Gia Lai

Lớp học xóa mù đặc biệt trên vùng cao

(Dân trí) - Hơn 10 năm qua, những lớp học xóa mù chữ trong Trại giam Gia Trung (Gia Lai) được đều đặn tổ chức nhằm dạy con chữ cho các phạm nhân. Nhận ra lỗi lầm, được dạy nghề, cái chữ, các phạm nhân khi trở lại với xã hội sẽ có điều kiện tốt nhất để hòa nhập với cộng đồng, làm lại cuộc đời.

Trại giam Gia Trung (Bộ Công an) nằm trên địa bàn huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai), tiếp giáp với các xã khó khăn như Đăk Ta Ley, Ayun, Đăk Jơ Ta. Trại giam là nơi chấp hành án phạt của hàng nghìn phạm nhân trong và ngoài tỉnh. Trong đó có một bộ phận không nhỏ phạm nhân hoàn toàn toàn không biết chữ hoặc học chưa xong phổ cập. Chính vì vậy, hơn 10 năm qua, trại giam đã phối hợp với Phòng GD&ĐT huyện Mang Yang, Trường Tiểu học Đăk Ta Ley mở từ 2 - 3 khóa học/mỗi năm để dạy học cho các phạm nhân.

Lớp học xóa mù đặc biệt trên vùng cao - 1
Các phạm nhân được các cán bộ quản giáo Trại giam Gia Trung luyện đánh vần, viết chữ tại lớp học xóa mù chữ

Dưới sự hướng dẫn của các cán bộ quản giáo, hàng chục học sinh trong lớp học xóa mù đang đánh vần, luyện từng nét chữ đầu đời. Lớp học là một hội trường nhỏ dành cho phạm nhân học tập, sinh hoạt với không gian rộng rãi và thoáng mát. Có nhiều phạm nhân đã ngoài 40 tuổi nhưng vẫn tham gia học để biết chữ, mai sau ra làm lại cuộc đời.

Một phạm nhân tâm sự: “Do nhận thức chưa cao, nghe lời dụ dỗ của những đối tượng xấu nên tôi đã vi phạm pháp luật và giờ phải chịu trách nhiệm với những việc mình đã làm ra. Khi vào đây, tôi được các cán bộ dạy biết chữ và nghề nghiệp để mai sau ra xã hội có thể lập nghiệp vào sức chính mình để không phải đi lầm đường, lạc lối như xưa”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Vĩnh Hoàng - Phó Phòng GD&ĐT huyện Mang Yang cho biết: “Hầu như mỗi năm, trại giam Gia Trung đều mở từ 2 - 3 lớp học xóa mù chữ. Đối với năm 2019, trại đã tổ chức 1 khóa học với tổng số học sinh 61 học sinh tham gia học chương trình xóa mù. Nắm được những nghĩa cử cao đẹp đó, phòng giáo dục đã phối hợp và chỉ đạo trường Tiểu học Đăk Tơ Ley gần trại giam để giúp đỡ trong công tác dạy học, hỗ trợ thi và cấp chứng chỉ cho các học sinh. Các học sinh khi hoàn thành xong chưa trình xóa mù chữ sẽ được trại giam Gia Trung tiếp tục mở lớp học sau khi xóa mù chữ.”.

Lớp học xóa mù đặc biệt trên vùng cao - 2

Trại giam Gia Trung thực hiện nhiều hoạt động tiếp sức và giúp đỡ học sinh mồ côi đến trường trên địa bàn huyện Mang Yang (Gia Lai).

Ngoài mở lớp học xóa mù chữ, hàng năm Trại giam Gia Trung còn phối hợp với các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn huyện để hỗ trợ học sinh đến trường. Cụ thể, mỗi năm trại dành khoảng 50 triệu đồng để tặng quà cho các cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn, cố gắng vươn lên đạt thành tích cao trong học tập. Nhiều cán bộ, chiến sỹ không quản ngại đến từng gia đình đồng bào vận động họ đưa con em đến trường; đóng góp tiền của, công sức vào xây dựng trường học, tạo điều kiện cho thầy, cô và các em học sinh thi đua học tốt, dạy tốt. Mỗi năm trại đều tặng sách vở, quần áo cho học sinh nghèo.

Đặc biệt, trại cũng hỗ trợ cho 3 cháu học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mồ côi cả cha và mẹ mà đơn vị đã nhận đỡ đầu, mỗi cháu 1 suất quà trị giá 500.000 ngàn đồng/tháng. Trong năm 2011, đơn vị đã đầu tư xây dựng cho xã Đăk Taley 1 trường mẫu giáo trị giá trên 600 triệu đồng và bàn giao cho xã đưa vào sử dụng từ năm 2012.

Lớp học xóa mù đặc biệt trên vùng cao - 3
Các cán bộ chiến sỹ trại giúp dân xây trường học và dọn dẹp khuôn viên các điểm trường làng

Đại tá Nguyễn Đình Ba - giám thị Trại giam Gia Trung cho biết: “Lớp học xòa mù chữ được trại giam phối hợp cơ quan trên địa bàn huyện để tổ chức hàng năm. Cũng do trình độ văn hóa, nhận thức còn thấp nên các phạm nhân mới đi vào con đường tội lỗi. Lớp học xóa mù mở ra nhằm mục đích tạo điều kiện cho phạm nhân nâng cao trình độ học tập, tăng cường kĩ năng sống để sau khi ra xã hội có thể làm lại cuộc đời. Mỗi năm, trại giam mở khoảng 2 khóa với 50 - 100 học sinh. Các học sinh tham gia học đều được cấp chứng chỉ xóa mù chữ. Ngoài việc dạy chữ, trại còn mở các lớp dạy nghề cho phạm nhân được học nghề tự nuôi sống bản thân và gia đình.

Phạm Hoàng