Làm gì khi con lộ “ảnh nóng” trên mạng?

(Dân trí) - Vụ việc nữ sinh 15 tuổi ở Đồng Nai uống thuốc tự vẫn mới đây không chỉ chấn động thế giới mạng mà còn còn khiến không ít phụ huynh "giật mình" và tự hỏi: "Phải làm gì khi con mình bị lộ "ảnh nóng"?

Không còn né tránh, nhiều phụ huynh đặt câu hỏi: “Con tôi cũng đã có Facebook, nếu như một ngày cháu như cô bé ở Đồng Nai, bị tung ảnh, clip “nhạy cảm” lên mạng thì bố mẹ phải làm gì?”. Vấn đề được thẳng thắn đặt ra tại toạ đàm “Khi con rơi vào vùng nguy hiểm của mạng xã hội” vừa diễn ra tại TPHCM do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Hội quán Các bà mẹ tổ chức.

Phụ huynh tham gia buổi toạ đàm 
Phụ huynh tham gia buổi toạ đàm “Khi con rơi vào vùng nguy hiểm của mạng xã hội”

Cứu con khỏi “tâm bão”

Khi sự việc đã rồi, chuyên gia trẻ em Nguyễn Lan Hải cho biết, phụ huynh cần làm ngay lập tức ôm con vào lòng giúp trẻ tìm lại được sự bình yên trong gia đình.

Đang là lúc trẻ rơi vào “tâm bão”, bố mẹ cần phải làm cho dịu xuống. Lúc này, cần tránh tuyệt đối những lời phán xét, phê bình hay là truy tìm nguyên nhân. Bố mẹ thường có xu hướng la mắng, cho rằng con bôi troi trát trấu vào mặt mình.

Khi con trẻ đã được trấn an bằng tình thương của người thân, bố mẹ cần cách ly con khỏi mạng xã hội ngay. Nếu sự việc nghiêm trọng, để cứu cả cuộc đời con thì đừng tiếc một hai tháng, thậm chí nửa năm, một năm đến trường của con để thay đổi môi trường sống của trẻ bằng việc về quê, đi du lịch… Đặc biệt, nên cho trẻ tham gia vào các hoạt động xã hội để trẻ tìm lại ý nghĩa của cuộc sống và chờ cơn bão đi qua.

Sau đó, bố mẹ mới trao đổi với con về vấn đề đã qua, xem đó là một “sự cố” trong cuộc đời để tìm ra những giá trị sống quan trọng, ý nghĩa.

ThS Nguyễn Lan Hải cho biết có 10% bạn trẻ muốn tự tử khi bị ném đá trên mạng 
ThS Nguyễn Lan Hải cho biết có 10% bạn trẻ muốn tự tử khi bị "ném đá" trên mạng 

Như trường hợp bé gái ở Đồng Nai, giá như em không tìm đến cái chết mà chỉ cần “nhấn nút thoát” khỏi mạng xã hội thì cơn bão cũng sẽ nhanh qua thôi, chẳng mấy chốc cộng đồng mạng sẽ lại quay cuồng bận tâm đến những cơn sóng mới.

Từ khảo sát của mình và cộng sự thực hiện với hơn 8.000 bạn trẻ, bà Hải cảnh báo khi bị “ném đá” trên mạng, có đến 20% bạn trẻ thấy mình bị sỉ nhục, 40% thấy mình bị mất giá trị và 10% muốn tự tử. Đây là điều phụ huynh cần hết sức lưu ý.

ThS Giáo dục Phạm Thị Tuynh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Việt Mỹ bày tỏ quan điểm vào  lúc này chính bố mẹ phải mạnh mẽ hơn bao giờ hết, không được gục ngã. Người mẹ mà khóc lóc, suy sụp thì trẻ sẽ càng hoảng sợ, thấy bế tắc, không biết tìm điểm tựa nào. Người bố cũng cần thể hiện vai trò của mình vì sự mạnh mẽ của bố sẽ là chỗ dựa vững chắc cho con.

“Trước mỗi sự cố cuộc đời, nếu đứa trẻ vượt qua được thì sau đó chúng sẽ rất trưởng thành, mạnh  mẽ. Và hơn lúc nào hết, lúc này rất cần bố mẹ ở bên con”, bà Tuynh nói.

Đừng bỏ quên tương tác thật

Đối với thế giới mạng với vô số cạm bẫy mà con trẻ rất khó để lường hết được. Nhiều em thật sự cô đơn ở một thế giới quá rộng lớn tưởng như đông vui, nhộn nhịp. Sự cô đơn đó cùng với việc thiếu sức đề kháng ở “sân chơi” này có thể kéo đến những hậu quả khó lường.

Tuy nhiên khâu bảo vệ an toàn bản thân trên mạng lại đang bị coi nhẹ như lời ThS Lan Hải “Các bạn làm đủ trò trên mạng xã hội, thậm chí cuộc sống vui buồn trên đó nhưng chẳng bao giờ chịu học về an toàn bản thân trên mạng”.

Và chính phụ huynh cũng bỏ quên việc trang bị các kiến thức, kỹ năng cho con trước khi làm quen với thế giới ảo. Họ buông lỏng mặc kệ trẻ vùng vẫy cũng là tiếp tay đẩy con vào “vùng nguy hiểm”. Nhiều phụ huynh tại buổi toạ đàm thừa nhận, con sử dụng Facebook nhiều năm nay mà bố mẹ không hề hay biết.

Nhiều bạn trẻ đang cực kỳ cô đọc trên thế giới mạng tưởng như đông đúc, nhộn nhịp
Nhiều bạn trẻ đang cực kỳ cô đọc trên thế giới mạng tưởng như đông đúc, nhộn nhịp

Trẻ có hành vi tiêu cực, tìm đến cái chết khi gặp “bão” trên mạng xã hội không chỉ vì thế giới ảo quay lưng lại, ném đá vào các em mà chủ yếu là do các em cô độc, không tìm thấy được sự quan tâm, yêu thương, sự bảo vệ từ gia đình trong thế giới thực.

Chuyên viên tâm lý học đường Lê Thuỵ Bảo Nhi bày tỏ, điều đáng ngại nhất là chúng ta đang bỏ quên tương tác thật với con trẻ. Trong khi tương tác này phải duy trì hàng giờ, hàng ngày để nắm được vấn đề của con, những nguy hiểm mà con phải đối diện để hỗ trợ trẻ kịp thời.

Bà Phạm Thị Tuynh cũng chia sẻ lo ngại hầu hết phụ huynh vẫn còn tâm lý khi xảy ra hậu quả rồi mới vào cuộc, khi trẻ gặp sự cố mới cuồng cuống tìm cách cứu con mà thiếu sự chuẩn bị đồng hành cùng con từ trước.

“Như buổi trao đổi hôm nay đây rất có ích, tôi đã gửi thư mời cho hàng trăm phụ huynh nhưng nhìn xem… chỉ một vài người đến tham dự. Trong khi con trẻ với mạng xã hội là vấn đề rất đáng lo ngại hiện nay”, giọng bà Tuynh buồn bã.

Trong khi để trẻ tránh được những vấp váp không đáng có cũng như bản lĩnh để vượt lên những cố trong cuộc đời, các em rất cần được trang bị những giá trị, kiến thức về tình yêu, tình bạn, biết yêu thương, trân trọng giá trị bản thân...

Hoài Nam