Môn Hóa: Lực học Trung bình sẽ khó đạt điểm 5

(Dân trí) -Trong khi nhiều thí sinh nhận định đề thi tốt nghiệp môn Hóa năm nay dễ, nhiều giáo viên cho rằng: Đề thi năm nay khó hơn nhiều so với đề thi tốt nghiệp của những năm trước. Chỉ có thí sinh thi khối A mới đạt được điểm cao.

Nhiều thí sinh cho rằng đề thi môn Hóa rất dễ.

Nhiều thí sinh cho rằng đề thi môn Hóa rất dễ.

Ths. Hoàng Anh Tài - giáo viên Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) nhận xét đề tốt nghiệp năm 2014 môn Hóa: “Theo quan điểm của tôi, đề thi tốt nghiệp môn Hóa năm nay nội dung nằm trong sách giáo khoa lớp 12. Đề thi có 40 câu gồm có 8 câu bài tập và 32 câu lí thuyết, không còn phần tự chọn như mọi năm. Nhìn chung đề thi năm nay khó hơn nhiều so với đề thi tốt nghiệp của những năm trước. Có một số câu các thầy, cô sẽ không chú trọng khi ôn thi cho các học sinh. Ví dụ như (trong mã đề 486)

- Câu 3: Câu này trong chất rắn còn có NaOH còn dư.

- Câu 4: Đầu tiên Fe + HNO3 tạo ra muối Fe(NO3)3, sau đó sắt còn dư sẽ khử hoàn toàn muối sắt (III) tạo thành là muối sắt (II), nên muối thu được trong dung dịch là Fe(NO­3)2.

- Câu 7: Tất cả các chất đem đốt đề có dạng CnH2nO2 nên khi đốt cháy thì số mol nước bằng số mol CO2.

- Câu 9: Dùng bảo toàn nguyên tử H suy ra số mol H­2 bằng số mol H2SO4, rồi dùng bảo toàn khối lượng.

- Câu 32: Các bạn hay quyên công thức của axit glutamic (C3H5(NH2)(COOH)2). Chất rắn sau phản ứng gồm 0,2 mol NaCl, 0,09 mol (C3H5(NH2)(COONa)2) và 0,02 mol NaOH dư.

Những câu này tương đương với một số câu trong đề thi cao đẳng, đại học những năm trước đây. Với những học sinh không thi đại học môn Hóa thì những câu này gặp rất nhiều khó khăn.

Một số câu hỏi lí thuyết đòi hỏi học sinh phải nhớ ứng dụng của các chất, hiểu các khái niệm, điều kiện xảy ra phản ứng. Ví dụ như câu 1, 11, 12, 14, 17, 19, 30, 33 trong mã đề 486.

“Các bạn thi đại học khối A, B cũng nên tham khảo một số câu khó trong đề này khi ôn thi Đại học. Theo tôi, với đề thi này những học sinh có lực học trung bình hoặc các bạn không thi đại học khối A, B thì sẽ khó đạt điểm 5” - Thạc sĩ Hoàng Anh Tài chia sẻ.

Cùng nhận định về đề thi Hóa, thầy Trần Xuân Phú - giáo viên Hóa học Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) cho biết: “Đề thi này có độ khó tương đương như các năm trước. Tuy nhiên, một lợi thế năm nay đó là học sinh được quyền lựa chọn môn tương ứng với khối thi đại học. Vì vậy, với các học sinh ban tự nhiên, các em chỉ mất 30-40 phút là có thể hoàn thành bài làm”. Đề thi này có khoảng 7-8 phần tương đương với kỳ thi đại học.

Đối với các học sinh ban C, D nếu chọn thi môn Hóa, thầy Phú cho rằng, các bạn sẽ gặp khó khăn ở một số câu hỏi “hiểm hóc”, nhưng vẫn có thể đạt 7-8 điểm.

Theo thầy Phú, một điểm mới của đề thi năm nay đó là xuất hiện nhiều câu hỏi gắn với thực tế cuộc sống như cậu hỏi về bảo vệ ống thép (dẫn nước, dẫn dầu, dẫn khí đốt) bằng phương pháp điện hóa cần phải gắn vào mặt ngoài kim loại nào; hay cách xử lý chất thải có tính axit…

Hồng Hạnh (ghi)