Lớp học xóa mù chữ "đơn độc" trong đêm tối ở lưng chừng núi

(Dân trí) - Lớp học xóa mù chữ nằm đơn độc ở lưng chừng núi, xung quanh bốn bề chỉ toàn cây rừng; xa xa lại có đốm sáng trắng từ chiếc bóng đèn tiết kiệm hắt lên, nhưng dường như lại bị bóng tối của núi rừng nuốt trọn lớp học.

Vượt gần 30km đường đèo từ trung tâm huyện Quản Bạ - Hà Giang, băng qua hơn 40 cung đường gấp khúc mà người dân bản địa ví như “khúc cua tay áo”. Chúng tôi đã có mặt tại lớp học xóa mù chữ “đặc biệt” tại thôn Cốc Méo, xã Bát Đại Sơn để cùng tìm hiểu về những khó khăn xóa mù chữ nơi biên cương.

Lớp học xóa mù chữ đặc biệt nơi địa đầu Tổ quốc

Tuổi “học sinh” gấp 3 lần cô giáo

Lớp học nằm đơn độc ở lưng chừng núi, lúc này đã là 19h30 trời tối đen như mực, xung quang bốn bề chỉ toàn cây rừng; xa xa lại có đốm sáng trắng từ chiếc bóng đèn tiết kiệm hắt lên, nhưng dường như lại bị bóng tối của núi rừng nuốt trọn lớp học.

Dù đã tới giờ vào lớp, nhưng mới chỉ có lác đác vài ba “học sinh” tới. Một cô giáo dáng người nhỏ nhắn, vẫn đang đứng bên hiên, ngóng đợi đón từng “học sinh đặc biệt” vào lớp - đó là Cô giáo chủ nhiệm lớp xóa mù chữ Tăng Tố Hương.


Cô giáo Tăng Tố Hương hướng dẫn cả lớp đánh vần bài học

Cô giáo Tăng Tố Hương hướng dẫn cả lớp đánh vần bài học

Cô Tố Hương gọi đây là lớp học đặc biệt; đặc biệt ở vị trí, ở giờ học, ở cách học và ở khoảng cách độ tuổi của Cô và “ học sinh”. “Học sinh” thường đa dạng về độ tuổi từ 15 tới hơn 60 tuổi. Thậm chí có những người đi học tuổi đời gấp 3 lần cô giáo. Nhưng khi tới lớp vẫn là học sinh, được cô Hương gọi với cái tên thân mật các anh, chị, cô, chú như người thân thiết trong gia đình.

“học sinh 100% là dân tộc Mông đã cao tuổi, tôi gọi như vậy vừa không có khoảng cách, “học sinh” không bị áp lực, thấy thân thiết như người trong một nhà thì sẽ dễ học bài hơn. Một phần gọi vậy cũng để cho tôi thấy đỡ nhớ nhà, nhớ anh em của mình ở quê” cô Hương cười dịu dàng nói.

Tới hơn 8 giờ 30 phút tối, lớp học đã được bắt đầu với 15 học sinh. Cô Hương bắt đầu nhắc lại bài cũ bằng cách cho học sinh đánh vần 1 đoạn văn ngắn chừng 2 – 3 câu. Người nào nhớ thì đọc to theo Cô; người nào không nhớ thì ngại, cúi thấp mặt xuống đọc lí nhí chẳng ai hiểu họ đang thì thầm điều gì với cái hộc bàn.

Có trong mơ tôi cũng không thể tưởng tượng được rằng, ở những năm 2018 của thế kỉ 21 tiên tiến, lại vẫn có lớp học kiểu vỡ lòng cho những người đáng tuổi cha, chú mình như vậy.


Ông Vàng Nhìa Tráng, 57 tuổi đang nắn nót viết từng chữ một

Ông Vàng Nhìa Tráng, 57 tuổi đang nắn nót viết từng chữ một

Trò chuyện cùng ông Vàng Nhìa Tráng, 57 tuổi nhưng đã rụng hơn nửa số răng, da ngăm đen, những nếp nhăn đã kín khuôn mặt lam lũ ấy. Ông cặm cụi đánh vần từng chữ cái trên bảng tưởng chừng như rất khó nhọc:

- Ông học lớp này được lâu chưa ?

- Được 2 năm rồi, chữ trả cô hết, mà không nhớ tí nào.

- Ông có đọc được hết những chữ cái cô giáo dạy không ?

- Ở lớp đọc được, về nhà quên ngay.

- Tại sao mình tuổi cao rồi bây giờ mới đi học?

- Trước không có điều kiện, nên bây giờ mới được đi học.

Đoạn trò chuyện ngắn ngủi ấy thôi, nhưng so với cả lớp, ông Tráng là người duy nhất có thể trò chuyện, hiểu được tiếng phổ thông. Số còn lại khi được hỏi đều chỉ cười vì vừa ngại, vừa không thể nói được, phải nhờ đến sự phiên dịch của các cán bộ địa phương.

