Khánh Hòa chú trọng giáo dục mầm non ở miền núi, vùng đồng bào thiểu số

(Dân trí) - Theo kế hoạch phát triển giáo dục mầm non tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2018-2025, Khánh Hòa sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục mầm non ở các xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Khánh Hòa chú trọng giáo dục mầm non ở miền núi, vùng đồng bào thiểu số - 1

Một tiết học ngoài trời của học sinh mầm non ở Khánh Hòa

Theo đó, Khánh Hòa phấn đấu đến năm 2025, có ít nhất 35% trẻ em độ tuổi nhà trẻ, 95% trẻ em độ tuổi mẫu giáo, trong đó hầu hết trẻ mẫu giáo 5 tuổi được đến trường, tỷ lệ huy động trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập chiếm từ 35% trở lên. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm 2%, thể thấp còi giảm 2%.

Khánh Hòa cũng phấn đấu đến cuối năm 2025 có 90% giáo viên đạt trình độ từ cao đẳng sư phạm trở lên; 85% đạt chuẩn nghề nghiệp mức độ khá trở lên; đảm bảo các chính sách cho giáo viên, nhân viên hợp đồng ổn định đời sống, yên tâm công tác trong ngành.

Phấn đấu đến cuối năm 2025 có 60% trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, trong đó có ít nhất 15 trường đạt chuẩn mức độ 2; 60% trường đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục; 100% trường, nhóm, lớp có đủ và đồng bộ đồ dùng, đồ chơi trong lớp và ngoài trời.

Khánh Hòa cũng tiếp tục nâng cao chất lượng thực chất việc thực hiện chương trình giáo dục mầm non ở các xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh này.

Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, trong giai đoạn 2015-2018, quy mô mạng lưới trường, lớp được phủ khắp ở 100% xã, phường, thị trấn. Hiện nay, toàn tỉnh có 204 trường (168 trường công lập, 36 trường tư thục); 458 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục.

Số lượng trẻ huy động ra lớp, cụ thể: trẻ nhà trẻ hơn 10.900/41.035 trẻ, đạt gần 27%; trẻ mẫu giáo hơn 51.000/ 58.717 trẻ, đạt tỷ lệ 87%; trẻ mẫu giáo 5 tuổi là hơn 20.400/20.588 trẻ, đạt tỷ lệ 99%; số lớp ghép 2, 3 độ tuổi trong toàn tỉnh hiện còn 203 nhóm, lớp.

Viết Hảo