Luật sư: Làm rõ lời khai Giám đốc Sở GD-ĐT nhờ sửa bài thi 1 tỷ đồng/thí sinh
(Dân trí) - Hiện tại, ngoài lời khai một chiều từ bị can Trần Xuân Yến, thì chưa có thêm bất kỳ bằng chứng nào khác về hành vi “nhờ vả” sửa điểm cho 8 thí sinh của ông Hoàng Tiến Đức. Tuy nhiên, nếu đúng như lời khai thì ông Đức khó thoát khỏi tội danh lợi dụng chức quyền, tham nhũng, đưa hối lộ với mức án từ 10 – 20 năm tù giam.
Đó là ý kiến của Luật sư Quách Thành Lực, đoàn Luật sư thành phố Hà Nội trước thông tin cơ quan an ninh điều tra công an tỉnh Sơn La cho biết, bị can Trần Xuân Yến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT khai có 8 trường hợp sửa nâng điểm do chính ông Hoàng Tiến Đức, Giám đốc Sở "nhờ vả", trung bình mỗi thí sinh được nâng điểm có giá trên dưới 1 tỷ đồng.
Được biết, đến nay ông Đức vẫn hoàn toàn phủ quyết lời cáo buộc của bị can Trần Xuân Yến về mình là không có căn cứ và không đúng sự thật.
Phải có bằng chứng, sự thừa nhận của các bên
Theo Luật sư Quách Thành Lực, đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, hoạt động thi cử là để xã hội chọn ra người tài, bồi dưỡng tạo nguồn lao động chất lượng cao trong xã hội. Vậy mà điểm số lại được mua bán với giá “quá bèo” 1 tỷ đồng, chỉ để tạo ra những nhân tài giả tạo, trục lợi trước mắt mà quên lợi ích lâu dài cho đất nước.
Hiện tại, ngoài lời khai một chiều từ bị can Trần Xuân Yến, thì chưa có thêm bất kỳ bằng chứng nào khác về hành vi “nhờ vả” sửa điểm cho 8 thí sinh của ông Hoàng Tiến Đức; nên cơ quan tiến hành tố tụng không thể kết tội dựa trên những suy đoán, giả định. Tuy nhiên, nếu đúng như lời khai thì ông Đức khó thoát khỏi tội danh lợi dụng chức quyền, tham nhũng, đưa hối lộ với mức án từ 10 – 20 năm tù giam.
Riêng đối với các phụ huynh và cá nhân có hành vi nhờ cán bộ sửa nâng điểm thì chúng ta cũng phải đợi cơ quan điều tra đưa ra những bằng chứng như lời khai; sự thừa nhận của các bên; tài liệu ghi nhận việc chuyển, nhận tiền; thỏa thuận trong nhận tiền để nâng điểm… thì mới có căn cứ kết luận những phụ huynh đó phạm tội đưa hối lộ theo điều 364, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).
Cụ thể, Luật quy định, người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa cho người có chức vụ, quyền hạn để họ làm một việc vì lợi ích theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Nặng nhất là phạm tội trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất trị giá 1 tỷ đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
Đã quá rõ ràng về mức án phạt mà phụ huynh phải đối mặt với hành vì sai trái của mình, nhưng những điều này vẫn cần dựa trên các yếu tố như người trung gian, người lôi kéo, kẻ cầm đầu chi phối…tùy vào mức độ mà toàn án quyết định bản án cuối cùng của sự việc.
"Thiết nghĩ, để vãn hồi niềm tin của nhân dân vào nền Giáo dục Việt Nam cơ quan tiến hành tố tụng cần tiến hành triệt để đưa ra xử lý hình sự những người đồng phạm trong tội đưa hối lộ, nhận hối lộ với mức án thích đáng nhất"- luật sư Lực nhấn mạnh.
Không còn tư cách làm Giám đốc Sở GD-ĐT
GS.TS Nguyễn Thị Lan, Đại biểu Quốc hội khóa XIV cho rằng, thật không thể ngờ được một kỳ thi quan trọng bậc nhất lại có người vô tư dám mang bài thi về nhà để sửa nâng điểm cho thí sinh với giá tiền lớn như vậy.
Tôi không tin hành động thao túng và mua bán điểm này lại chỉ có 8 người đang bị bắt giam và chờ khỏi tố; đứng sau đường dây đó chắc chắn còn có những người “bảo kê” khác.
Theo GS Lan, hiện tại, ông Hoàng Tiến Đức đang được xã hội nhìn vào và theo sát “nhất cử, nhất động” của ông. Nhưng nếu xét về mặt pháp lý, cơ quan công an chưa có kết quả xác nhận lời khai của bị can Trần Xuân Yến đúng sự thực đến mức độ nào nên ông Đức vẫn đủ thẩm quyền lấy danh nghĩa đại diện Sở GD-ĐT Sơn La trả lời báo chí phủ nhận thông tin “nhờ” rút bài thi sửa nâng điểm cho 8 thí là điều dễ hiểu.
“Tuy nhiên tôi tin cơ quan điều tra sẽ sớm có đủ bằng chứng để truy đến cùng lời khai về các cá nhân có dính líu đến vụ việc chấn động ngành giáo dục này. Những cái tên sẽ dần được dần tiết lộ sớm trong thời gian sớm.
Ngoài mặt pháp lý, đứng về trách nhiệm quản lý Nhà nước, ông Hoàng Tiến Đức để xảy ra tình trạng gian lận thi cử và cấp dưới nhũng nhiễu “tác oai, tác quái” như vậy là kém năng lực quản lý, thiếu chuyên môn công tác hành chính. Do đó, tôi cho rằng ông Đức không đủ tư cách làm người đứng đầu đơn vị và phải chịu trách nhiệm những sự việc do cấp dưới của mình gây ra” - GS Lan nhấn mạnh.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đưa ra quan điểm, tôi rất bất ngờ với số tiền 1 tỷ đồng/ thí sinh sửa điểm, một việc làm trượt xa đạo đức nhà giáo. Nhưng đây không đơn thuần chỉ dừng lại ở vụ án tham nhũng, lợi dụng chức quyền, nó tàn phá và chà đạp lên niềm tin đối với nghề được cho là “cao quý nhất trong những nghề cao quý”.
Những hệ lụy của nó không thể đo đếm được và pháp luật cũng khó xử lý hết. Cho nên, tôi mong Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh Sơn La cùng cơ quan công an sớm có kết luận điều tra về ông Hoàng Tiến Đức, tránh càng để lâu nhân dân càng bức xúc.
Đồng thời, cũng đề nghị sớm công khai danh sách phụ huynh các thí sinh được nâng điểm và hướng giải quyết xử lý thỏa đáng. Tránh tình trạng thông tin mập mờ rằng đa số các vị phụ huynh đó là đảng viên, cán bộ trong các cơ quan Nhà nước…, càng làm dân chúng mất niềm tin.
Nếu cần thiết, hãy truy xuất nguồn tiền 1 tỷ đồng để mua điểm cho con từ đâu mà có; tôi tin nếu làm mạnh tay đến cùng thì chúng ta còn rất nhiều chuyện để bàn bạc lại, PGS Nhĩ cho hay.
Hà Cường