Bạn đọc viết:

“Né” làm chủ nhiệm lớp vì “giáo viên chịu trách nhiệm”!

(Dân trí) - Bài viết “Vì sao giáo viên né khi được phân công làm chủ nhiệm lớp” của cô giáo LT trên báo Dân trí đã thẳng thắn nói hộ nỗi lòng của không ít người thầy vẫn đang ngày ngày gánh trên vai danh xưng “giáo viên chịu trách nhiệm”.

Một người bạn của tôi sau nhiều năm thảnh thơi với chuyên môn giảng dạy đã lắc đầu e ngại khi năm học này nhận nhiệm vụ chủ nhiệm lớp 8. Bạn bảo rằng thà mỗi tuần lên lớp thêm vài tiết mà khỏe thân vì hết tiết ôm cặp ra về. Chứ còn vướng vào công tác chủ nhiệm là quàng vào người biết bao công việc có tên lẫn không tên. Tôi nghĩ tâm sự của bạn cũng là nỗi lòng chung của không ít thầy cô hiện nay.

Nếu được chọn, tôi nghĩ nhiều người sẽ e ngại lắc đầu hoặc là miễn cưỡng đồng ý nhận nhiệm vụ kiêm nhiệm chủ nhiệm lớp. Bởi lẽ giáo viên chủ nhiệm (GVCN) được giảm 4 tiết/tuần nhưng đổi lại là một khối lượng công việc không hề nhẹ nhàng: phụ trách  sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt tập thể, hoàn thành hồ sơ sổ sách chủ nhiệm, sổ điểm học bạ, tổ chức hoạt động ngoài giờ lên lớp, chỉ đạo quản lý lao động vệ sinh…

GVCN còn là giáo viên “chịu trách nhiệm” khi phải “gánh” chất lượng hai mặt, vận động học sinh đến lớp, giao tiếp ứng xử với phụ huynh và “gánh” tất tần tật những vi phạm, sai lầm của học sinh. Nếu chẳng may chủ nhiệm lớp có nhiều học sinh chưa ngoan thì chẳng khác gì “ôm bom” bởi lời nhắc nhở từ cấp trên, lời phàn nàn của giáo viên bộ môn liên tục dội đến bên tai.

Nói thẳng ra, việc quy đổi và miễn trừ 4 tiết dạy/tuần so với áp lực mà GVCN phải chịu chẳng thấm vào đâu. Và làm tốt công tác GVCN đến đâu, hoàn thành nhiệm vụ của “người nhạc trưởng” đến mức độ nào phụ thuộc phần lớn vào cái tâm của mỗi người. Vậy nên, GVCN là người cần hơn ai hết những động lực để có thể hoàn thiện sứ mệnh cao cả “trồng người”.

Lòng yêu nghề mến trẻ bao giờ cũng là nội lực để GVCN hoàn thành tốt nhiệm vụ dạy người. Nhưng người thầy còn cần hơn hết những động lực tích cực từ sự đồng hành của phụ huynh, sự đồng thuận của xã hội và sự đồng tâm hiệp lực của toàn ngành Giáo dục để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Tuy nhiên, giữa bối cảnh nghề giáo đang bị bủa vây vì áp lực từ học sinh, phụ huynh và xã hội như hiện nay, GVCN lại càng phải đương đầu nhiều hơn với nhiệm vụ “chịu trách nhiệm”.  

Đơn cử như việc phòng chống bạo lực học đường mà toàn ngành đang triển khai. Ngành Giáo dục phải đi tiên phong không có nghĩa là GVCN là người chịu trách nhiệm chính mỗi khi có vụ bạo lực nào đó xảy ra. Hễ học sinh đánh đấm nhau, lập tức ngành Giáo dục đình chỉ GVCN, dư luận thì “ném đá” GVCN ư? Điều đó không công bằng!

Ngoài trừ giáo viên Toán và Văn với thời lượng gặp lớp chủ nhiệm nhiều hơn hẳn thì hầu như GVCN chủ yếu tiếp xúc với học sinh qua tiết sinh hoạt đầu tuần và cuối tuần. Việc nắm bắt tâm lý học sinh, theo dõi biểu hiện của các em, ngăn chặn những hành vi tiêu cực,… đòi hỏi người thầy phải thật sự bám sát lớp và song hành cùng các em ở tất cả các phương diện học tâp, rèn luyện, phong trào.

Nhưng người làm công tác chủ nhiệm đâu đơn thuần chỉ lo việc lớp. Còn đó chuyên môn dạy học, bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu, hồ sơ sổ sách, họp hành liên miên… 4 tiết quy đổi mỗi tuần cho nhiệm vụ quan trọng “dạy người” quả là ít ỏi.

Thay vì dồn ép thêm áp lực lên vai GVCN, xin hãy cho đội ngũ người thầy những động lực tích cực để tiếp tục là “người nhạc trưởng” toàn tâm…

Nguyễn Thùy

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.

Xin trân trọng cảm ơn!