Vĩnh Long:

Lão nông gần 20 năm mở thư viện tư nhân để giúp học trò nghèo

(Dân trí) - Gần 20 năm trôi qua, lão nông Huỳnh Tấn Hưng, SN 1958 (ngụ ấp 8, xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) vẫn miệt mài đi thu gom sách đem về nhà nhằm giúp học trò nghèo, người dân xung quanh có sách đọc. Việc làm của ông không chỉ giúp nhiều học sinh thành đạt mà nhiều người học hỏi kinh nghiệm phục vụ sản xuất.

Sinh ra trong gia đình nông dân nghèo nên thời đi học của ông Hưng sách rất quý hiếm. Sau này, khi lập gia đình rồi làm nông dân ông vẫn đam mê sách vì đối với ông ở vùng quê chỉ có sánh mới mở mang kiến thức, phục vụ cho nông dân áp dụng các mô hình, cách làm hay.

Tuy nhiên, ở địa phương vùng sâu, đường xá chưa phát triển nên việc ra thư viện huyện mượn sách về đọc tham khảo rất vất vả. Từ đó, ông luôn có suy nghĩ phải thu gom sách lại một nơi để giúp người dân và học sinh có sách để đọc, mở mang kiến thức.

Thư viện sách tư nhân của ông Hưng

Cơ hội tập hợp sách để với ông vào năm 1998, khi đó một cán bộ về địa phương công tác và mang theo sách đọc. Ông Hưng kể lại: “Lúc đó thấy tôi mê sách quá nên khi hết chuyến công tác người cán bộ này đã tặng cho tôi 30 quyển sách chủ yếu là sách pháp luật và tiểu thuyết.

Sau đó, phòng tư pháp huyện thấy vậy đầu tư cho tôi tủ sách pháp luật để thành lập điểm đọc sách cho bà con trong ấp. Trong thời gian dài, tôi gom sách rồi nhiều tổ chức, cá nhân thấy vậy cũng góp vào và tôi thành lập thư viện tư nhân mang tên Tứ Hưng”.

Thư viện không thiết kế cửa nên bạn đọc có thể ghé bất cứ lúc nào
Thư viện không thiết kế cửa nên bạn đọc có thể ghé bất cứ lúc nào

Bên trong thư viện của cả nội quy đọc, mượn sách
Bên trong thư viện của cả nội quy đọc, mượn sách

Khi có nhiều sách, niềm vui mừng nhất của ông Hưng là giúp được nhiều người dân mở mang kiến thức, các cháu thiếu nhi được đọc truyện tranh - điều mà trước đó chỉ người ở thị trấn hay trung tâm tỉnh lỵ mới có. Từ vài chục quyển sách ban đầu, đến nay thư viện của lão nông này có hơn 7.400 quyển sách với đầy đủ các thể loại từ văn học nghệ thuật, pháp luật, kỹ thuật nông nghiệp, sách giáo khoa, truyện tranh… Thư viện của ông không chỉ phục vụ cho người dân trong ấp mà còn các ấp, xã ở giáp ranh cũng đến đây đọc hay mượn sách về nhà đọc.

Ông Hưng sắp xếp sách ngăn nắp để bạn đọc dễ tìm
Ông Hưng sắp xếp sách ngăn nắp để bạn đọc dễ tìm

Theo ông Hưng, mỗi ngày thư viện phục vụ khoảng 12 đến 15 lượt người đến mượn sách và đọc tại chỗ. Gần đây khi công nghệ thông tin, mạng internet phát triển, số lượng người đến thư viện đọc sách có giảm nhưng ông và gia đình quyết duy trì hoạt động của thư viện để phục vụ người dân, nhất là đối với học sinh nghèo.

Bạn đọc của thư viện phần đông là học sinh ở dịa phương
Bạn đọc của thư viện phần đông là học sinh ở dịa phương

Đến thư viện kiêm nơi ở của ông Hưng, nhiều người khá bất ngờ khi nơi đây có rất nhiều sách được sắp xếp khoa học với nhiều thể loại, chuyên mục để người dân dễ dàng tìm kiếm. Bên trong còn có dãy bàn dài để ngồi đọc sách và có cả bảng nội quy về giờ hoạt động, số lượng, thời gian mượn sách…

Điều đặc biệt nhất so với các thư viện khác là nơi đây không có cửa suốt gần 20 năm qua để người dân có thể đến đọc sách bất cứ lúc nào. Ông Hưng lý giải: “Cả gia đình tôi đều được cán bộ thư viện tỉnh tập huấn nên đều có thể quản lý thư viện này được. Tuy nhiên, gia đình làm nông nghiệp phải thường xuyên ở ngoài đồng nên tôi mới thiết kế thư viện không có cửa để ai cũng có thể đến đọc sách vào bất kỳ thời điểm nào. Nhà không có cửa nhưng nhiều năm qua lại không bao giờ xảy ra việc mất sách”.

Ông Hưng bên những cuốn sách trong thư viện của mình
Ông Hưng bên những cuốn sách trong thư viện của mình

Thư viện của ông Hưng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng bằng khen
Thư viện của ông Hưng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng bằng khen

Nhờ có sách, nhiều người dân ở địa phương được tiếp cận kiến thức để áp dụng vào động ruộng hay chuyển dịch cơ cấu sản xuất. Ông Trần Ngọc Mười Sáu, nông dân ấp 8 (xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình) cho biết: “Hơn chục năm nay, tôi là người thường xuyên đến mượn sách ở thư viên tư nhân của ông Hưng để mang về nhà đọc.

Trong đó, nhiều quyển sách dạy kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt rất bổ ích đối với nông dân vì không phải cái gì mình cũng biết nên phải nhờ sách để tham khảo thêm. Ngoài ra, nơi đây có rất nhiều loại sách phục vụ cho nhu cầu từ các cháu thiếu nhi, thanh niên đến người lớn tuổi. Bây giờ đã lớn tuổi nhưng lâu lâu tôi cũng ghé nhà sách của ông Hưng để xem có sách gì mới để mượn về nghiên cứu”.

Ông Hưng kể về ý tưởng mở thư viện tư nhân

Cũng nhờ có thư viện này mà 4 đứa con của ông Hưng đều tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định. Đồng thời, nhiều thế hệ học sinh ở địa phương giờ học hành thành tài. Ông cho rằng dù khó khăn mấy cũng ráng giữ gìn và phát triển thư viện này với tâm niệm: “Văn hóa đọc không bao giờ mất, có sách là sẽ có tri thức”.

Hoàng Trung