làm nhiều việc, mỗi  việc dành 1 giờ để làm. Ví dụ như 1 giờ dành cho thể thao, 1 giờ dành cho lao động làm việc nhà, 1giờ đọc sách, 1 giờ tự học, 1 giờ xem ti vi…, còn thừa thời gian đâu thì con được hoàn toàn tự do, muốn làm gì cũng được. Kết quả thu về tuy không được hoàn hảo như ý muốn nhưng dù sao cũng giúp con vào quy củ, nề nếp, tránh sự lãng phí thời gian.

Tóm lại, con nghỉ hè, bố mẹ còn vất hơn đi học vì phải nghĩ ra nhiều chiêu thức để tạo nên một kì nghỉ có ích. Trong đó, con vừa được chơi vừa được học vừa được làm một cách nhẹ nhàng nhất.

Hà Đông

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.

Xin trân trọng cảm ơn!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm