Lùm xùm ở ĐH Tôn Đức Thắng: Xử lý không khéo sẽ đổ vỡ một mô hình tốt về tự chủ

(Dân trí) - Trong vụ lùm xùm ĐH Tôn Đức Thắng (TDTU), GS.TS Trần Đức Viên cho rằng, nếu TDTU, cơ quan chủ quản (Tổng LĐLĐVN) và cơ quan quản lý ngành (Bộ GD&ĐT) xử lý không khéo, có lý có tình, rất có thể họ sẽ làm đổ vỡ một mô hình tốt về tự chủ đại học.

Theo GS.TS Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Nông Nghiệp Việt Nam, sự việc ở trường ĐH Tôn Đức Thắng hiện nay là một trong những điển hình nhất về việc thực hiện tự chủ, cũng là một dịp tốt để Ban soạn thảo Nghị định qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật số 34 chỉnh sửa, bổ sung.

Lùm xùm ở ĐH Tôn Đức Thắng: Xử lý không khéo sẽ đổ vỡ một mô hình tốt về tự chủ - 1

Sinh viên quốc tế tại trường ĐH Tôn Đức Thắng

Cơ quan chủ quản không còn toàn quyền quyết định

Phóng viên: Hiện nay, ông đang là Chủ tịch Hội Đồng trường của Học viện Nông nghiệp, vậy theo ông vai trò của Hội đồng trường, vai trò của cơ quan chủ quản như thế nào ở một trường đại học đang thực hiện cơ chế tự chủ?

GS.TS Trần Đức Viên: Theo tinh thần của Nghị quyết 19-NQ/TW và của Luật số 34, Hội đồng trường (HĐT) là cơ quan quyền lực cao nhất, đại diện cho chủ sở hữu; ở các cơ sở giáo dục (CSGD) công lập thiết chế này là chủ sở hữu cộng đồng.

Ở đó, có đại diện chủ sở hữu của các bên có lợi ích liên quan (đại diện của tổ chức đảng, cơ quan chủ quản, cộng đồng xã hội, địa phương, người sử dụng lao động, doanh nghiệp, sinh viên, cựu sinh viên, phụ huynh, giảng viên, viên chức, lãnh đạo Nhà trường...), họ đại diện cho nhà nước và các chủ thể khác quản trị trực tiếp trường đại học. Đây còn là thiết chế thể hiện quyền dân chủ của CSGD.

Như vậy, đại diện cơ quan chủ quản là một thành phần đương nhiên của HĐT theo Luật định, nhưng vai trò của họ không phải là để chỉ đạo, để truyền đạt ý chí và nguyện vọng của lãnh đạo cơ quan chủ quản và yêu cầu CSGD phải thực hiện như thời còn cơ chế chỉ huy tập quyền.

Tư tưởng chỉ đạo của Nghị quyết 19/NQ-TW cũng nói rõ phải tiến tới bỏ cơ chế chủ quản; với các đơn vị sự nghiệp công lập, các trường đại học đã tự chủ hoàn toàn chi thường xuyên sẽ hoạt động theo mô hình như doanh nghiệp, thậm chí có quyền tổ chức thi tuyển và thuê hiệu trưởng. Chính vì vậy, cơ quan chủ quản chỉ có một vai trò hạn chế trong HĐT (không còn toàn quyền quyết định như với các CSGD chưa tự chủ).

Cũng lưu ý là, bỏ “cơ chế” chủ quản, ngay cả văn bản Luật số 34 cũng vậy, viết rất rõ: "bỏ cơ chế’ chủ quản, không có văn bản nào ghi “bỏ cơ quan chủ quản”.

Nghĩa là có thể vẫn còn cơ quan chủ quản, nhưng “cơ chế” quản lý kiểu cũ theo lối áp đặt, tập trung quan liêu không còn nữa, cơ quan chủ quản phải đồng hành với các CSGD trong việc hướng dẫn, hỗ trợ và giúp họ thực hiện tốt nhất các quyền tự chủ theo luật định.

Cơ quan chủ quản chỉ còn quyền sở hữu, còn quyền quản lý thuộc về hội đồng trường. Nhờ vậy, đại học tự chủ có thể tự quyết và chịu trách nhiệm giải trình về hầu hết các vấn đề liên quan đến sự phát triển của CSGD, không phải xin ai “cấp phép” để CSGD thực hiện mục tiêu, tầm nhìn, sứ mệnh và các giá trị cốt lõi mà CSGD đã cam kết và đang theo đuổi.

Lúc đó, Nhà nước và xã hội giám sát các hoạt động của CSGD qua các chỉ số KPIs (Key Performance Indicators –chỉ số kết quả đầu ra) mà CSGD đã cam kết hoặc do Nhà nước giao/đặt hàng, Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào quá trình hoạt động của CSGD theo cách "cầm tay chỉ việc" hay cơ chế chỉ huy tập quyền “thời chiến” nữa.

Đối với Học viện Nông Nghiệp, may cho chúng tôi khi thực hiện Nghị quyết 77, chúng tôi có vị Bộ trưởng rất am hiểu về tự chủ đại học. Ông bảo, tự chủ chứ không phải tự túc, nên ông đã hỗ trợ hết mức về CSVC cho Học viện để Học viện có thể vươn lên tổ chức các chương trình nghiên cứu đỉnh cao, phục vụ một số nhiệm vụ tái cơ cấu ngành.

Cụ thể, Bộ trưởng giao cho Học viện gần hoàn toàn tự chủ về tổ chức và nhân sự, thành lập HĐT, qui chế tổ chức và hoạt động… Nếu không có sự đồng hành và hỗ trợ quyết liệt như thế từ lãnh đạo Bộ chủ quản, chắc chắn Học viện Nông nghiệp không có được tầm vóc như ngày hôm nay.

Bổ nhiệm nhân sự phải thực hiện theo Luật

Từ vụ lùm xùm của trường ĐH Tôn Đức Thắng, theo ông bổ nhiệm nhân sự của Hội đồng trường và nhân sự Ban Giám Hiệu thực hiện theo quy định của cơ quan chủ quản hay theo quy định của Luật Giáo dục đại học?

Nhân việc nhà báo dùng từ “lùm xùm”, tôi muốn được giãi bày đôi điều trước khi trả lời câu hỏi.

Tôi thấy buồn và lo vì câu chuyện không vui này. Nói gì thì nói, phải thừa nhận trường ĐH Tôn Đức Thắng (TDTU) là trường tiên phong về tự chủ đại học, và họ đã đạt được các thành tựu rất đáng ngưỡng mộ. Hiện, Việt Nam có mấy trường đại học đã làm được như họ khi không lấy một đồng tiền thuế nào của dân.

Nếu TDTU, cơ quan chủ quản (Tổng LĐLĐVN) và cơ quan quản lý ngành (Bộ GD&ĐT) xử lý không khéo, có lý có tình, rất có thể họ sẽ làm đổ vỡ một mô hình tốt về tự chủ đại học.

Nếu điều đó xảy ra thì rất đáng tiếc, ai sẽ là người chịu trách nhiệm về sự đổ vỡ không đáng có ấy? Ai sẽ gánh gánh nợ mà TDTU đang phải vay để đầu tư? Chẳng lẽ phần thiệt thòi luôn thuộc về người học và gia đình họ?

Có lẽ những người cầm cân nảy mực cần nghĩ đến lợi ích của ngành, lợi ích của tiến trình tự chủ đại học mới chập chững những bước đi đầu tiên của nền GD ĐH nước nhà hơn là nghĩ đến những điều khác, việc khác không liên quan gì nhiều đến “đại cục” của công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT.

Trở lại câu hỏi về việc bổ nhiệm nhân sự, rõ ràng là phải chấp hành theo tinh thần của Nghị quyết TW 6-NQ/TW, Nghị quyết TW 19-NQ/TW và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học (Luật số 34) và Quyết định 105 của Ban chấp hành TW về công tác cán bộ.

Tất cả cán bộ, đảng viên đều phải gương mẫu chấp hành, rõ như ban ngày, sao nhà báo lại còn đặt câu hỏi “thực hiện theo quy định của cơ quan chủ quản hay theo quy định của Luật Giáo dục đại học”?

Khoản 3, Điều 16, Luật số 34 qui định rõ thẩm quyền quyết định nhân sự của trường đại học. Với quy định này, thành viên HĐT được chia thành 3 nhóm:

Thứ nhất, nhóm thành viên đương nhiên không do bất kỳ cơ quan nào chỉ định, gồm có bí thư cấp ủy, hiệu trưởng, chủ tịch công đoàn và đại diện ban chấp hành đoàn trường (là người học).

Thứ hai, nhóm thành viên trong trường được tập thể giảng viên, viên chức và người lao động bầu.

Thứ ba, nhóm thành viên ngoài trường. Trong nhóm này, có thành viên là đại diện cơ quan quản lý do cơ quan quản lý cử; còn lại phải do tập thể người lao động, giảng viên, viên chức CSGD bầu.

Lưu ý, đối với các thành viên đương nhiên, cơ quan quản lý không có quyền phê duyệt hoặc chỉ định hoặc quy hoạch mà là sự chỉ định, bầu theo qui định của pháp luật.

Nếu có quy hoạch, thì quy hoạch đó thuộc đề án vị trí việc làm và đề án nhân sự mà CSGD đã trình cho cơ quan có thẩm quyền thông qua. Vị trí các thành viên đương nhiên của HĐT cũng phải theo quy định pháp luật.

