Học trò xuống nước, thầy cô như ngồi trên lửa

(Dân trí) - Trang bị kỹ năng bơi lội cho học sinh là cần thiết nhưng để tổ chức môn học này với các trường chẳng khác nào như đang ngồi trên lửa, kể cả những trường có điều kiện tốt nhất.

Trò xả láng, thầy cô căng

Hầu hết học sinh (HS) đều thích thú với giờ học bơi khi được thỏa thích vùng vẫy, đùa nghịch dưới nước. Đổi lại, thầy cô phụ trách lớp lại căng như dây đàn, lo lắng đến sự an toàn của các em. Tiết học bơi  chỉ kéo dài trong 30 phút nhưng với GV kéo dài dằng dặc.

Giờ học bơi của lớp 3C, Trường tiểu học Lê Quý Đôn, Q.7, TPHCM, khi hàng chục HS đã được đội ngũ huấn luyện viên hồ bơi kiểm soát nhưng cô chủ nhiệm Lâm Thị Ngọc Minh vẫn nhấp nhổm không yên. Đứng trên bờ, cô Minh chạy ngược chạy xuôi giữa trời nắng theo học đám học trò ở dưới hồ, mắt đảo ngang đảo dọc để giám sát.

Giáo viên thấp thỏm canh học trò trong giờ học bơi. 
Giáo viên thấp thỏm "canh" học trò trong giờ học bơi. 

Nhiều em đùa nghịch như lặn sâu, kéo chân, xô đẩy bạn… được cô Minh nhắc nhở liên tục. Trường hợp em nào quá hiếu động, cô buộc phải yêu cầu HS lên bờ để tránh nguy hiểm cho bản thân và bạn bè.

Cô Minh cho biết, trước khi học bơi, HS đã được nhắc nhở phải tuân thủ hướng dẫn của GV, huấn luyện hồ bơi, không đùa nghịch. Nhưng lứa tuổi này các em hiếu động, lại ham vui nên GV phải kè kè quan sát, không được rời mắt. 

Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ, Q.7 được xem là một trong những trường ở TPHCM có điều kiện tốt nhất để tổ chức môn bơi lội. Trường có hồ bơi, lại được một đơn vị dạy bơi lội đảm bảo chuyên môn hỗ trợ việc giảng dạy.

Việc tổ chức môn học này được nhà trường chuẩn bị kỹ lưỡng. GV được phân công cụ thể trong việc giám sát HS, phải nắm rõ em nào biết bơi và chưa biết bơi. Mọi phương án bảo đảm an toàn cho các em có thể nói là không có chút kẽ hở. 

Học trò đùa nghịch, việc giám sát được hàng chục em ở dưới nước là chuyện không hề dễ dàng. 
Học trò đùa nghịch, việc giám sát được hàng chục em ở dưới nước là chuyện không hề dễ dàng. 

Vậy nhưng, ông Trần Ái Việt - hiệu trưởng nhà trường thẳng thắn chia sẻ, dù chuẩn bị kỹ lưỡng đến mấy thì cũng không thể yên tâm được hoàn toàn. Bởi đối với đuối nước, chỉ trong nháy mắt một hai phút, đã có thể xảy ra sự cố mà khó ai có thể lường hết được.

“Học trò xuống bơi, thầy cô chẳng khác nào ngồi trên lửa”, ông Việt nói về sự căng thẳng khi tổ chức học bơi. 

Áp lực đối với nhà trường

Sự cố đau lòng mới đây, một HS lớp 6 ở TPHCM chết đuối ngay trong giờ học bơi đã cảnh báo về sự bất cập trong việc tổ chức môn bơi ở trường học. Một tiết học với hơn 100 HS chỉ vài GV giám sát cùng đội ngũ của phía công ty dạy bơi quá nguy hiểm dẫn đến cái chết của học trò xấu số nhưng đây là một “mô hình” mà nhiều trường học ở TPHCM áp dụng lâu nay.

Ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng Công tác học sinh - sinh viên (Sở GD-ĐT TPHCM) cho hay các trường đều hưởng ứng việc dạy bơi cho HS bởi ai cũng hiểu đây là một kỹ năng rất cần thiết. Tuy vậy, nhiều trường không có điều kiện thực hiện khi phải thuê hồ bơi và thiếu nhân sự. Trường học chỉ có GV thể dục chung chứ không có GV về bộ môn bơi lội. GV phụ trách lớp có thể không biết bơi, không biết cách cứu nạn cứu hộ. 

Tổ chức môn bơi cho HS là cần thiết nhưng đang là một áp lực lớn đối với các trường học. 
Tổ chức môn bơi cho HS là cần thiết nhưng đang là một áp lực lớn đối với các trường học. 

Nhiều trường muốn tổ chức môn học này phải giao cho các công ty dạy bơi lội. Tuy nhiên, mục đích của đơn vị này là kinh doanh nên trách nhiệm chưa cao. Đã vậy,  GV chỉ cần có chút giám sát lơ là, sơ sẩy để HS chưa biết bơi lọt vào nhóm biết bơi, các em đùa nghịch thì rất nguy hiểm. 

Theo ông Huy, một mình nhà trường không thể lo nổi việc dạy bơi cho HS mà phải có sự hỗ trợ từ trung tâm thể dục thể thao ở các quận huyện. Ngoài ra, phụ huynh nên chủ động cho con học bơi nếu có điều kiện chứ đừng chờ hết vào nhà trường.

Phải thừa nhận mỗi gia đình lo được cho một đứa trẻ học bơi đã là chuyện không dễ. Nên việc nhà trường tổ chức dạy bơi cho hàng trăm, hàng ngàn HS trong điều khiện thiếu thốn trăm bề như hiện giờ khó mà nói trước được điều gì cho dù họ có cố gắng đến mấy chăng nữa. 

Sở GD-ĐT TPHCM vừa có văn bản yêu cầu các trường chấn chỉnh việc dạy bơi với những yêu cầu nghiêm ngặt rất cần thiết nhằm đảm bảo an toàn cho HS. Vậy nhưng, có những nội dung như mỗi HS phải có một GV hướng dẫn trực tiếp theo các trường là… không thể thực hiện. Nếu vậy, các trường chỉ có hai cách đều không thể làm nổi là tuyển hàng loạt GV phụ trách môn bơi hoặc mỗi giờ học tổ chỉ chức cho một vài em HS.

Hoài Nam