Theo như cô giáo lí giải về việc này cho rằng “cũng như chúng ta đi học ngoại ngữ, càng cao tuổi thì độ tiếp thu càng khó. Người dân không có nhu cầu thiết thực là đi học. Họ quan niệm học chữ quốc ngữ không ra tiền, không ra khoai, ra ngô.

Chưa kể những ngày mùa vụ, đi nương rẫy thì gần như học sinh đến lớp là không có. Hay có những người muốn đến lớp phải đi bộ 1 tiếng, 2 tiếng đường núi thì họ càng không có động lực để đi học sau một ngày đi làm vất vả. Một tuần duy trì được 3 buổi học, buổi nào nhiều thì có tầm 15 người đi học, buổi nào ít thì chỉ có 2 người đến lớp đã là quý lắm rồi.


Bà Hàu Thị Cắng khó khăn lắm mới viết được tên và đánh vần tên mình theo tiếng phổ thổng.

Bà Hàu Thị Cắng khó khăn lắm mới viết được tên và đánh vần tên mình theo tiếng phổ thổng.

Có nhiều khi đi vận động, dân cứ thấy bóng dáng cô giáo từ đầu bản đã đóng cửa không tiếp; có nhà thì giả ốm chùm chăn ngủ. Cô giáo đi về là “bật dậy” đi chơi, đi uống rượu luôn. Lí do duy nhất để thuyết phục họ “đi học mới viết được tên để nhận chính sách của Nhà nước hỗ trợ, vì không được điểm chỉ bằng vân tay nữa”. Ngoài ra, tất cả các lí do khác đều bị né tránh, cô Hương thẳng thắn chia sẻ.

Xóa mù rồi tái mù – vòng luẩn quẩn chưa hồi kết

Bắt đầu dạy lớp học xòa mù chữ từ năm 2014, tính đến nay đã được 4 lớp học, mục tiêu đặt ra khi công nhận “tốt nghiệp” lớp xóa mù chữ là học sinh có thể biết được mặt chữ, số; viết chữ và viết được cái tên của mình là điều mừng nhất, cô Hương chia sẻ.


Cô giáo luôn kiên trì chỉ tận tay cho từng học sinh đánh vần

Cô giáo luôn kiên trì chỉ tận tay cho từng học sinh đánh vần

Nội dung chương trình của lớp xóa mù chữ thì tương đương với chương trình học của tiểu học. Nhưng bên trong nội dung tập đọc thì có khác hơn, được thay thế bằng các nội dung liên quan tới đời sống sinh hoạt của người dân vừa dạy vừa tuyên truyền như: nạn tảo hôn, kế hoạch hóa gia đình, nạn vượt biên hay các nét văn hóa dân tộc sát thực nhất với bà con.

Sau hơn 4 năm đứng lớp, 80 học viên là con số đã được xóa mù trong 4 năm qua của xã Bát Đại Sơn nói chung, nhưng khi khảo sát lại thì trong đó có tới hơn 1/4 số học sinh tái mù chữ. Cô Hương rất trăn trở, mỗi lần như vậy lại vận động bà con tới lớp để ôn luyện lại từ đầu mới theo kịp được tiến độ của lớp.

Anh Thào Mí Quả, Phó Chủ tịch xã Bát Đại Sơn, Trưởng ban xóa mù chữ cho biết, xã đã có điện, có sóng phát thanh – truyền hình đấy nhưng vì nhiều người dân không quen nói tiếng phổ thông, toàn giao tiếp bằng tiếng Mông nên dù có tivi, có ra-đi-ô, có sách báo, bà con cũng chẳng thể tiếp cận. Thành thử ra, cứ không đi học vài tháng vài năm là lại có người tái mù chữ.

Anh Quả chia sẻ thêm, kết quả thì cũng có đấy, nhưng “gieo chữ” đã khó, việc giúp bà con “giữ chữ” lại càng gian nan hơn. Không ít người sau khi “tốt nghiệp” lớp xóa mù chữ, do trong sinh hoạt chỉ sử dụng ngôn ngữ của dân tộc mình nên số lượng từ phổ thông ít ỏi học được cứ rơi rụng dần.

Hơn nữa, thường các lớp xóa mù chữ chỉ được tổ chức trong 1 năm học (9 tháng). Trong thời gian ngắn ngủi đó, người học chỉ có thể tiếp cận được một ít từ vựng cơ bản. Khi về lại thôn bản, lại không thường xuyên sử dụng nên “tái mù” là điều dễ hiểu. Chương trình xóa mù chữ vì thế cứ làm suốt năm này sang năm khác.

Theo như số liệu Xã Bát Đại Sơn cung cấp, hiện này trên địa bàn toàn xã, số người mù chữ trong độ tuổi từ 15– 60 tuổi có khoảng hơn 400 người chưa kể số lượng bà con tái mù. Trong khi, sau mỗi 1 năm học chỉ có khoảng trên dưới 20 học sinh được xóa mù chữ. Con đường gieo chữ bản cao sẽ còn gian truân trường kì.

Hà Cường

Dòng sự kiện: Gương sáng giáo dục