Đối với các thành viên do tập thể giảng viên, viên chức người lao động bầu thì cơ quan quản lý càng không thể chỉ định, cử, hoặc “quy hoạch” vì nếu làm như vậy, quyền của tập thể giảng viên, viên chức và người lao động của CSGD bị xâm phạm.

Điều 16, Hội đồng trường ĐH công lập tự chủ có thẩm quyền quyết định hiệu trưởng nhà trường theo thủ tục quy định tại Quy chế tổ chức và hoạt động của trường và trình cơ quan có thẩm quyền ra quyết định công nhận. Nghĩa là, Hiệu trưởng trường đại học do HĐT thực hiện qui trình bầu theo Qui chế tổ chức và hoạt động mang tính nội bộ của CSGD.

Cơ quan quản lý có thẩm quyền chỉ ra quyết định công nhận kết quả bầu mà thôi. Bộ NN&PTNT đã làm đúng như thế với Học viện Nông nghiệp, Bộ trưởng không “bổ nhiệm” Chủ tịch Hội đồng trường và Hiệu trưởng, chỉ công nhận kết quả bầu 2 chức danh này của HĐT.

Lùm xùm ở ĐH Tôn Đức Thắng: Xử lý không khéo sẽ đổ vỡ một mô hình tốt về tự chủ - 2

GS.TS Trần Đức Viên

Không bao giờ có chuyện “chia phần”

Học viện Nông nghiệp có phải thực hiện nghĩa vụ nộp phần trăm số kết dư của trường với cơ quan chủ quản không?

Không, không bao giờ có chuyện “chia phần” đậm nét xôi thịt như vậy của cơ quan chủ quản đối với một CSGD trực thuộc. Đây là lần đầu tiên tôi nghe thấy “câu chuyện” thật như bịa lạ lùng này trong lịch sử giáo dục Việt Nam.

CSGD dùng số kết dư để tiếp tục đầu tư, để liên tục nâng cao, cải thiện CSVC và điều kiện làm việc cũng như mức sống cho thày và trò nhà trường trong đào tạo, NCKH và dịch vụ xã hội, làm gì có chuyện phải “trích nộp cơ quan quản lý tối đa không quá 30% kết quả tài chính sau khi nộp thuế như cơ sở trường ĐH Tôn Đức Thắng.

Mức nộp cụ thể do cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp quyết định” như báo chí đưa tin? Qui định pháp luật nào cho phép cơ quan chủ quản làm như vậy?

Hơn thế, với Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cơ quan chủ quản là Bộ NN&PTNT còn đầu tư quyết liệt và dứt điểm các chương trình đầu tư trung hạn nâng cấp Học viện giai đoạn I (sẽ hoàn thành năm 2020) và chuẩn bị đầu tư nâng cấp Học viện giai đoạn II với số kinh phí lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Lãnh đạo Bộ đã làm việc trực tiếp với Ngân hàng thế giới và các bộ ngành liên quan để Học viện có được dự án đầu tư với số tiền tới 54,2 triệu USD, bắt đầu thực hiện từ năm 2019, và sẽ hoàn thành vào năm 2022.

Luật số 34 sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2019, theo ông Nghị định hướng dẫn Luật cần phải như thế nào để khi thực hiện tự chủ, các trường đại học thấy đó là tự chủ thực sự chứ không nửa vời? Sự minh bạch quản lý giữa Hội đồng trường với cơ quan chủ quản?

Xã hội đang trông chờ và kỳ vọng nhiều ở Nghị định này. Luật số 34 là sự thể hiện ý chí lãnh đạo của Đảng tại Nghị quyết TW 6 và các Nghị quyết, Quyết định khác của Đảng có liên quan đến giáo dục và đào tạo.

Nghị định phải đảm bảo yêu cầu về mặt chất lượng, đó là phải qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu, không “uốn éo” để ai cũng có thể chấp hành và thực hiện đúng.

Đặc biệt, cần tránh tối đa các từ và cụm từ mập mờ, bất định, đa nghĩa, dễ suy diễn theo các cách hiểu khác nhau, kiểu như “theo qui định của pháo luật’ nhưng không nói rõ là pháp luật nào, nhất là trong khi hệ thống pháp luật của chúng ta còn chưa hoàn chỉnh.

Có lẽ vì chưa có Nghị định, nên mới có chuyện “lời qua tiếng lại” giữa CSGD và cơ quan chủ quản như giữa TDTU và TLDLD.

Việc lùm xùm hiện nay giữa TLDLD với TDTU cũng là một dịp tốt để Ban soạn thảo Nghị định qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật số 34 chỉnh sửa, bổ sung thêm những điều cần thiết trước khi xin ý kiến rộng rãi và ban hành chính thức.

Muốn vậy, Nghị định phải bám sát tinh thần của Nghị quyết TW 6-NQ/TW, Nghị quyết TW 19-NQ/TW và Luật số 34 và Quyết định 105 của Ban chấp hành TW.

Xin trân trọng cám ơn ông!

Hồng Hạnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm