Lựa chọn môn thi THPT: Cả thầy và trò cùng băn khoăn!

Những lo lắng về việc phải đảm bảo chương trình học, bố trí giảng dạy các môn có ít học sinh đăng ký thi rất cần được ngành Giáo dục lắng nghe...

Từ nay cho đến cuối tháng 5/2015, thí sinh tham dự Kỳ thi Trung học phổ thông (THPT) quốc gia chính thức nộp hồ sơ đăng ký dự thi. Kỳ thi năm nay, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức thi 8 môn: Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ trong thời gian từ 1-4/7.

Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh phải thi 4 môn, gồm 3 môn thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một môn do thí sinh tự chọn trong các môn thi còn lại.

Năm 2015 là năm đầu tiên Việt Nam tổ chức kỳ thi THPT quốc gia
Năm 2015 là năm đầu tiên Việt Nam tổ chức kỳ thi THPT quốc gia.

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 có điểm mới không chỉ là xét tốt nghiệp THPT cho thí sinh mà còn là căn cứ quan trọng để các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) thực hiện công tác xét tuyển. Theo quy định của Bộ GD-ĐT, sau ngày 30/4, thí sinh không được quyền thay đổi môn thi THPT. Vì vậy, trước thời gian nộp hồ sơ đăng ký dự thi, thí sinh phải cân nhắc kỹ lựa chọn các môn thi phù hợp với năng lực, sở thích cũng như đủ tiêu chuẩn để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ lựa chọn và quan trọng hơn hết là có phù hợp với nghề nghiệp trong tương lai hay không.

Thời điểm này, các trường THPT đang tập trung ôn luyện cho học sinh tham dự kỳ thi THPT. Tuy nhiên, một số trường vẫn băn khoăn, lo lắng về sự lựa chọn các môn thi của học sinh.

Lúng túng trong việc giảng dạy môn học có ít thí sinh dự thi

Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường THPT Marie Curie Hà Nội trăn trở, đây là năm đầu tiên diễn ra kỳ thi THPT quốc gia nên kết quả của kỳ thi này không chỉ để xét tốt nghiệp THPT cho học sinh mà là căn cứ quan trọng để các trường ĐH, CĐ thực hiện công tác tuyển sinh. Vì vậy, việc chọn môn thi của học sinh tương đối sớm.

Ông Nguyễn Xuân Khang
Ông Nguyễn Xuân Khang.

Tuy nhiên, trong một lớp học có khoảng 40 học sinh nhưng chỉ có 2 em đăng ký môn thi nào đó (ví dụ như môn Sinh học), còn lại 38 học sinh không thi môn này thì nhà trường sẽ không biết giải quyết việc giảng dạy những môn học sinh ít đăng ký thi như thế nào.

Một vấn đề khác nữa là theo quy định của Sở GD-ĐT Hà Nội, thời gian để các trường THPT hoàn thành hồ sơ điểm số, đánh giá xếp loại học sinh là 15/5, thực hiện biên chế năm học kết thúc vào cuối tháng 5/2015 nên giáo viên vẫn dạy các môn thí sinh không thi như: Giáo dục công dân, Thể dục…

Thế nhưng, điều này lại mâu thuẫn với thực tế là vì muốn tập trung ôn luyện những môn thi THPT quốc gia, ngay từ khi biết thông tin phải lựa chọn môn đăng ký thi hay thậm chí từ học kỳ II, nhiều học sinh chỉ tập trung ôn tập những môn chọn lựa đi thi. Giáo viên cũng có tâm lý muốn cho học sinh tập trung ôn luyện tốt những môn các em lựa chọn.

Thực tế trên đã gây nên tâm lý căng thẳng không chỉ đối với giáo viên, học sinh mà còn với ban giám hiệu nhà trường trong việc đối phó, lựa chọn, giằng co giữa việc chạy theo biên chế năm học, giảng dạy và học tập theo hướng toàn diện các môn học cũng như cơ cấu môn thi.

Thầy giáo Nguyễn Xuân Khang kiến nghị, Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT Hà Nội nên nhìn thẳng vào bất cập trên để tháo gỡ khó khăn cho các trường THPT. Ví dụ như Bộ nên quy định chương trình học THPT có thể bắt đầu từ 15/8 năm trước đến tháng hết tháng 3 năm sau. Thời gian còn lại, từ tháng 4 cho đến tháng 7, giáo viên và học sinh tập trung giảng dạy, ôn luyện cho kỳ thi THPT quốc gia.

Ông Nguyễn Văn Thọ
Ông Nguyễn Văn Thọ.

Theo quan điểm của thầy Nguyễn Xuân Khang, những môn mà Bộ GD-ĐT không đưa vào danh sách để học sinh chọn thi THPT quốc gia thì nên cho các trường kết thúc sớm nhằm tập trung cho học sinh ôn tập những môn đi thi. Ngoài ra, Sở GD-ĐT Hà Nội cũng nên cho các trường được phép chia nhóm để quản lý và ôn luyện cho học sinh một cách khoa học, hiệu quả hơn.

Phát hiện năng lực toàn diện của học sinh sẽ chính xác hơn nếu…

Ông Nguyễn Văn Thọ, Phó hiệu trưởng trường THCS & THPT Tạ Quang Bửu, Hà Nội cho rằng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã nhấn mạnh đến giáo dục toàn diện cho học sinh hiện nay khác so với trước. Đó là giáo dục ở nhà trường cần quan tâm đến phát triển năng lực sáng tạo, tư duy của học sinh.

Tuy nhiên, các môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ là những môn bắt buộc thí sinh phải thi trong kỳ thi THPT quốc gia. Còn lại những môn khác như: Lịch sử, Địa lý… rất ít học sinh đăng ký thi thì một số trường THPT sẽ gặp khó khăn trong việc tổ chức giảng dạy, ôn luyện và phát triển năng lực toàn diện cho học sinh.

Nếu như việc giảng dạy, phát triển năng lực toàn diện của học sinh được thực hiện sớm hơn thì có lẽ việc lựa chọn các môn thi phù hợp với khả năng, sở thích của học sinh sẽ chính xác hơn cho cả thầy cô giáo và chính các em. Qua đó, việc tổ chức giảng dạy, ôn tập cũng thuận lợi hơn cho các trường THPT.

Ông Nguyễn Quốc Bình
Ông Nguyễn Quốc Bình.

Cùng quan điểm với Hiệu trưởng trường THPT Marie Curie và trường Tạ Quang Bửu, ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THPT Trần Phú, Hà Nội cho biết, thông qua những lần khảo sát đăng ký môn thi ở trường đã cho thấy, có sự lệch tương đối rõ ràng về tỷ lệ học sinh lựa chọn các môn thi. Vì vậy, việc quản lý và tổ chức dạy học đối với những môn không thi tốt nghiệp THPT đang là khó khăn đối với nhà trường.

Ngoài ra, việc điều động giáo viên chấm và coi thi cho một kỳ thi quốc gia có sự tham gia của một trường THPT kết hợp với các trường ĐH, CĐ và các tỉnh, thành khác cũng là vấn đề mà nhà trường đang còn lúng túng nên cần được hướng dẫn cụ thể hơn để tránh những sai sót đáng tiếc xảy ra.

Chỉ còn khoảng 3 tháng nữa sẽ diễn ra kỳ thi THPT quốc gia năm 2015. Những băn khoăn, lo lắng của một số hiệu trưởng trường THPT đối với việc vừa phải đảm bảo chương trình học, bố trí giảng dạy các môn có ít học sinh đăng ký thi cũng như ôn tập kỹ lưỡng những môn học sinh lựa chọn thi… rất cần được ngành Giáo dục địa phương và Bộ GD-ĐT lắng nghe, chia sẻ để có những giải pháp tháo gỡ nhằm phục vụ tốt hơn cho một kỳ thi quan trọng mang tầm cỡ quốc gia.

Theo Bích Lan
VOV.VN